...

Tổng kết Chuỗi hoạt động: Bàn luận về quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức Trọng tài

17 Tháng 4, 2023
Đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions, gọi tắt là ADRs) đang ngày càng được nhiều quốc gia, tổ chức giải quyết tranh chấp công nhận là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả bên cạnh Tòa án. Tại Việt Nam, mặc dù có sự gia nhập khá muộn, nhưng với những ưu điểm nhất định về tính nhanh chóng, hiệu quả, bảo mật, ADRs cũng dần trở nên phổ biến và được sử dụng nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong số các phương thức này, phổ biến nhất có thể kể đến hai phương thức là trọng tài và hòa giải. Trải qua một thời gian áp dụng, trọng tài và hòa giải đã cho thấy được nhiều điểm mới mẻ, khác biệt so với cách giải quyết tranh chấp truyền thống. Với việc tôn trọng thỏa thuận của các bên cùng quy trình thủ tục tinh gọn, linh hoạt, các hình thức này đã đem đến nhiều lợi ích và hỗ trợ tích cực cho các bên khi phát sinh mâu thuẫn liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng, trọng tài và hòa giải hiện nay đang còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt về khung pháp lý điều chỉnh, dẫn đến thực tiễn vận hành còn nhiều trở ngại và khó khăn. Để thúc đẩy sự phát triển của hai phương thức này nói riêng và ADRs nói chung, việc đánh giá, đưa ra các đóng góp, kiến nghị là điều rất cần thiết.
 
Nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận mở cho cộng đồng doanh nghiệp, các luật sư, chuyên gia, các cá nhân quan tâm đến lĩnh vực ADRs, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) quyết định tổ chức Diễn đàn khoa học về trọng tài và hòa giải định kỳ nhằm đưa ra những trao đổi, thảo luận về các vấn đề đáng chú ý liên quan đến phương thức trọng tài và hòa giải.
Với năm đầu tiên – 2023, VIAC vinh hạnh được phối hợp với các đối tác gồm: trường Đại học Kinh tế - Luật – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước – Đại học UEH, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chuỗi hoạt động với chủ đề “Bàn luận về quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài”. Với 03 Hội thảo khoa học và 01 Diễn đàn thảo luận, quy tụ những chuyên gia là các trọng tài viên, các luật sư, giảng viên có kinh nghiệm và nghiên cứu sâu về phương thức trọng tài, chuỗi sự kiện hướng đến mục tiêu cung cấp cho người tham dự góc nhìn từ cả lý thuyết và thực tiễn về các vấn đề này, hiểu hơn về thách thức đã, đang và sẽ xảy ra trong tố tụng trọng tài. Từ đó, đưa những kiến nghị, đóng góp thiết thực để hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại 2010 trong thời gian tới.
 
 

Hội thảo 01: Các vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại 

Hình ảnh chi tiết: TẠI ĐÂY

Hội thảo 02: Chứng cứ trong tố tụng trọng tài: Nhìn từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế

Hình ảnh chi tiết: TẠI ĐÂY

Hội thảo 03: Tính chung thẩm của phán quyết và các quyết định của Hội đồng Trọng tài

Hình ảnh chi tiết: TẠI ĐÂY

 
Ngày 14/4/2023, Diễn đàn thảo luận “Thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. 
 
 
Đây là sự kiện trọng điểm và lớn nhất thuộc khuôn khổ Chuỗi hoạt động “Bàn luận về quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài” được tổ chức theo hình thức Phiên thảo luận cùng các chuyên gia là các Luật sư, các Trọng tài viên nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại nói riêng và tư pháp nói chung. Sự kiện đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự cũng nhiều cơ quan thông tấn báo chí.
 
 
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về xu hướng áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trên thế giới, ông nhận định phương thức này đang ngày càng thịnh hành và giữ một vị thế quan trọng trong hệ thống tài phán của các quốc gia. Tại Việt Nam, chế định trọng tài du nhập vào hệ thống pháp luật từ khá sớm (khoảng thế kỷ XIX), tuy nhiên đến thế kỷ XX thì mới xây dựng được khung pháp lý cơ bản ghi nhận và cung cấp một số thủ tục về trọng tài. Giai đoạn sau đó, qua nhiều lần chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật thì mới hình thành Luật Trọng tài thương mại năm 2010, và đây cũng là nguồn chính điều chỉnh hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong suốt thời gian vừa qua. Có thể nói, Luật Trọng tài thương mại 2010 đã và đang là công cụ hỗ trợ rất tốt cho việc vận hành quy trình giải quyết tranh chấp; tuy nhiên, các tranh chấp ngày càng nhiều tình tiết mới, các bên cũng có những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn. Từ thực tiễn tại VIAC, một trong những trung tâm hoạt động thời gian dài trong lĩnh vực trọng tài, liên tục tiếp nhận các tranh chấp, khiếu nại hàng giờ, hàng ngày, không thể phủ nhận một sự thật khách quan rằng: khung pháp lý về trọng tài còn đang tồn tại nhiều điểm chưa hoàn thiện, thậm chí thiếu sót. Điều này không chỉ gây nên những trở ngại lớn cho Hội đồng Trọng tài khi quản lý, điều phối vụ tranh chấp, mà còn khiến doanh nghiệp trở nên e dè khi sử dụng trọng tài. Ông cho biết, để chủ động giải quyết những hạn chế và khó khăn phát sinh trong quá trình tố tụng trọng tài, VIAC đã nỗ lực đưa ra nhiều hướng dẫn chi tiết cho các Hội đồng Trọng tài, các Bên nhằm thúc đẩy và cải tiến quy trình tố tụng. Tuy vậy, tất cả những phương án này chỉ là tạm thời, ông cho rằng, để cải tiến một cách toàn diện và triệt để, nguồn điều chỉnh chính là Luật Trọng tài Thương mại 2010 cần được góp ý sửa đổi, bổ sung càng sớm càng tốt. Đặt trong lăng kính đối chiếu với luật trọng tài ở các quốc gia khác trên thế giới, có thể thấy, các quy định về trọng tài tại Việt Nam chỉ ở mức tương đối, vẫn có nhiều thủ tục mà doanh nghiệp chưa có cơ hội áp dụng vì chiếc mũ luật trọng tài còn nhỏ và chật. Điều này vô tình trở thành một trở ngại khá lớn, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư. Một trong những yếu tố chính chi phối các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam chính là pháp lý. Chính sách ưu đãi, pháp lý thuận lợi sẽ là điểm sáng thúc đẩy làn sóng đầu tư, và việc giải quyết tranh chấp nằm trong số đó. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng bắt kịp quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý trọng tài trong nước để khi có tranh chấp phát sinh, doanh nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn trọng tài Việt Nam, hòa giải Việt Nam thay vì nước ngoài.
 

Tiếp nối, PGS. TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Trọng tài viên VIAC LS. Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã có phần phát biểu chào mừng cho Diễn đàn thảo luận AMS2023. TS. Bùi Xuân Hải đưa ra một số đánh giá về tình hình phát triển của phương thức trọng tài thương mại tại Việt Nam trong những năm gần đây với hơn 40 tổ chức trọng tài trên cả nước và con số vụ kiện trọng tài tăng lên rất nhiều hằng năm. Từ đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp và giới luật sư đã đặt niềm tin nhiều hơn vào hệ thống trọng tài thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng nhận định hoạt động trọng tài tại Việt Nam chưa thật sự tương xứng với tiềm năng với đội ngũ trọng tài viên đông đảo và mạnh mẽ thì số lượng các vụ việc mà hằng năm các trung tâm trọng tài tiếp nhận còn khá ít. Ông đồng tình với TS. Vũ Tiến Lộc rằng trọng tài thương mại tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm vừa rồi nhưng vẫn đang có khoảng cách nhất định với các chuẩn mực của trọng tài quốc tế. Ông đánh giá VIAC là trung tâm trọng tài lớn nhất Việt Nam có bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời với hơn 30 năm và là đơn vị tiên phong trong việc tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt là việc ban hành bản hướng dẫn tố tụng trọng tài cho các trọng tài viên vào tháng 11/2022. Với góc độ là tổ chức đại diện của Luật sư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, LS. Nguyễn Văn Trung rất vui mừng và hân hoan khi đồng hành cùng VIAC và Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn thảo luận “Thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam”. Từ gắn kết và nhận thức chung về vai trò, tầm quan trọng của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phù hợp với xu thế hiện nay, ông cho rằng hoạt động này là cần thiết và cấp bách nhằm đưa ra những kiến nghị, đề xuất, từ đó sửa đổi Luật trọng tài thương mại phù hợp và hiệu quả hơn trong quá trình áp dụng. Không chỉ có các tổ chức trọng tài, các trọng tài viên mà hơn hết là tạo thuận lợi hoá cho các doanh nghiệp và giới luật sư.

 
Diễn đàn thảo luận được triển khai gồm 02 phiên lớn với 04 chủ đề thảo luận, tập trung vào các nội dung liên quan đến quy trình quản lý vụ tranh chấp và hiệu lực của phán quyết trọng tài, quyết định của Hội đồng Trọng tài.
 
 
Mở đầu phiên 01: “Bàn luận về vấn đề quản lý vụ tranh chấp trong trọng tài” vào sáng ngày 14/4/2023, LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học VIAC, Trọng tài viên VIAC đã có phần dẫn đề khái quát về việc quản lý các vụ tranh chấp tại Việt Nam và trên thế giới. Ở góc độ tổ chức trọng tài, theo hướng dẫn thi hành tố tụng của SIAC, Điều 4 quy định “Quản lý vụ việc, bao gồm liên lạc với các trọng tài viên, các bên và đại diện được uỷ quyền của họ về việc gửi thông báo đúng cách, theo dõi lịch trình và thời hạn đệ trình, sắp xếp các thiết bị cho phiên họp và tất cả các vấn đề khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tố tụng trọng tài diễn ra suôn sẻ”. Và ở góc độ Hội đồng trọng tài, theo hướng dẫn thi hành của ICC, 2021, Điều 93 quy định “Để bảo đảm quản lý vụ việc hiệu quả, hội đồng trọng tài, sau khi tham khảo ý kiến của các bên, sẽ áp dụng các biện pháp tố tụng mà hội đồng cho là phù hợp, với điều kiện là chúng không trái với bất kỳ thoả thuận nào của các bên”. Ông cũng đã dẫn chứng nhiều quy định, hướng dẫn quốc tế như Luật mẫu UNCITRAL (2006), Quy tắc ICC, Quy tắc Trọng tài SIAC 2016, ở Việt Nam những quy định tại Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam. Tại VIAC, các hướng dẫn tố tụng trọng tài cho Trọng tài viên đã hỗ trợ hội đồng trọng tài tham vấn ý kiến các bên tranh chấp về các vấn đề giải quyết, thời hạn đệ trình chứng cứ, cách thức làm việc.
Theo ông, công cụ quản lý vụ kiện gồm Cuộc họp sơ bộ (CMC), Quyết định về thủ tục (Pos), Thời biểu tố tụng và những công cụ này có vai trò quan trọng trong việc đề trình chứng cứ.  
Để mở đầu cho chủ đề thảo luận đầu tiên, ông đặt ra một số câu hỏi như: Hội đồng trọng tài VIAC nên áp dụng các công cụ quản lý vụ kiện như thế nào? Cách hành xử của Luật sư Việt Nam trong tố tụng trọng tài cần thay đổi như thế nào? Hay Có nên sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010 theo hướng áp dụng Luật Trọng tài Mẫu của UNCITRAL hay không?
 
 
Ở góc độ Việt Nam, các chuyên gia cùng làm rõ trong chủ đề thảo luận “Công cụ quản lý vụ tranh chấp: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam” với sự điều phối của LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học VIAC, Trọng tài viên VIAC PGS. TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Trọng tài viên VIAC; cùng sự tham gia của các chuyên gia: LS. Trương Trọng Nghĩa - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM, Trọng tài viên VIAC; LS. Nguyễn Chính – Luật sư thành viên Công ty Luật Hợp danh Nghiêm và Chính, Trọng tài viên VIAC; LS. Steven Lim – Trọng tài viên, Luật sư của 39 Essex Chambers. Liên quan đến vấn đề quản lý vụ tranh chấp, thực tiễn cho thấy, bên cạnh các thủ tục cơ bản được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, quy tắc tố tụng của tổ chức trọng tài,… Hội đồng Trọng tài vẫn cần sử dụng những công cụ khác để thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và nhanh chóng hơn. Trong nhiều thủ tục được áp dụng, có vấn đề liên quan đến “thủ tục bác bỏ sớm” (Early Dismissal), thủ tục này đã được quy định tại quy tắc và hướng dẫn của nhiều tổ chức trọng tài trên thế giới. Thủ tục bác bỏ sớm (Early Dismissal), theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực trọng tài, là một trong những thủ tục giúp rút ngắn, tinh gọn quy trình tố tụng. Theo đó, Hội đồng Trọng tài có quyền đưa ra các quyết định sớm về vụ tranh chấp trong quá trình giải quyết mà không nhất thiết phải tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp nếu nhận thấy rằng các khiếu nại, phản đối đương nhiên không có cơ sở, chứng cứ hoặc không thuộc phạm vi thẩm quyền. Tại Việt Nam, thủ tục bác bỏ sớm (Early Dismissal) chưa được áp dụng trên thực tiễn vì một số trở ngại khách quan, trong số đó vấn đề lớn nhất là giới hạn của luật trọng tài thương mại.
 
 
 
Chủ đề thảo luận 2 “Đệ trình và đánh giá chứng cứ trong tố tụng trọng tài” do LS. Nguyễn Trung Nam - Thành viên sáng lập EP Legal, Trọng tài viên VIAC, PGS. TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM, Trọng tài viên VIAC điều phối và sự tham gia cho ý kiến của các chuyên gia: LS. Nguyễn Ngọc Minh – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập; LS. Amanda Lees – Luật sư thành viên của King & Wood Mallesons, Singapore; LS. Joel Quek – Luật sư thành viên của Nhóm thực tiễn tranh chấp thương mại và doanh nghiệp – Wong Partnership. Thu thập và đánh giá chứng cứ là vấn đề thường phát sinh nhiều bình luận trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong trọng tài quốc tế, để điều chỉnh và giải quyết các vấn đề liên quan đến thu thập, đánh giá chứng cứ, quy tắc IBA (IBA Rules on the Taking of Evidence in International Arbitration) thường được cân nhắc tham chiếu, áp dụng. Tại nhiều tổ chức trọng tài trên thế giới như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), việc áp dụng IBA được xem là thông lệ chung và khá phổ biến. Qua nhiều vụ việc, quy tắc IBA cho thấy là một hướng dẫn điều chỉnh việc thu thập chứng cứ trong trọng tài thương mại quốc tế hiệu quả và tiết kiệm. Các Bên và Hội đồng Trọng tài có thể thông qua toàn bộ hoặc một phần quy tắc IBA để vận hành thủ tục tố tụng trọng tài. Việc áp dụng IBA được nhiều Tòa án trọng tài, tổ chức trọng tài khuyến khích bởi nó sẽ bổ trợ tốt, cụ thể hóa những quy định còn thiếu liên quan đến chứng cứ, người làm chứng. Tố tụng trọng tài hiện nay đang phát sinh nhiều tranh cãi liên quan đến một số trọng điểm như kiểm tra chéo chứng cứ, nhân chứng chuyên gia, thời điểm đệ trình. Tại Việt Nam, gần đây, các vấn đề phát sinh liên quan đến chứng cứ ngày càng nhiều hơn, chúng ta có thể bắt gặp một số các tình huống điển hình như: các bên không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài; phản đối chứng cứ, người làm chứng; đệ trình chứng cứ quá thời gian cho phép…Do những hạn chế trong quy định, quy tắc và hướng dẫn, Hội đồng Trọng tài chưa đủ cơ sở để có thể đưa ra những lập luận để chấp nhận hoặc bác bỏ, cũng như chưa có căn cứ để áp dụng chế tài với bên không tuân thủ quy trình cung cấp chứng cứ.
 
 
Sau phần thảo luận sôi nôi tại Phiên 1 vào buổi sáng, mở đầu Phiên 2 vào chiều ngày 14/4/2023, GS. TS. Đỗ Văn Đại – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC đã có phần dẫn đề với nội dung khái quát hiệu lực của phán quyết và các quyết định của Hội đồng trọng tài. Ông cho biết, khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thì chính các bên đều mong đợi có được một phán quyết. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây chính là cách phán quyết đó được thực thi như thế nào. Bên cạnh nhiều ưu điểm mà phán quyết trọng tài mang lại thì cũng gặp không ít hạn chế, thứ nhất, cơ quan thi hành án đặt ra điều kiện phải chứng minh rằng phán quyết trọng tài được yêu cầu thi hành án không là đối tượng của một yêu cầu hủy tại Tòa án – đây là điều khó khăn cho phía người yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp này, ở TP. HCM, đã có một cơ chế liên thông giữa Tòa án và cơ quan thi hành án để xem xét rằng liệu phán quyết đó có phải đối tượng của yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hay không. Đó là một cơ chế liên thông rất thuận lợi, tuy nhiên, chưa thể chắc chắn nó có thể tồn tại ở các địa phương khác. Vì thế, đây có thể là một rào cản cho quá trình thi hành phán quyết trọng tài. Thứ hai, hiện nay, phán quyết trọng tài sẽ không thể thực thi nếu bị yêu cầu hủy tại Tòa án. Điều này dẫn đến tình trạng: bên thua kiện sẽ yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài nhằm hoãn việc thực thi phán quyết trọng tài, bởi vì cơ quan thi hành án sẽ không thi hành phán quyết trọng tài nếu phán quyết đó là đối tượng của yêu cầu hủy. Ông cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục được lỗ hổng này, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia, ví dụ như ở Pháp, phán quyết trọng tài sẽ có hiệu lực thi hành ngay cho dù nó có thể là đối tượng của một yêu cầu hủy tại Tòa án, trừ trường hợp có lệnh mới từ Tòa án yêu cầu dừng thi hành phán quyết đó.
 

Nhằm tiếp tục làm rõ và đối chiếu với thực tiễn quốc tế, chủ đề thảo luận 1 “Nguyên tắc và thực tiễn và hiệu lực của phán quyết và các quyết định của Hội đồng trọng tài” diễn ra với sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; PGS. TS. Võ Trí Hảo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, Trọng tài viên VIAC và sự tham gia của các chuyên gia: Ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân TP. HCM, Trọng tài viên VIAC; TS. LS. Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Trọng tài Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập (Dzungsrt & Associates); LS. Đinh Quang Thuận – Luật sư thành viên GV Lawyers, Hòa giải viên VMC; LS. Ngô Quỳnh Anh – Luật sư điều hành EPLegal. Trong quá trình tố tụng trọng tài, để giải quyết các khiếu nại, đề xuất phát sinh, Hội đồng Trọng tài sẽ ban hành một số quyết định. Luật Trọng tài Thương mại 2010 đã quy định về một số quyết định như quyết định về thẩm quyền trọng tài, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp, quyết định về công nhận hòa giải thành… Ngoài ra, đối với các vấn đề khác như ngôn ngữ, địa điểm, luật áp dụng…, dù luật không có quy định nhưng nếu nhận thấy cần thiết hoặc các bên có yêu cầu, Hội đồng Trọng tài cũng sẽ ban hành quyết định để giải quyết. Dù vậy, hiệu lực của một số quyết định, hiện nay chưa được nêu rõ trong luật trọng tài hay các văn bản hướng dẫn, điều này dẫn đến nhiều khiếu nại, lập luận gây tranh cãi trên thực tế. So với trọng tài, các quyết định của Tòa án được pháp luật điều chỉnh cụ thể, đầy đủ và tổng thể hơn khi hầu hết quyết định của Tòa đều có thể bị khiếu nại mà không có hiệu lực thi hành ngay. Các chuyên gia đánh giá, đối với phán quyết trọng tài, về nguyên tắc, hiệu lực của phán quyết trọng tài không nên chỉ dừng lại ở việc có hiệu lực với các bên, mà còn là hiệu lực với bên thứ ba và hiệu lực cưỡng chế (thông qua Tòa án). Bên cạnh đó, hệ quả của tính hiệu lực này cũng cần được làm rõ; theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài Thương mại 2010, phán quyết trọng tài là chung thẩm và có giá trị ràng buộc các bên. Tuy nhiên, luật trọng tài lại không hướng dẫn chi tiết về hệ quả của tính chung thẩm là gì. Điều này vô tình dẫn đến nhiều rắc rối trên thực tiễn khi đã có hàng loạt các tình huống phát sinh như: giải quyết lại nội dung tranh chấp đã có phán quyết, cùng một tranh chấp nhưng kết quả phán quyết khác nhau… Qua bàn tròn thảo luận, các chuyên gia đã cùng đánh giá về một số vấn đề như: nguyên tắc thực tiễn liên quan đến hiệu lực của các quyết định ban hành bởi Hội đồng Trọng tài; Quy định và thực tiễn sự can thiệp của Tòa án Việt Nam đối với quyết định của Hội đồng Trọng tài hay Tính chung thẩm của phán quyết trọng tài từ góc độ thực tiễn và đưa ra cơ chế giải thích phán quyết trọng tài sau khi hết thời hạn theo luật định.

Cuối cùng, chủ đề thảo luận 2 “Hủy phán quyết trọng tài và cơ chế xem xét lại với quyết định hủy phán quyết trọng tài” do GS. TS. Mai Hồng Quỳ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); LS. Ngô Thanh Tùng – Luật sư thành viên Công ty Luật quốc tế Việt Nam (VILAF - Hồng Đức), Trọng tài viên VIAC điều phối và có sự tham gia của các chuyên gia: Ông Phan Gia Quí, Nguyên Chánh tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC; Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh Tòa án Nhân dân TP. HCM; LS. Trần Duy Cảnh - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC; TS. Châu Huy Quang – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT, Trọng tài viên VIAC. Đây là chủ đề được mong chờ và có nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi từ chính các đại biểu tham dự tại hội trường. Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010 và Điều 14, 15 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP đã đưa ra các quy định cũng như hướng dẫn chi tiết về căn cứ hủy phán quyết trọng tài. Xét từ góc độ thực tiễn, có thể thấy, căn cứ được viện dẫn nhiều trong thời gian gần đây là căn cứ liên quan đến “phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Điểm đ, Khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP giải thích quy định này như sau: “Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng Trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba”. Có thể thấy, mặc dù đã có những giải thích tương đối chi tiết, nhưng cách hiểu và vận dụng trên thực tế lại có nhiều quan điểm, các bên vì thế cũng có những hướng trình bày khác nhau khi có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Điều này dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất, khiến nguy cơ phán quyết bị hủy tăng cao. Qua thảo luận có thể thấy rằng, bên cạnh căn cứ yêu cầu hủy, hệ quả sau khi hủy phán quyết trọng tài cũng là vấn đề phát sinh nhiều tranh luận. Theo quy định tại Điều 71 khoản 10 Luật trọng tài thương mại, Quyết định hủy phán quyết của Tòa án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao, quy định trong phần Biểu mẫu của tòa án trong đó, mẫu Quyết định hủy Phán quyết Trọng tài có nêu: “Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị”. Tuy nhiên, có thể nói, việc không cho phép kháng cáo, kháng nghị với quyết định hủy của Tòa không thực sự hợp lý, bởi nếu quyết định này vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới, thì việc xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm là điều cần thiết để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Xa hơn, việc đặt ra thiết chế giám đốc thẩm với quyết định hủy sẽ giúp các tổ chức, cá nhân có niềm tin hơn vào hiệu lực và giá trị của phán quyết trọng tài; trên cơ sở đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển của trọng tài trong tương lai.
 
 
Diễn đàn thảo luận “Thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam” quy tụ các chuyên gia là các trọng tài viên, luật sư, nhà nghiên cứu uy tín và hàng đầu trong lĩnh vực trọng tài, đã đem đến cho người tham dự góc nhìn đa dạng về thủ tục tố tụng trọng tài, những thuận lợi và khó khăn đang tồn tại trong quá trình giải quyết tranh chấp. Qua các chia sẻ và đóng góp của các chuyên gia cũng như người tham dự, Diễn đàn thảo luận sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị và đưa ra báo cáo tổng kết nhằm sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài tại Việt Nam.
 
*** Bản lưu Hội thảo chuyên đề: Youtube_AMS2023
*** Tài liệu chuỗi sự kiện: https://www.viac.vn/tai-lieu-su-kien.html

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI