...

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng?

28 Tháng 12, 2023

Vốn rẻ ứ thừa, tín dụng bế tắc, trong khi doanh nghiệp (DN), nhất là khối DN nhỏ và vừa (SME) đang chật vật đi tìm vốn kinh doanh. Câu chuyện mâu thuẫn giữa ngân hàng và DN đã được nhiều lần tìm cách tháo gỡ nhưng các điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ.

Bên nào cũng khó

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới thông tin, hiện chỉ 30% SME tại Việt Nam có khả năng tiếp cận tín dụng. Khoảng 70% còn lại khó hoặc không có khả năng tiếp cận tín dụng. Đấy thức sự là bài toán thách thức của nền kinh tế. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ và NHNN đã tổ chức tới 5 hội nghị tìm giải pháp tín dụng cho SME, tuy nhiên, các nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ.

Phía DN cho rằng những yêu cầu của ngân hàng về điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp, báo cáo tài chính là khắt khe. Trong khi đó, đại diện các ngân hàng than thở thông tin của các SME "tù mù", bất nhất nên họ không dám giải ngân nếu không có tài sản thế chấp. Đó là cách để đảm bảo an toàn rủi ro cho tổ chức tín dụng, bởi họ không thể "thả gà ra đuổi".

Chuyên gia khuyến nghị cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN cho biết đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay DN đạt trên 51% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với SME đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,2% so với cuối năm 2022, chiếm 18,24% tổng dư nợ nền kinh tế. Theo NHNN, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng tạo điều kiện cho SME tiếp cận vốn tín dụng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Việc nâng cao chất lượng tín dụng, giữ ổn định an toàn hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng nhằm duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, DN cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

"Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch COVID-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ. Theo ông Đào Minh Tú, hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng nhưng nếu "tháo" điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên khiến "cục máu đông" nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. "Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế", ông Đào Minh Tú cho biết. Vì vậy, các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ DN cùng nhau vượt qua.

Gỡ như thế nào?

Phân tích gốc rễ của vấn đề, các chuyên gia đến từ IFC chỉ ra một số lý do dẫn đến việc DN khó tiếp cận tín dụng, trong đó có việc Việt Nam đang thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính tốt, bao gồm hệ thống về giao dịch bảo đảm, hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng, các chế định về mất khả năng thanh toán và phá sản. Các bên đi vay thì thiếu tài sản bảo đảm. Ngoài ra, thị trường còn thiếu các dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng phù hợp dành cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các định chế tài chính còn chưa đa dạng để có thể có cả các tổ chức tín dụng ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động trên thị trường.

Nhận định về mâu thuẫn này, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của ngân hàng là an toàn, sau đó mới đến hiệu quả. An toàn cho chính ngân hàng cấp tín dụng, an toàn cho hệ thống và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Ngân hàng luôn mong muốn cho vay càng nhiều càng tốt nhưng vấn đề mấu chốt là đòi nợ. Trước khi cho vay, nếu ngân hàng không nhìn thấy khả năng thu hồi nợ, dự án không khả thi, năng lực tài chính DN yếu kém thì chắc chắn, ngân hàng sẽ khép cửa.

Giải bài toán này, ông Peter Verhoeven, Chủ tịch Prometheus Asia SDN BHD cho rằng, khi làm việc với khách hàng, đừng chỉ nhìn vào những thông tin trên giấy, trên hồ sơ mà cần tăng cường đến hiện trường, đến nhà xưởng của họ, đến cửa hàng của họ xem quy trình của họ đang làm như thế nào; nhà máy có hoạt động hay không; hàng hóa đang tồn kho bao nhiêu; bao nhiêu máy móc đang hoạt động; bao nhiêu công nhân đang làm việc…

Trong khi đó, mở rộng ở tầm vĩ mô, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, khi nền kinh tế khó khăn suy giảm thì đầu tiên là phải nghĩ đến việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Còn ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, chúng ta có thể sử dụng các giải pháp kích thích tổng nhưng nguyên tắc là phải kịp thời và đúng đối tượng. Cùng với đó, khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng cũng cần kiểm soát tăng cung tiền ở mức vừa phải…

Theo Báo Công an nhân dân đăng ngày 02/09/2023

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI