...

Việt Nam là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới

29 Tháng 10, 2019

Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển đáng kể, là một trong sáu ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, đồng thời được đánh giá là thị trường tiềm năng, hấp dẫn bởi giá trị thị trường đạt mức khoảng 120 tỷ USD. Với quy mô đầu tư dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Doanh nghiệp phải chủ động để tránh bị lấn lướt

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức của các nhà bán lẻ trong nước...

Theo VCCI, có tới 58% doanh nghiệp thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư từ CPTPP, EU vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn. Chỉ khi họ tìm được hướng đi riêng và chủ động được các kế hoạch, chiến lược thì mới có thể tránh được sức ép và nguy cơ bị thôn tính, lấn át ngay trên chính “sân nhà”.

Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, các nhà bán lẻ nội đã nỗ lực và không thua kém trong cuộc đua thị phần hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mở rộng mạng lưới; đồng thời, hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú như hệ thống Vinmart, Hapro, Co.op mart,…

Dù vậy, vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn. Ngược lại, những nhà đầu tư ngoại có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần.

Theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp Việt Nam tụt hậu về công nghệ diễn ra trong thời gian dài so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu vực và thế giới. Hơn nữa, trình độ quản trị của doanh nghiệp còn ở mức thấp và chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế… là những vấn đề doanh nghiệp Việt cần sớm có giải pháp khắc phục.

“Ông lớn” bán lẻ quốc tế đổ bộ

 ThS. Vũ Thị Hồng Phượng, Trường Đại học Thương mại cho rằng, trong thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự “ đổ bộ” của các ông lớn trong ngành bán lẻ thế giới. Các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài này sau khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam đã có sự lớn mạnh không ngừng về cả số lượng và quy mô đồng thời khai thác khá tốt thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản dự định tới năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD. Chuỗi Family Mart của Nhật mở 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020; Tập đoàn Lotter Mart của Hàn Quốc với 8 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Hà Nội cũng có kế hoạch tăng lên 60 trung tâm thương mại trên toàn quốc với tổng mức đầu tư lên tới 3,2 tỷ USD vào năm 2020….

 Việc các tập đoàn bán lẻ quốc tế quan tâm và đầu tư tại Việt Nam là tín hiệu tốt đối với người tiêu dùng nhưng riêng đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội còn nhiều yếu thế thì đây lại là một sức ép vô cùng lớn khi họ phải cạnh tranh không cân sức với các tập đoàn FDI đầy tiềm lực. Chính vì vậy, vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trong nước chính là bài toán dài hạn của chính doanh nghiệp trong nước...

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 13/9/2015. Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp phân phối FDI trở thành đối tác chiến lược quan trọng của đề án. 

Theo Lưu Hiệp/ Công an Nhân dân/ 18-06-2019.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI