...

Giải quyết tranh chấp thương mại trong đại dịch COVID-19

30 Tháng 3, 2020

- Ông có thể phân tích kỹ hơn những rủi ro pháp lý doanh nghiệp phải đối mặt trong và sau đại dịch COVID-19?

  

Rủi ro đầu tiên đó là vấn đề liên quan đến nhân sự/lao động. Nhân sự là người nước ngoài, bị cấm nhập cảnh; nhân sự cư trú tại những nơi bị tuyên bố là ổ dịch, bị cách ly hoặc ở khu vực bị phong toả; hoặc thị trường đi xuống trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo chế độ tiền lương, bảo hiểm của người lao động, điều này khiến doanh nghiệp có thể phá sản.

Doanh nghiệp cần rà soát chặt chẽ về các rủi ro pháp lý trước khi có các hành động sửa đổi các quyền và nghĩa vụ của người lao động. Ví dụ, nếu người lao động là người nước ngoài bị cấm nhập cảnh, cần xem xét phương án làm việc từ xa, lúc này có thể thương lượng mức lương giờ hoặc một tỷ lệ lương có thể được giảm xuống. Nếu người lao động (công nhân) cư trú ở khu vực bị phong tỏa thì có thể thương lượng lại mức lương và điều chỉnh các phần trợ cấp để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo lợi ích của người lao động. 

Nếu doanh nghiệp có các hành động khi chưa rà soát kỹ, chưa thương lượng kỹ với nhân viên thì có thể gặp rủi ro vi phạm luật lao động và vướng vào các vụ kiện lao động không đáng có (cần lưu ý rằng, người lao động có thể viện dẫn việc bị cấm nhập cảnh, bị cách ly hay nơi ở bị phong toả có thể coi là bất khả kháng và do đó công ty không thể cắt/giảm lương trả cho nhân viên).

 

"VIAC hiện đang đẩy mạnh bổ sung đầy đủ thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua website chính thức của VIAC, qua các kênh mạng xã hội và các thành viên Ban Thư ký trực trả lời điện thoại để giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp."

Một rủi ro nữa đối với doanh nghiệp đó là rủi ro phát sinh từ những hợp đồng kinh doanh thương mại của doanh nghiệp với các đối tác bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến cả hai bên đều không thể thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ hợp đồng thương mại đã thỏa thuận. Các quyền và nghĩa vụ không được thực hiện theo thoả thuận ở các hợp đồng mà doanh nghiệp đã tham gia sẽ tiềm ẩn những rủi ro pháp lý, thậm chí dẫn tới các vụ kiện tụng và tranh chấp sau này.

- Như ông nói, có nghĩa tình hình tranh chấp trong thời gian tới sẽ… “làm khó” doanh nghiệp?

Hiện nay cả thế giới đang trong giai đoạn “căng thẳng” chống đỡ dịch COVID 19, các doanh nghiệp đang cùng phải chịu ít nhiều các tổn thất do dịch bệnh và tìm cách giảm bớt tổn thất thì chưa ai có thời gian nghĩ tới việc kiện tụng. Trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn, các lệnh hạn chế có thể được gỡ bỏ dần dần, thị trường ấm dần lên nhưng không đồng đều tại các ngành hàng/sản xuất thì vấn đề sẽ phát triển khác đi.

Lúc này, rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra ở các giao dịch thương mại mà doanh nghiệp đã ký kết như: Thứ nhất, liệu các nghĩa vụ trong một hợp đồng của doanh nghiệp có thể được coi là vẫn phải chịu bất khả kháng để được miễn trách khi nghĩa vụ đó không được thực hiện hay sự kiện bất khả kháng để được miễn trách đã chấm dứt? (theo Điều 156 BLDS 2015, Điều 294, 295 Luật Thương mại 2005).

Thứ hai, liệu nhóm các doanh nghiệp thuộc ngành nghề nào bị coi là gặp phải hoàn cảnh thay đổi/khó khăn trở ngại (hardship) để được quyền yêu cầu thương thảo lại các điều khoản của hợp đồng đã ký trước đó, theo Điều 420 BLDS 2015?

Thứ ba, ở những bức tranh xấu hơn, những doanh nghiệp đã không thể “sống sót” qua dịch bệnh, việc phá sản hay giải thể công ty sẽ diễn ra như thế nào? Các nghĩa vụ vẫn còn nợ lại của công ty với bên thứ ba, với người lao động sẽ phải xử lý sao?... Những vấn đề này luôn khó có một câu trả lời chung cho hàng vạn các giao dịch thương mại được và tranh chấp là điều khó tránh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tăng hay giảm các tranh chấp trong thời gian tới một phần sẽ phụ thuộc vào ứng xử cũng như thiện chí của các bên. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, nếu như các bên cùng nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và cùng ngồi lại để điều chỉnh hợp đồng thương mại của mình cho phù hợp với thực tiễn thì sẽ có ít tranh chấp xảy ra. Trong trường hợp ngược lại, các bên vẫn căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng để buộc đối tác phải thực hiện đúng, đủ bất chấp tác động tiêu cực từ dịch bệnh thì khả năng cao sẽ làm phát sinh thêm các tranh chấp.

- Vậy lời khuyên cho doanh nghiệp từ VIAC là gì, thưa ông?

Một là, như tôi đã nhấn mạnh, doanh nghiệp cần theo sát các thông tin chính thức công bố bởi Bộ Y tế, Chính phủ về tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam để vạch ra kế hoạch hành động cho doanh nghiệp mình. Tôi nhấn mạnh tính chính thức của thông tin bởi nếu doanh nghiệp dựa trên thông tin không chính thống để hành động và nếu không may gây thiệt hại thì khó có thể chứng minh về tính hợp lý trong hành động của mình nếu có bị khiếu nại/khởi kiện bởi đối tác trong các thủ tục tố tụng tại Trọng tài hoặc Toà án.

Hai là, doanh nghiệp cần giữ liên lạc tốt với các đối tác; rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng giữa mình với đối tác để xác định đúng mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với việc thực hiện hợp đồng, từ đó đưa ra các phương án thay thế. Trong trường hợp nhận định rằng mình không thể thực hiện đúng, đủ thỏa thuận trong hợp đồng do dịch bệnh thì phải thông báo sớm nhất có thể cho bên còn lại để các bên điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp với thực tiễn. Trong mọi trường hợp, sự thiện chí, hợp tác và sẵn sàng chia sẻ khó khăn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt được thiệt hại để vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch.

Ba là, nếu thấy rằng tình huống đã căng thẳng và có khả năng dẫn tới tranh chấp, cần nghiên cứu và dự liệu phương án giải quyết tranh chấp phù hợp với tình huống cụ thể của mình.

- Là tổ chức giải quyết những tranh chấp điển hình, VIAC đã có những thay đổi gì để hỗ trợ doanh nghiệp và thích nghi với đại dịch?

Ngay khi dịch bệnh xảy ra, VIAC đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo một mặt vẫn duy trì hoạt động bình thường để tiếp nhận và giải quyết mọi yêu cầu của các bên tranh chấp, mặt khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận các dịch vụ của VIAC dễ dàng hơn.

Thứ nhất, để hỗ trợ và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp để thích ứng tốt với tình hình dịch bệnh, VIAC quyết định giảm 20% phí trọng tài và hòa giải.

Thứ hai, VIAC tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình giải quyết tranh chấp như tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp thông qua hình thức trực tuyến. Việc tổ chức phiên họp thông qua trực tuyến có ý nghĩa lớn trong thời điểm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, khắc phục khó khăn về mặt di chuyển do các chính sách phong tỏa, hạn chế đi lại của Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước. VIAC khuyến khích, tăng cường việc nhận và gửi Hồ sơ đơn kiện qua hình thức chuyển phát nhanh và thư điện tử, điều này giúp các bên không phải đến trụ sở VIAC, một mặt đảm bảo thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, mặt khác cũng tránh được các nguy cơ lây lan từ dịch bệnh.

Ngoài ra, VIAC cũng khuyến nghị các Hội đồng Trọng tài tuỳ theo tình hình của từng bên trong tranh chấp có thể gia hạn thời gian thực hiện các quyền tố tụng của các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh để các bên có đầy đủ thời gian chuẩn bị ý kiến bảo vệ quyền và lợi ịch hợp pháp của họ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Huyền Trang, đăng trên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 29/03/2020

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI