...

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần làm rõ trách nhiệm của các bên

04 Tháng 7, 2023
Những quy định về nhà nước can thiệp vào quan hệ tiêu dùng không làm mất đi quyền tự chủ và tự quyết của người tiêu dùng trong các quan hệ dân sự. Tuy nhiên một số quy định của Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vẫn cần được hoàn thiện hơn.
 
Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự thảo do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/2/2023, các chuyên gia nhận định: những quy định về nhà nước can thiệp vào quan hệ tiêu dùng không làm mất đi quyền tự chủ và tự quyết của người tiêu dùng trong các quan hệ dân sự. Tuy nhiên một số quy định của Dự thảo vẫn cần được hoàn thiện hơn.
 
Ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật Quốc tế BMVN/Baker McKenzie Việt Nam chỉ ra thuật ngữ "người tiêu dùng" tại Dự thảo đang có phạm vi quá rộng và có thể bao gồm cá nhân có hoạt động mua/sử dụng hàng hóa và/hoặc dịch vụ ở bất cứ đâu trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở đối tượng là người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đều có đạo luật riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó; hơn nữa việc Việt Nam áp dụng luật này với người tiêu dùng ở các quốc gia khác là không thể về khía cạnh thực thi. Do đó, để hoàn thiện quy định về định nghĩa người tiêu dùng, kiến nghị bổ sung cụm từ "tại Việt Nam" hoặc "trên lãnh thổ Việt Nam" vào sau cụm từ "Người tiêu dùng là cá nhân" tại Khoản 1, Điều 3 của Dự Thảo Luật.
 
bao ve quyen loi nguoi tieu dung can lam ro trach nhiem cua cac ben
Cần đưa ra các thiết chế riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia
 
Ủng hộ sự cần thiết đưa ra các thiết chế nhằm bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của doanh nghiệp (kể cả khi doanh nghiệp ở vị thế là người mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ), song ông kiến nghị, chỉ quy định theo hướng điều chỉnh "người tiêu dùng" là cá nhân chứ không bao gồm tổ chức để bảo đảm sự hài hòa với thông lệ tốt nhất của thế giới và các quốc gia phát triển như: Mỹ, Liên minh Châu Âu, Đức, Nhật Bản, Singapore đang áp dụng.
 
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật, Ngô Vĩnh Bạch Dương - chỉ ra: Dự thảo sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm” tới 102 lần nhưng với nhiều nội hàm khác nhau như: “nghĩa vụ pháp lý”, “bổn phận chính trị”, “bổn phận đạo đức” và “hậu quả bất lợi do vi phạm nghĩa vụ”. Trong khi đó thực tế khoa học pháp lý và truyền thông pháp luật ở Việt Nam chủ yếu sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm”. Vì vậy, Ủy ban KHCN&MT và cơ quan có liên quan cân nhắc thay thế thuật ngữ “trách nhiệm” khi diễn đạt các nội hàm khác nhau.
 
Ông Dương cũng chỉ ra: khoản 3 của Điều 33 dự thảo quy định: “Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự” vừa thiếu, vừa thừa. Thiếu vì mức bồi thường, theo thông lệ quốc tế, có thể lớn hơn cả những thiệt hại đo được của từng người bị thiệt hại riêng lẻ được phát hiện cộng lại. Nó hoàn toàn có thể dựa trên doanh thu, số lượng sản phẩm đã cung cấp ra thị trường và khi đó, tổ chức khởi kiện vì người tiêu dùng có thể tính mức thiệt hại theo tỉ lệ nhất định chứ không phải cách tính “thiệt hại đo được bao nhiêu, đòi chừng đó” - như luật dân sự thông thường. Số tiền thu được, sau khi trả cho người tiêu dùng, có thể sử dụng cho công tác bảo vệ người tiêu dùng tại quốc gia đó hoặc mục đích khác theo các quy định về thu - chi ngân sách (như Điều 72 của Dự thảo). Quy định như khoản 3 Điều 33 cũng thừa vì khi không có quy định trực tiếp, việc giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại được áp dụng luật dân sự - đây là nguyên tắc cố hữu, không cần nêu ra ở đây.
"Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị Ủy ban KHCN&MT và cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng luôn nguyên tắc đòi bồi thường riêng cho luật này, trong chính điều này" ông Dương nói.
 
Ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật Quốc tế BMVN/Baker McKenzie Việt Nam cũng chỉ ra về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết (Khoản 1, Điều 35 Dự thảo luật) có hai vấn đề. Thứ nhất, Dự thảo luật thiếu quy định cụ thể về "nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết". Việc không quy định cụ thể về "nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết" có thể dẫn đến việc quy định này được giải thích với phạm vi quá rộng và dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong việc tuân thủ của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh cũng như trong công tác thực thi/áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai, Dự thảo luật chưa quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp một trong hai bên không tiến hành thỏa thuận hoặc không đạt được thỏa thuận. Việc thiếu quy định như vậy có thể dẫn đến nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
 
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC chỉ ra: Dự luật đã không còn quy định về việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng như đã quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Do vậy, cần bổ sung quy định cụ thể hơn ngay trong Dự luật này về việc bảo mật những thông tin gì của người tiêu dùng tham gia giao dịch nói chung và giải quyết tranh chấp nói riêng.
 
Về vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng, (Khoản 3, Điều 55 và các khoản 3, 4, 5, Điều 56) Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất, nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định. Đồng thời, cần xác định thời điểm kết thúc thương lượng, ấn định ngày chậm nhất phải báo cáo trong trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc thương lượng.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-can-lam-ro-trach-nhiem-cua-cac-ben-136097.html

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI