...

Hội thảo “Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga – Ukraine”

21 Tháng 4, 2022

Ngày 20 tháng 4 năm 2022, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức Hội thảo “Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine”. Hội thảo diễn ra với sự quan tâm tham dự của 200 đại biểu là các doanh nghiệp, cơ quan ban ngành, các cơ quan thông tấn báo chí.

 

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định xung đột vũ trang giữa Nga-Ukraine được xem là một trong những tâm điểm nóng của toàn cầu khi cuộc xung đột này đã gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của nhiều quốc gia. Là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực Á-Âu, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga – Ukraine, dưới áp lực của cuộc khủng hoảng, cũng đã có những biến động đáng kể. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 còn chưa khắc phục thì doanh nghiệp lại tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gián đoạn cung ứng nguyên, nhiên liệu. Khủng hoảng Nga-Ukraine cũng dẫn tới việc cấm vận, giao nhận hàng hóa bị trì hoãn, đứt đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao. Không chỉ vậy, do tác động từ lệnh trừng phạt của một số quốc gia phương Tây nhằm vào Nga, doanh nghiệp cũng gặp những trở ngại nhất định trong quá trình thanh toán, các giao dịch không thể hoàn thành. Đối diện với những khó khăn này, theo TS. Vũ Tiến Lộc, thay vì bất an, doanh nghiệp nên nhìn nhận cục diện ở góc độ tích cực hơn, động lực hơn. Việt Nam có được nhiều lợi thế, thụ hưởng nhiều cơ hội từ việc ký kết FTAs với các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, với sự ổn định về kinh tế, chính trị và kiểm soát tốt tình hình đại dịch, Việt Nam đang là điểm đầu tư, là đối tác hợp tác đầy tiềm năng và uy tín. TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh doanh nghiệp cần phải có các chiến lược dài hạn để ứng phó với bối cảnh biến động của thị trường; cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần thiết phải trang bị và được hướng dẫn các giải pháp về quản trị rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, xử lý tranh chấp để bản lĩnh hơn, có khả năng chống chịu cao hơn và phục hồi hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng hơn trong thời gian tới.

 

TS. Lê Hoàng Anh – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Viện Nghiện cứu Khoa học và Công nghệ Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP. HCM

Mở đầu Hội thảo, TS. Lê Hoàng Anh – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Viện Nghiện cứu Khoa học và Công nghệ Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP. HCM đã có phần tham luận và đánh giá tổng quan về bức tranh xung đột Nga – Ukraine cùng những dự đoán về tác động của cuộc xung đột này trong thời gian tới. Qua các nghiên cứu và khảo sát từ thị trường, TS. Hoàng Anh đã cung cấp những số liệu chi tiết về tác động của khủng hoảng Nga-Ukraine đối với một số lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm nhất định. Nhìn chung, dưới ảnh hưởng của cuộc xung đột, hầu hết, giá thành các sản phẩm đều tăng cao gây nên tình trạng lạm phát ở nhiều quốc gia. Theo TS. Hoàng Anh, cuộc khủng hoảng giữa hai quốc gia này sẽ làm gia tăng thêm các rủi ro về chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất trên toàn cầu. Việc lạm phát tăng cao có thể dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn ở một số quốc gia, trong khi đó một số quốc gia khác được hưởng lợi. Đối với Việt Nam, thông qua các số liệu thu thập được, TS. Hoàng Anh nhận định xung đột Nga – Ukraine sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế cũng như gây ra tình trạng lạm phát tại Việt Nam. Từ các tính toán, diễn giả cũng đưa đến các kịch bản nhất định về giá thành cũng như xu hướng phát triển của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2024 nhằm giúp doanh nghiệp nhận diện được những cơ hội và rủi ro để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh, biến động hiện tại.

 

Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM

Tiếp nối phần trình bày của TS. Lê Hoàng Anh, Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cũng đã có những chia sẻ, phân tích sâu hơn về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đang trong tình trạng căng thẳng. Tại bài trình bày, ông Bình An đã đưa ra những đánh giá khái quát về khả năng và tiềm lực của thị trường Nga, Ukraine đối với Việt Nam. Có thể thấy, Nga và Ukraine là những thị trường truyền thống và có tính thương mại cao đối với Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua các thống kê, cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine năm 2021 vào khoảng 7,6 tỉ USD, chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 7,14 tỉ USD, tăng 25.9% so với năm 2020, đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại của Nga. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN, đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC. Qua các số liệu này, ông Bình An đánh giá cao tiềm lực của thị trường Nga – Ukraine và cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần phải có các chiến lược phù hợp để giữ chân các đối tác này. Tại bài trình bày, bên cạnh những phân tích thị trường, ông Bình An cũng đưa ra các đánh giá về cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt. Song song với đó, diễn giả cũng khuyến nghị một số giải pháp cụ thể mà cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nên lưu ý thực hiện để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trước sự biến động và diễn biến ngày càng phức tạp của cuộc khủng hoảng.

 

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Sau phần chia sẻ của ông Phạm Bình An, từ góc độ thực tiễn trải nghiệm, Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có những chia sẻ về khó khăn, cơ hội và giải pháp ứng phó mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung đang thực hiện. Ông Hòe nhận định, mặc dù Nga và Ukraine không nằm trong top các thị trường xuất khẩu thủy sản nhưng đây vẫn là những thị trường quan trọng, có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh. Khi xung đột giữa hai quốc gia xảy ra, rất nhiều hoạt động đã bị đình trệ: thanh toán gián đoạn, vận chuyển khó khăn, các hợp đồng cũ tồn đọng, hợp đồng mới không thể ký kết...Tất cả những vấn đề này khiến cho doanh nghiệp ngành thủy sản trở nên lo lắng và quan ngại rất nhiều. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng ở hai thị trường này, theo ông Hòe, là một đòn giáng mạnh mẽ đối với doanh nghiệp ngành thủy sản ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác khi phần lớn các nguyên liệu đều được nhập khẩu từ Nga. Các đơn hàng liên tục bị hoãn, hủy dẫn đến tình trạng ùn ứ, chi phí phát sinh nhiều, doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất. Để ứng phó với tình hình căng thẳng này, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cũng đã có những giải pháp điều chỉnh hoạt động kinh doanh kịp thời, tuy vậy, để có thể xây dựng một chiến lược dài hạn và hiệu quả, doanh nghiệp vẫn cần có các hướng dẫn sát sao hơn từ các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.

 

PGS.TS Võ Trí Hảo – Hiệu trưởng Đại học Gia Định, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Sau phần trao đổi về tình hình thị trường và thực tiễn của doanh nghiệp, PGS.TS Võ Trí Hảo – Hiệu trưởng Đại học Gia Định, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã có phần trình bày liên quan đến yếu tố bất khả kháng đặt trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine và các kỹ thuật phòng ngừa rủi ro khi thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu, áp dụng điều khoản bất khả kháng. Tại phần trình bày của mình, PGS.TS Võ Trí Hảo đã đưa ra những đánh giá về cách thức áp dụng điều khoản bất khả kháng, quản lý hợp đồng của doanh nghiệp trong thời gian Covid-19. Theo diễn giả, thời gian gần đây, yếu tố bất khả kháng được doanh nghiệp viện dẫn rất nhiều, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng về đặc trưng, bản chất của quy định này. Khi bước vào bối cảnh mới là xung đột giữa Nga-Ukraine, có không ít doanh nghiệp cũng đã viện dẫn điều khoản này để cố gắng duy trì việc thực hiện hợp đồng hoặc miễn trừ trách nhiệm, tuy vậy, nhiều doanh nghiệp lại vận dụng chưa phù hợp dẫn đến khi phát sinh tranh chấp, bên vi phạm không có đủ cơ sở, chứng cứ để chứng minh việc viện dẫn quy định về bất khả kháng là có căn cứ. Khủng hoảng Nga-Ukraine được xem là lệnh cấm vận chưa từng có trong lịch sử. Sự kiện này đã dẫn đến sự trì hoãn của hàng loạt các hoạt động như vận tải, mua bán hàng hóa, thanh toán. Do đó, để duy trì hoạt động kinh doanh và không bị hoãn hủy các hợp đồng, doanh nghiệp cần phải có các phương án quản trị rủi ro phù hợp, quy định cụ thể về các trường hợp được áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng. Nhằm hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp, diễn giả đã cung cấp và phân tích cụ thể về kỹ thuật phòng ngừa rủi ro khi thực hiện hợp đồng, phương thức áp dụng điều khoản bất khả kháng đúng và hiệu quả. Ngoài ra, diễn giả cũng có những lưu ý, khuyến nghị cho doanh nghiệp về vấn đề thanh toán quốc tế để kịp thời ứng phó và có chiến lược hợp lý nếu tình trạng xung đột kéo dài.

 

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần thảo luận, giải đáp thắc mắc với sự điều phối của Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với sự tham gia tích cực và nhiều đóng góp từ phía doanh nghiệp tham dự.

 

TÀI LIỆU SỰ KIỆN >>> Tại đây

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI