...

Hội nghị “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại đồng bằng sông Cửu Long”

27 Tháng 7, 2023

Các chuyên gia tại Hội nghị

Trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện về Quản trị Pháp lý doanh nghiệp 2023 (tên tiếng Anh: “Legal Management Series 2023” – LMS 2023), sáng ngày 21 tháng 7 năm 2023 tại Thành phố Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp tổ chức Hội nghị “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện các cơ quan nhà nước, sở ban ngành của 8 tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp địa phương cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí.

TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế và thu hút đầu tư của khu vực phía Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Khu vực này đã và đang cho thấy được những bước phát triển ổn định, bền vững, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung trong nền kinh tế cả nước. Qua đó có thể thấy rằng, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tại đây đã có những nỗ lực rất lớn, thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khẳng định vị thế là “huyết mạch giao thương” của khu vực phía Nam tổ quốc. Bước sang năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang gặp phải nhiều khó khăn, không chỉ ảnh hưởng về mặt kinh tế mà ở góc độ pháp lý còn gây ra nhiều rủi ro, làm tăng khả năng phát sinh tranh chấp. Do đó việc trang bị, hỗ trợ cho doanh nghiệp những thông tin, công cụ cần thiết để phòng tránh các rủi ro khi hoạt động giao thương là điều rất cần thiết và cần được đầu tư đúng mực.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ

Về phía lãnh đạo chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ đã tuyên bố đồng bằng Sông Cửu Long là địa bàn chiến lược quan trọng với nguồn nguyên liệu, hàng hóa nông lâm, thủy sản xuất khẩu là vô cùng lớn. Mặc dù vậy, giao thương quốc tế cũng như thu hút đầu tư trong thời gian qua của vùng còn nhiều hạn chế, dù đã tăng cường đầu tư vào hạ tầng mà chủ yếu là do thủ tục pháp lý vô cùng rườm rà và khó khăn. Do đó, thông qua Hội nghị, Thành phố Cần Thơ đánh giá rất cao việc VCCI Cần Thơ và VIAC thể hiện sự quyết tâm và trách nhiệm đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố nói riêng. Ông mong muốn Hội nghị sẽ chia sẻ những vướng mắc về vấn đề pháp lý cho các cơ quan quản lí và doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển và thu hút đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Ký kết Biên bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (MCBA)

Trong định hướng phát triển của VIAC thời gian tới, Hiệp hội doanh nghiệp là đối tác quan trọng mà VIAC mong muốn được hợp tác cùng, với những hoạt động phối hợp thực chất và hệ thống hơn với nguồn lực hỗ trợ mạnh mẽ. Dựa trên thực tiễn của khu vực cũng như sự phù hợp giữa hai đơn vị, tại sự kiện, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (MCBA) đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để có thể đồng hành hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Sự hợp tác nói trên được hi vọng không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp mà còn giúp nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực, thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư chất lượng cao.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ)

Hội nghị gồm nhiều tham luận từ các chuyên gia và 01 phiên thảo luận tổng thể. Trong đó, Phiên 1 của Hội nghị tập trung trao đổi thông tin về các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư hiện đại và bền vững tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã có phần trình bày về tình hình thu hút đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long ở thời điểm hiện tại. Các tỉnh thành trong khu vực đặc biệt chú trọng những lợi thế của vùng, nhưng đồng thời cần có những chiến lược rõ ràng hơn để thu hút nguồn vốn đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có. Theo các báo cáo mới đây của VCCI chi nhánh Cần Thơ, tính đến quý II/2023, tỉnh Long An và thành phố Cần Thơ hiện đang là các địa phương dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư lớn. Ông cũng thông tin, đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh các nhóm ngành trọng điểm như lúa gạo, thủy sản, rau quả, hiện đang có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch - là ngành công nghiệp tiềm năng cho phát triển quốc gia.

Ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JETRO)

Đánh giá từ góc độ Tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JETRO), Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng hiện đang có độ hấp dẫn nhất định đối với nhà đầu tư ngoài nước. Theo báo cáo của JETRO, các công ty luật Nhật Bản ngày càng có xu hướng mở rộng hoạt động quốc tế, trong đó thị trường Việt Nam đứng thứ 2 toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn FDI từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam tăng cao, văn phòng JETRO tại nước ta trở thành hai trong số những văn phòng bận rộn nhất thế giới của tổ chức này. Từ những cơ sở đó, JETRO đã và đang có động lực để tăng cường các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp máy móc. Đánh giá trên thực trạng tại Việt Nam, ông đã có một số đề xuất liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư như khâu quản lý cần minh bạch hơn, các vấn đề về hạ tầng kết nối vùng cần hoàn thiện, hay các dịch vụ hỗ trợ đời sống người dân nên được chú ý và quan tâm hơn cho đối tượng chuyên gia và người lao động quốc tế đến Việt Nam.

Ông Dixon Oh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore Việt Nam (SCCV)

Đứng từ góc độ đại diện Hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, ông Dixon Oh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore Việt Nam (SCCV) đã đưa ra những đánh giá và đề xuất thực tiễn trong vấn đề phát triển kinh tế của vùng Tây Nam Bộ. Theo ông, nếu có một chiến lược phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế đặc thù, có lợi thế so sánh về đa dạng hóa sản xuất, các vùng sản xuất quan trọng thì sẽ được các nhà đầu tư đánh giá cao. Để dẫn chứng cho những đề xuất cụ thể, ông đã chỉ ra 6 vấn đề mà đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải dưới góc độ của SCCV. Những điểm trọng tâm có thể kể đến như vấn đề hạ tầng của các cảng hàng không, cảng biển và hệ thống chuỗi cung ứng cần được hoàn thiện hơn về mặt kết nối vùng, cải thiện giá trị tăng thêm của các sản phẩm nông nghiệp, tận dụng để hỗ trợ nhóm ngành công nghiệp, đầu tư phát triển vào giáo dục khoa học, kĩ thuật để thu hút đầu tư về mặt lâu dài và việc đồng bằng sông Cửu Long cần có một nỗ lực mang tính thực tế và đáng kể trong việc giảm thiểu tác động và chống chọi thiên tai trong tương lai.

LS. Võ Hoàng Tâm – Đại diện Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ, Luật sư điều hành Công ty Luật Cilaf & Partners

Từ góc độ của doanh nghiệp trong nước, LS. Võ Hoàng Tâm – Đại diện Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ, Luật sư điều hành Công ty Luật Cilaf & Partners đã có những chia sẻ về những những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp đầu tư nói chung và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm nói riêng đang phải đối mặt trong việc thực hiện các dự án tại Thành phố Cần Thơ. Theo đó, các bất cập pháp lý liên quan đến quy trình về phân phối sản phẩm, điều kiện giao hàng nội địa, quy định kê khai hàng hóa ... đang tạo ra rào cản lớn cho làn sóng đầu tư ngoài nước tham gia vào thị trường kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam. Ngoài ra, theo ông, dù nước ta chưa có cơ chế pháp lý cho hoạt động bán thuốc không kê đơn trên nền tảng online, đây vẫn là phân khúc đầy hứa hẹn khi thói quen mua sắm của người dân và sự phát triển của thương mại điện tử đã bị thay đổi bởi tác động của đại dịch, mô hình nhà thuốc online hiện nay cũng không còn xa lạ với người dân.

TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trọng tài viên VIAC

Nối tiếp Hội nghị, Phiên 2 hướng đến nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, nâng cao năng lực quản lý, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long. TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đưa ra đánh giá chuyên sâu về tình hình xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long nửa đầu năm 2023 đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Sự phục hồi hậu Covid khiến các nước xuất khẩu thủy sản lớn khác cạnh tranh gay gắt hơn với các địa phương của nước ta, chưa kể đến tình trạng sụt giảm nhu cầu tiêu thụ khiến tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm của vùng có tín hiệu giảm so với cùng kỳ. Mặt khác, dù nguồn cung gạo thế giới hiện tại đang khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao, thời tiết khắc nghiệt cũng khiến lượng sản xuất toàn cầu giảm mạnh, đồng bằng song Cửu Long vẫn tăng trưởng tích cực cả về lượng và giá, và dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi đến hết năm 2023.


PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI)

Sau phần chia sẻ của TS. Võ Trí Thành, PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) trình bày tại hội nghị với tham luận có chủ đề "Tác động của hệ thống logistics đến sự tăng trưởng của xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long”. Hằng năm, nhu cầu vận tải hàng hoá xuất khẩu của vùng là rất cao, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hiện nay là không tương xứng với những tiềm năng mà khu vực này đang sở hữu. Chính vì vậy, các địa phương cần có sự quan tâm nghiêm túc để phát triển trung tâm logistics nội vùng. Theo đó, bà Hòa có gợi ý các địa phương trong khu vực có thể học tập kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới như Đài Loan, Nhật Bản,... Bên cạnh đó, bà Hòa cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động tạo liên kết phối hợp linh hoạt, hình thành mạng lưới để cùng nhau phát triển theo hướng bền vững, liên kết chuỗi cung ứng.

LS. Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới (NewSun Law Firm), Trọng tài viên VIAC

Nhận thấy sự quan trọng trong thực hiện hợp đồng ngoại thương của doanh nghiệp, LS. Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới (NewSun Law Firm), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa đến một số lưu ý trong giao kết, thực hiện và kiến nghị với doanh nghiệp khi tham gia vào loại giao dịch này. Theo ông Thành, doanh nghiệp nên dành sự quan tâm ngay từ khi lựa chọn đối tác cũng như chủ động tìm hiểu và tận dụng kinh nghiệm về tập quán và văn hóa kinh doanh nước bạn để tránh những vướng mắc, rủi ro có thể xảy ra. Trong quá trình soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp cần quy định các điều khoản nội dung một cách chặt chẽ và để tâm tới điều khoản về giải quyết tranh chấp mà ông đề xuất sử dụng trọng tài vì tính hữu hiệu, nhanh chóng và bảo mật của phương thức này.

Các chuyên gia trao đổi trong Phiên thảo luận toàn thể

Sau phần tham luận của các diễn giả là Phiên thảo luận tổng thể được điều phối bởi TS. Vũ Tiến Lộc cùng sự tham gia của các diễn giả tại Hội nghị. Tại đây, các vấn đề được nêu ra trong phần tham luận được tổng hợp và bàn luận chuyên sâu, cũng như ghi nhận các vướng mắc của đại diện các địa phương và khán giả tham gia để cùng trao đổi. Các chuyên gia đánh giá, với những vấn đề, khó khăn hiện tại mà vùng đang gặp phải, phương hướng giải quyết trọng tâm hiện tại chính là hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, phát triển logistics và kết nối hạ tầng liên vùng, chủ động tạo liên kết, hình thành mạng lưới để cùng nhau phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị

TÀI LIỆU SỰ KIỆN: Vui lòng truy cập tại đây
 
***Thông tin chi tiết của chuỗi sự kiện LMS2023 sẽ được cập nhật liên tục: tại ĐÂY

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI