...

AMS 2024 | Hội thảo chuyên đề 1: Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và tác động của bên thứ ba

27 Tháng 3, 2024
 
Diễn giả tại Sự kiện
 
Sáng ngày 22 tháng 3 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (ULAW) tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề "Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và tác động của bên thứ ba". Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu tại Hội trường, gồm nhiều luật sư, giảng viên và sinh viên quan tâm, đồng thời ghi nhận hơn 200 người dự thính qua hệ thống trực tuyến.
 
 
 
PGS.TS Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trường Trường Đại học Luật TP.HCM
 

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trường Trường Đại học Luật TP.HCM đã có đôi lời phát biểu chào mừng hội thảo. Ông Dũng cho biết, theo thời gian, trọng tài – với vai trò là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế với nhiều tính ưu việt, đã dần trở nên quen thuộc hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đi cùng sự phát triển đó, các diễn biến trong quá trình tố tụng trọng tài ngày càng trở nên phức tạp hơn, đặc biệt khi xuất hiện của yếu tố bên thứ ba. Bản chất của trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp “khép kín” gắn liền với thoả thuận trọng tài giữa các bên, do đó, vấn đề phát sinh liên quan đến đảm bảo, hài hoà quyền và lợi ích của bên thứ ba vẫn còn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, cấp thiết nhất có thể kể đến yêu cầu nghiên cứu các vấn đề liên quan tới áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan tới yếu tố “bên thứ ba”. Ông Dũng cho rằng, với không gian thảo luận học thuật mang tính cởi mở, tích cực, Hội thảo sẽ đặt tiền đề để các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về Trọng tài Thương mại tại Việt Nam.

GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM

Tiếp nối trao đổi của PGS.TS. Trần Việt Dũng, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM cũng có một số chia sẻ với đại biểu tham dự Hội thảo. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và tham gia giải quyết hàng loạt các tranh chấp lớn, nhỏ, GS. Đỗ Văn Đại đã nêu ra một số nhận định về điểm nghẽn, thách thức của pháp luật trọng tài tại Việt Nam đối với quy định về áp dụng BPKCTT cũng như về quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba trong quy trình tố tụng. Theo GS. Đại, điểm sáng của Luật TTTM 2010 là đã trao cho HĐTT quyền áp dụng BPKCTT mà trước đó Pháp lệnh trọng tài không quy định; tuy nhiên, Luật TTTM 2010 lại có giới hạn về loại biện pháp và phạm vi áp dụng của trọng tài, khiến trọng tài bị hạn chế nhiều so với Tòa án. Để minh chứng rõ hơn, GS. Đại cũng đã đưa ra một số ví dụ trên thực tiễn khi mà HĐTT bị giới hạn về thẩm quyền dẫn đến các bên phải nộp đơn đến Tòa yêu cầu áp dụng BPKCTT. Việc này có khả năng dẫn đến không đảm bảo tính khẩn cấp, đồng thời cũng mất thời gian cho các bên. Với các hạn chế đó, GS. Đại kỳ vọng Hội thảo sẽ có các chia sẻ và bàn luận đa dạng, thiết thực, góp phần hoàn thiện hơn quy định về các loại biện pháp và thẩm quyền áp dụng BPKCTT của trọng tài.

 

LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC

Đại diện cho Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC cũng nhận định rằng qua quá trình vận hành hơn 13 năm, dưới sự gia tăng của số lượng cũng như tính chất các vụ tranh chấp, Luật Trọng tài Thương mại 2010 đã cho thấy khá nhiều bất cập, gây tác động đáng kể đến quá trình giải quyết của các Hội đồng Trọng tài, các trung tâm trọng tài, trong đó các vấn đề liên quan đến áp dụng BPKCTT, đặc biệt là khi có xuất hiện yếu tố bên thứ ba đang rất được quan tâm. Ông Bắc đánh giá đối với các yêu cầu áp dụng BPKCTT có ảnh hưởng đến bên thứ ba, để đảm bảo không vi phạm nguyên tắc và tinh thần của pháp luật trọng tài, các bên thường chủ động hoặc được khuyến nghị nộp các yêu cầu đến Tòa án. Mặc dù hiện nay, cơ chế này không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, nhưng ở một khía cạnh nào đó, việc này có thể dẫn đến kéo dài thời gian, và xa hơn có thể làm giảm sức hút cũng như tính hiệu quả của phương thức trọng tài. Do đó, việc thảo luận và có những đề xuất nhằm cải thiện hơn Luật TTTM với những vấn đề nêu trên là điều cần thiết.

ThS. Huỳnh Quang Thuận – Giảng viên khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP. HCM

 

Bà Ủ Thị Bạch Yến – Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. HCM, Trọng tài viên VIAC

LS. Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập EPLegal, Trọng tài viên VIAC

 

TS. Nguyễn Thị Hoa – GV Khoa Luật Quốc tế - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Mở đầu phần tham luận của các chuyên gia, ThS. Huỳnh Quang Thuận – Giảng viên khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP. HCM đã có phần chia sẻ về chủ đề “Góc độ pháp luật Việt Nam: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài và các ảnh hưởng đối với bên thứ ba không tham gia vụ tranh chấp”. Theo đó, diễn giả đã có phần chia sẻ khái quát về vai trò của biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài. Ở góc độ pháp luật trọng tài, hiện nay, Luật Trọng tài Thương mại 2010 không quy định rõ định nghĩa của BPKCTT mà chỉ liệt kê các BPKCTT được áp dụng bởi Hội đồng Trọng tài. Không chỉ vậy, về thẩm quyền áp dụng BPKCTT của Hội đồng Trọng tài, có thể thấy, luật trọng tài cũng đang quy định theo hướng đóng. Tức là, ngoài những biện pháp nêu tại Khoản 1 Điều 49 LTTTM, HĐTT không thể áp dụng các BPKCTT khác mà HĐTT cho là thích hợp để giải quyết tranh chấp. Điều này là một điểm khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật trọng tài một số nước trên thế giới. Đối với yếu tố bên thứ ba trong áp dụng BPKCTT, theo khoản 1 Điều 49 Luật TTTM năm 2010, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số BPKCTT “đối với các bên tranh chấp”. Với quy định này, có thể thấy pháp luật Việt Nam đang theo hướng HĐTT không thể áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba không phải là các bên tranh chấp trong tố tụng trọng tài. Căn cứ trên các so sánh và nghiên cứu với quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, chuyên gia cho rằng việc mở rộng thẩm quyền của HĐTT trong việc áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba là không phù hợp, bởi nó sẽ làm mất đi bản chất của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nhưng điều này cũng không khiến các bên hoàn toàn mất đi quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba vì vẫn còn cơ chế yêu cầu Tòa án hỗ trợ áp dụng BPKCTT. Tiếp nối vấn đề về mở rộng thẩm quyền của HĐTT, ThS. Huỳnh Quang Thuận cũng tiến hành phân tích về sự ảnh hưởng của BPKCTT đối với quyền, nghĩa vụ của bên thứ ba. Theo đó, pháp luật trọng tài Việt Nam hiện hành không cho phép HĐTT áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc là việc áp dụng BPKCTT của HĐTT không thể ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba không tham gia tranh chấp. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba, nếu BPKCTT có thể gây xâm phạm đến chủ thể này, BPKCTT này cần được hủy bỏ. Từ các phân tích và đánh giá, diễn giả cũng đã có một số kết luận và kiến nghị về việc không ghi nhận thẩm quyền của HĐTT áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba và cho phép hủy bỏ BPKCTT nếu nhận thấy bên thứ ba bị xâm phạm quyền lợi.

Tiếp nối phần chia sẻ của ThS. Huỳnh Quang Thuận, bà Ủ Thị Bạch Yến – Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. HCM, Trọng tài viên VIAC đã có phần trình bày về chủ đề “Vai trò của Tòa án đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài”. Tại phần trao đổi, thông qua việc liệt kê và so sánh các BPKCTT mà Tòa án và Trọng tài được áp dụng, bà Yến nhận định HĐTT gặp nhiều hạn chế về loại BPKCTT được áp dụng, điều này sẽ dẫn đến bất cập khi làm mất thêm thời gian của đương sư, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng là tình thế cấp thiết, khẩn cấp sẽ không được giải quyết ngay. Ngoài ra, có thể thấy thẩm quyền của Tòa án và HĐTT có những biện pháp khẩn cấp tạm thời giống nhau, theo quy định của pháp luật thì Bên yêu cầu chỉ được yêu cầu ADBPKCTT ở Tòa án hoặc HĐTT, không thể yêu cầu đồng thời ở cả hai nơi, trừ trường hợp Bên yêu cầu đề nghị áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc mà HĐTT không có thẩm quyền đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời đó. Đối với vấn đề áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba, diễn giả đã cung cấp một số vụ việc thực tế mà các bên đưa ra yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có xuất hiện yếu tố bên thứ ba trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Trong số đó, có những trường hợp, các bên còn đưa yêu cầu này đến Tòa và yêu cầu Tòa áp dụng BPKCTT. Theo đó, qua thực tiễn, có thể thấy, một số BPKCTT phổ biến thường được các bên yêu cầu áp dụng đó là “yêu cầu bên thứ ba cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”, “yêu cầu Ngân hàng tạm ngừng thanh toán L/C”, “phong tỏa cổ phần thuộc sở hữu của Bị đơn tại một công ty khác” ”,…Với tinh thần chung của khung pháp lý về trọng tài, Hội đồng Trọng tài không thể ban hành quyết định áp dụng BPKCTT với một bên không thuộc thỏa thuận trọng tài, nên các yêu cầu nói trên đều tiến hành nộp đến Tòa án để yêu cầu áp dụng. Thông qua đánh giá quy định pháp luật và thực tiễn, diễn giả đã kiến nghị về việc bổ sung thêm loại BPKCTT mà trọng tài được áp dụng; làm rõ hơn quy định tại Khoản 3 Điều 49 Luật TTTM và hướng dẫn áp dụng BPKCTT với trọng tài khi có yếu tố bên thứ ba.

Nối tiếp Hội thảo, nhằm cung cấp góc nhìn so sánh, đối chiếu giữa xu hướng tiếp cận của quốc tế và pháp luật Việt Nam, LS. Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập EPLegal, Trọng tài viên VIAC đã có phần trình bày liên quan đến “Góc độ kinh nghiệm quốc tế: Vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba và xu hướng tiếp cận của trọng tài quốc tế”. Dưới góc độ nghiên cứu pháp luật quốc tế, LS. Nam dẫn chiếu quy định của một số quốc gia có nền trọng tài phát triển như Anh Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… trên cơ sở đó, đưa ra một số so sánh liên quan đến áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba. Theo ông Nam, pháp luật trọng tài của nhiều nền tài phán trên thế giới hiện nay vẫn chưa thống nhất trong việc xác định liệu Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền áp dụng BPKCTT cho bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài hay không. Ông có đề xuất Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng nên sửa đổi theo hướng cho phép Hội đồng Trọng tài có thể ban hành các quyết định áp dụng BPKCTT, sau đó, một bên có thể yêu cầu Toà án quyết định thi hành, tương tự như tại Hàn Quốc. Điều này cho phép các BPKCTT được ban hành bởi Hội đồng Trọng tài có hiệu lực đối với bên thứ ba thông qua việc thi hành bởi Toà án quốc gia. 

Tiếp nối tham luận của LS. Nguyễn Trung Nam, TS. Nguyễn Thị Hoa – GV Khoa Luật Quốc tế - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cũng đã có phần chia sẻ về một số kiến nghị nhằm hoàn thiên quy định với bên thứ ba và nâng cao thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại bài trình bày, chuyên gia đã phân loại các trường hợp mà bên thứ ba xuất hiện trong quá trình giải quyết tranh chấp, theo đó, bên thứ ba có thể chia thành các trường hợp sau: (i) Bên thứ ba trong thoả thuận trọng tài; (ii) Bên thứ ba tham gia (intervene) hoặc được (joined) đưa vào thủ tục trọng tài; (iii) Bên thứ ba bị ảnh hưởng bởi phán quyết trọng tài; (iv) Bên thứ ba tài trợ cho tố tụng trọng tài (Third party funding – TPF). Tiếp nối các phân tích từ phương diện pháp luật, TS. Hoa cũng đưa ra một số tình huống thực tiễn có yếu tố bên thứ ba và cách nhận định, xử lý của HĐTT, Tòa án. Theo đó, trong một số vụ việc bên thứ ba có thể được hiểu là không phải “các bên” trong tranh chấp hoặc có thể là bị đơn hoặc nguyên đơn trong tranh chấp tại trọng tài. Do đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp, HĐTT cần xác định rõ “bên thứ ba” tham gia tranh chấp thuộc trường hợp nào để giới hạn phạm vi thẩm quyền phù hợp, tránh tình trạng hủy phán quyết vì vượt quá thẩm quyền. Từ các lập luận, đánh giá, diễn giả đã có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trọng tài Việt Nam về bên thứ ba theo hướng mở rộng hiệu lực thỏa thuận trọng tài với bên thứ ba trong một số trường hợp nhất định; ghi nhận tính hợp pháp của TPF. Đối với nội dung về nâng cao thẩm quyền của HĐTT trong việc áp dụng BPKCTT, từ Điều 49 LTTTM, có thể thấy luật trọng tài Việt nam đã tạo điều kiện khá linh hoạt cho trọng tài áp dụng BPKCTT ở các vấn đề như điều kiện để áp dụng là phải có thoả thuận của một trong các bên (tức không có bên thứ ba). Tuy nhiên, ngoài những quy định mang tính ủng hộ trọng tài áp dụng BPKCTT nêu trên thì có một quy định rằng buộc trách nhiệm của hội đồng trọng tài rất nặng nề tại khoản 5 Điều 49 đó là trọng tài phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu BPKCTT gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba. Đối chiếu kinh nghiệm nước ngoài, có thể thấy, nước ngoài vẫn có quy định về trách nhiệm đối với thiệt hại do áp dụng BPKCTT gây ra nhưng họ không quy trách nhiệm đó cho trọng tài hay thẩm phán mà quy trách nhiệm cho chính bên yêu cầu áp dụng. Điều này có thể được tham khảo và áp dụng đối với khung pháp lý trọng tài tại Việt Nam.

Sau phần tham luận của các chuyên gia, phần thảo luận đã diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt bởi các đại biểu tham dự cùng với đó là sự trao đổi, giải đáp kỹ lưỡng, nhiều thông tin giá trị đến từ các chuyên gia, khách mời.

 

>>> TÀI LIỆU SỰ KIỆN: Vui lòng xem tại Đây

-------------------------------------------

Hội thảo chuyên đề "Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và tác động của bên thứ ba" là sự kiện mở màn cho Chuỗi hoạt động Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024 (AMS 2024), được triển khai bởi VIAC cùng khối các trường Đại học đào tạo Luật trên Thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài từ ngày 22/3/2024 đến ngày 11/4/2024.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI