...

Mong đợi pháp luật

03 Tháng 3, 2020

Sau gần 10 tháng chờ đợi, thị trường bất động sản đã nhận được Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14-2-2020 hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở nhằm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trọng tài viên VIAC

Theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao ba nhiệm vụ rất quan trọng:

Một là ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú…) theo đúng quy định của pháp luật (hoàn thành trong quý 3-2019) và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền đối với một số loại hình bất động sản mới nói trên trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Hai là đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận; tình hình quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án phát triển đô thị, khu dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô sử dụng đất lớn và các dự án đầu tư sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Như vậy, Công văn số 703 nói trên mới chỉ đề cập tới một nửa nhiệm vụ: thứ nhất là ban hành hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất đối với các loại hình bất động sản du lịch kiểu mới mang tên căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú theo quy định của pháp luật hiện hành. Nội dung hướng dẫn của công văn này là hoàn toàn phù hợp pháp luật được quy định tại Luật Du lịch 2017, Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.

Hướng dẫn cụ thể của Công văn 703 là đất đai cho các bất động sản kiểu mới phục vụ du lịch được thuê đất với thời hạn sử dụng không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm và khi hết thời hạn được xem xét gia hạn nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng; các nhà đầu tư thứ cấp mua các đơn vị bất động sản thuộc các dự án phát triển bất động sản du lịch được cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền. Vậy là Công văn 703 này đã làm rõ được cách thực thi pháp luật trong đầu tư phát triển các bất động sản du lịch kiểu mới khi các địa phương đang có biểu hiện lúng túng, lệch lạc vô tình hoặc hữu ý trong thực thi pháp luật hiện hành.

Trong hoàn cảnh hiện nay, phân khúc bất động sản du lịch đang rơi vào tình trạng trầm lắng do pháp luật hiện hành quá chật hẹp so với sức phát triển của thị trường dựa trên tư duy của các hình thái kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu sử dụng với hiệu suất cao mọi nguồn lực xã hội và gắn kết giải pháp môi trường với đầu tư phát triển. Các dự án đầu tư phát triển khu đô thị, khu công nghiệp đều đang rơi vào trạng thái khó phê duyệt khi xung đột pháp luật xảy ra giữa các luật có liên quan đến bất động sản. Cung bất động sản trong vài năm tới sẽ giảm mạnh, gây hệ lụy khó lường về tăng giá bất động sản kết hợp với đầu cơ.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều đã ban hành nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 lấy việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực làm trung tâm. Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là những quyết định rất đúng đắn, được coi như mệnh lệnh tối thượng cho phát triển đất nước. Các nhà đầu tư, nhân dân cũng như thị trường đang ngóng đợi từng ngày việc đổi mới pháp luật để Việt Nam có điều kiện cần phù hợp nhằm hướng phát triển thành một đất nước hùng cường như Thủ tướng đang chỉ đạo.

Đừng để mong đợi vẫn chỉ là mong đợi. Một hướng dẫn thực thi pháp luật hiện hành cũng phải nghiên cứu tới gần 10 tháng. Chờ đợi lại vẫn phải tiếp tục dài dài đối với đổi mới hệ thống pháp luật đủ rộng để hoàn thành việc thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Điểm bản lề cần thay đổi là tư duy của các cán bộ quản lý của Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

GS. Đặng Hùng Võ | Nguyên Thứ trưởng - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trọng tài viên VIAC

Theo Tạp chí Thời báo Kinh tế Sài gòn, số 8-2020, ngày 20-2-2020.

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI