...

Gỡ sớm quy định gây khó cho doanh nghiệp

28 Tháng 12, 2023

Các chuyên gia đều cho rằng việc sửa đổi Nghị định 132/2020 cần được đẩy nhanh để phù hợp thực tiễn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hủy bỏ hoặc nâng trần chi phí lãi vay lên 50% tổng lợi nhuận thuần

Sau khi nhận được ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) về những bất hợp lý trong Nghị định 132/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính đã có công văn về nội dung và quy trình sửa đổi để lấy ý kiến rộng rãi.

Tuy nhiên, Bộ chỉ đề xuất báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 điều 5 Nghị định 132 để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng (không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào DN đi vay hoặc DN và tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng không chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác) bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay.

Đề nghị xem xét nâng trần chi phí lãi vay từ 30% lên 50% tổng doanh thu thuần để hỗ trợ doanh nghiệp Việt.

Trong khi đó, các nội dung cốt lõi mà nhiều DN kiến nghị cần được xem xét, tháo gỡ lại chưa được đề cập. Đó là việc bỏ mức trần chi phí lãi vay 30% trên tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (EBITDA) hoặc xem xét nâng tỷ lệ từ 30% này lên 50%.

Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết - Deloitte VN, khi ban hành Nghị định 132, Chính phủ đã tham khảo thông lệ ở các nước phát triển để đưa ra mức khống chế chi phí lãi vay 30%. Thế nhưng quy định này hiện chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế VN. Do vậy, VN có thể tham khảo thêm quy định ở các nước khác về vấn đề này. Điển hình như Mỹ và Nhật Bản đã tăng từ mức 30% lên 50% để hỗ trợ các DN do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, chỉ tính mức khống chế đối với khoản vay từ bên liên kết. Mục đích của quy định về giao dịch liên kết là nhằm quản lý việc tuân thủ nguyên tắc giá thị trường của các giao dịch này. Do đó, các vấn đề liên quan đến lãi vay cũng nên đặt trong tinh thần chung của quy định là chỉ điều chỉnh lãi vay giữa các bên liên kết. Tương tự, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Malaysia cũng chỉ áp dụng đối với các khoản vay từ bên liên kết. Đồng thời, xem xét tăng thời hạn chuyển chi phí lãi vay trên 5 năm. 

Về vấn đề này, Malaysia và Mỹ hiện không giới hạn số năm chuyển chi phí lãi vay vượt trần, Nhật Bản có quy định 7 năm, còn Úc đang xây dựng dự thảo chuyển sang 15 năm tiếp theo. Ngoài ra bà Đinh Mai Hạnh nhấn mạnh cần đưa thêm hướng dẫn về cách thức xác định, phân bổ chi phí lãi vay vượt trần và chuyển tiếp sang các năm sau trong trường hợp DN có nhiều hoạt động với mức ưu đãi khác nhau.

Kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay

Nghị định 132 hiện cho phép các công ty chuyển chi phí lãi vay vượt trên 30% trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020 - 2023, do liên tiếp chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới và chính sách siết chặt tiền tệ, các DN Việt gặp nhiều khó khăn, suy giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, trong khi vẫn phát sinh chi phí vận hành và chi phí lãi vay rất cao. Hiện tại, nhiều DN lại rơi vào cảnh khó khăn, lợi nhuận bằng 0 hoặc thua lỗ thì không có lợi nhuận để bù trừ thuế. 

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia trong lẫn ngoài nước đều dự báo khả năng năm 2024, kinh tế trong nước phục hồi chưa rõ ràng, DN vẫn phải đối diện nhiều khó khăn. Đồng thời, do quy định chưa rõ ràng nên thời gian qua, một số cục thuế diễn giải theo hướng bất lợi cho DN. Đó là khi các công ty có chi phí lãi vay không được trừ của kỳ trước thì chỉ được chuyển sang kỳ tính thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Như vậy nếu trong các kỳ tính thuế sau DN không phát sinh giao dịch liên kết thì sẽ không được chuyển chi phí lãi vay vượt trần của năm trước. Vì vậy, Bộ Tài chính cần xem xét đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức quy định lên thời gian 7 năm và áp dụng cho kỳ kế toán từ năm 2019.

TS - luật sư Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật Rajah & Tann LCT VN, đề nghị cần xem xét quy định về chi phí lãi vay tại khoản 3 điều 16 của Nghị định 132 để phù hợp với thực tiễn cũng như theo hướng hỗ trợ cho DN. Trong đó, có thể xem xét bỏ mức trần khống chế chi phí lãi vay hoặc tăng mức trần lên cao hơn 30% để DN có thể chủ động hơn và có thêm cơ hội tiếp cận, sử dụng vốn để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Mặt khác, quy định về "thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ" cũng cần được làm rõ cơ sở và tính phù hợp của thời hạn này. 

Luật sư Quang phân tích: Nếu trong thời gian 5 năm, có một năm nào đó mà DN không đủ điều kiện chuyển chi phí lãi vay thì có phải từ năm đó DN này sẽ không được chuyển chi phí lãi vay còn lại của các năm trước do không đảm bảo tính "liên tục" khi chuyển chi phí lãi vay hay không? Đồng thời, Bộ Tài chính cũng nên cân nhắc việc tăng thêm thời gian chuyển chi phí lãi vay từ 5 năm lên 7 năm để phù hợp hơn với tình hình kinh tế hiện tại và nhu cầu thực tiễn của DN. 

Theo Báo Thanh niên đăng ngày 30/11/2023. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI