...

Chuyên gia nói về doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn phi pháp

28 Tháng 12, 2023

Thời gian qua có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn phi pháp, thậm chí bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhà đầu tư với thị trường và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn chân chính.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (bên trái) và bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI. Ảnh: VGP

Chiều 4.12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững".

Tại đọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, nhìn từ góc độ người tham mưu và làm chính sách, các trường hợp vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu thời gian qua là điều rất đáng tiếc.

Điều này có ảnh hưởng, thậm chí có những giai đoạn ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin thị trường, đến việc phát hành, thanh khoản. Như vậy, ảnh hưởng tới cả hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế.

"Vi phạm thì phải xử lý nghiêm và và theo tôi là xử lý nhanh, kịp thời, đấy là quan trọng nhất. Nhưng nhìn ở chiều tích cực, tôi thấy rằng, chính một số trường hợp vi phạm như vừa qua cộng với một số hạn chế, tạm gọi là những đặc điểm riêng, cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá, cả cho người làm chính sách và cả người đầu tư mua trái phiếu", ông Phan Đức Hiếu nói.

Các vị khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đối với người làm chính sách, từ những vi phạm vừa qua, có mấy điểm có thể rút ra.

Thứ nhất, về vi phạm pháp luật, đầu tiên chúng ta phải hiểu nguyên nhân trước hết là do thực thi pháp luật. Nếu do khâu thực thi thì chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào cải thiện việc thực thi, giám sát chính sách, chứ không phải sửa đổi chính sách.

Những chỉ đạo vừa qua là rất hợp lý, như chúng ta đã bàn: Tăng cường giám sát, kịp thời đưa ra các kênh, minh bạch hóa xây dựng thị trường giao dịch trái phiếu. Đây là điều rất tốt.

Thứ hai, trong thời gian tới, từ những sự kiện vừa qua, nhu cầu hoàn thiện pháp luật có thể có, ví dụ như có thể cần rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, của người phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu bị vi phạm.

Như vậy, nhà đầu tư biết khi xảy ra trường hợp này, họ có quyền và lợi ích gì và khi không thanh khoản được trái phiếu do rủi ro của thị trường thì quyền và lợi ích của nhà đầu tư như thế nào. Nhờ đó, nhà đầu tư có thêm kênh để quyết định.

Thứ ba, rõ ràng bản thân nhà đầu tư cần tự rút ra bài học, thậm chí phải ra quyết định đầu tư nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn của mình.

Như vậy, trong những sự cố vừa qua, có những mặt hạn chế, có những tác động không mong muốn nhưng cũng nhiều thứ chúng ta rút ra được bài học và hiện nay, rất nhiều bài học chúng ta đã rút ra, đã làm và nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy hoạt động thị trường trái phiếu như đã thảo luận.

Còn bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI - cho rằng, với thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào, đều phải trải qua giai đoạn phát triển và những vấp váp để chỉnh sửa lại những quy định, chính sách và chuẩn chỉnh hóa quá trình phát triển của mình. Thực ra đây cũng là những cú vấp mang tính chất tương đối tất yếu.

Nếu nhìn ở khía cạnh trái phiếu là sản phẩm đi vay và cho vay, nếu ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu nhất định, thì về nguyên tắc thị trường trái phiếu cũng vận động theo nguyên tắc chung như vậy.

Trong thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp, bị xử lý hình sự, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu. Cũng phải nhìn nhận với những doanh nghiệp này, vi phạm về trái phiếu là một phần các vi phạm của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chúng ta phải xác định đây là số ít nếu so với toàn bộ quy mô thị trường và việc xử lý cho tới thời điểm này là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, xử lý đến cùng tất cả các trường hợp vi phạm. Và những trường hợp vi phạm này chủ yếu rơi vào tổ chức phát hành cố tình dựa thực hiện các hoạt động phát hành không đúng mục đích, không đúng đối tượng phát hành.

"Tôi cho rằng, cái sai này là một cú va vấp có thể xảy ra ở tất cả các thị trường trong quá trình phát triển của mình. Sau cú va vấp này, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm và tránh được tối đa va vấp ở quy mô lớn hơn", bà Ngọc Anh nêu quan điểm.

Theo Báo Lao động đăng ngày 04/12/2023. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI