...

Hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới”

26 Tháng 3, 2021

Được ký kết ngày 15 tháng 11 năm 2020, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình mở rộng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn của Việt Nam. Với mục tiêu hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, đi sâu vào làm rõ hàm ý Hiệp định cũng như đưa ra các khuyến nghị cần thiết về thị trường, pháp lý, ngày 25 tháng 3 năm 2021, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức Hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” với hơn 200 đại biểu tham dự.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc Trung  tâm hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) đưa ra nhiều đánh giá tích cực về Hiệp định RCEP. Có thể thấy, RCEP đã tạo ra con đường liên thông thuận lợi cho các quốc gia ASEAN khi đưa ra nhiều nguyên tắc có tính cởi mở cao, phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của thị trường các nước thành viên. Tiếp lời ông Vũ, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng có những nhận định khả quan về hiệp định thương mại tự do mới. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ông Bắc cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp phải lưu ý một số bất cập, thách thức mà RCEP đặt ra. RCEP tạo ra một môi trường thông thoáng hơn so với các hiệp định trước nhưng cùng với đó cũng đặt ra yêu cầu về việc giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch một cách chặt chẽ hơn. Chính bởi vậy, doanh nghiệp cần phải hiểu đúng quy định để vận dụng sao cho hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Dương - Chuyên gia kinh tế Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương - Chuyên gia kinh tế Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có phần trình bày về “RCEP và khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”. Bằng việc đối chiếu RCEP với tổng thể các FTA đã ký kết, chuyên gia nhận định RCEP đã đặt khu vực châu Á vào thế năng động mới với nhiều cơ hội và triển vọng hơn. Có thể ví RCEP như bước đà thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, trong đó lớn nhất là tỷ trọng xuất khẩu đến Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở rộng, RCEP cũng sẽ kéo theo nhiều thách thức về chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác. Thông qua các đánh giá khách quan, chuyên gia đã làm rõ hàm ý của hiệp định cũng như hướng doanh nghiệp đến các chiến lược phù hợp khi khai thác RCEP. Theo chuyên gia, doanh nghiệp không nên tách rời RCEP với các FTA khác đồng thời cần đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường và không bị yếu thế trước các quốc gia thành viên khác.

Ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Tiếp nối phần trình bày của ông Nguyễn Anh Dương, ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã có phần trình bày về việc thực thi Hiệp định RCEP, đặc biệt về nội dung liên quan đến quy tắc xuất xứ trong RCEP. Theo đó, ông Bình đã đi sâu vào phân tích cách hiểu quy định về quy tắc xuất xứ khi áp dụng Hiệp định RCEP. Chuyên gia đã có những phân biệt cụ thể cũng như lý giải về các điểm cần chú ý khi đánh giá xuất xứ của một sản phẩm. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đưa ra những vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm ở hiện tại đó là cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong RCEP. Với nhiều điều khoản mang tính “mở cửa” cao, ông Bình nhấn mạnh, RCEP hứa hẹn là cơ hội lớn cho Việt Nam, tuy vậy, doanh nghiệp cần rất thận trọng trong quá trình kiểm duyệt, xem xét về xuất xứ để tận dụng tốt ưu thế mà Hiệp định mang lại.

Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Sau phần trình bày của ông Trần Ngọc Bình, từ góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần trình bày liên quan đến các điểm pháp lý nổi bật, giải quyết tranh chấp trong Hiệp định RCEP. Chuyên gia khẳng định việc ký kết RCEP là bước đệm tốt cho Việt Nam, tuy vậy để phát huy được ưu điểm của RCEP, doanh nghiệp cần phải để tâm hơn đến các điều khoản để nhận diện rõ và tránh được một số rủi ro. Đi vào phần chia sẻ, chuyên gia đã cập nhật cho doanh nghiệp những thông tin chi tiết về cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 19 của Hiệp định RCEP. Theo đó, Hiệp định khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, tham vấn, hòa giải và sự thỏa thuận của các bên sẽ hoàn toàn được tôn trọng. Từ việc nêu các quy định, chuyên gia cũng tiến hành mô tả khái quát quy trình giải quyết tranh chấp để doanh nghiệp có hình dung rõ hơn về cơ chế xử lý khi có mâu thuẫn phát sinh ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh RCEP sẽ được thực thi trong thời gian tới, chuyên gia cũng đưa ra các phân tích và khuyến nghị về các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình giao dịch của doanh nghiệp, chẳng hạn như tranh chấp về xuất xứ hàng hóa, về hợp đồng mua bán, sở hữu trí tuệ…Đây là các tranh chấp đã vốn tồn tại, nhưng khi đặt trong bối cảnh RCEP, chuyên gia dự đoán rằng các tranh chấp này sẽ có xu hướng tăng và nếu không thận trọng, các tranh chấp nhỏ này sẽ dễ dẫn đến các tranh chấp lớn hơn, phức tạp hơn.

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần thảo luận, giải đáp thắc mắc với sự tham gia tích cực và nhiều đóng góp từ phía các doanh nghiệp tham dự.

 

Tài liệu sự kiện: TẠI ĐÂY

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI