...

Nghề luật sư và những trăn trở mùa COVID-19

01 Tháng 4, 2020

Tôi nghĩ, các công ty, văn phòng luật (gọi chung là hãng luật) ở trong chừng mực nhất định đều chịu ảnh hưởng từ đợt dịch này và phải điều chỉnh để thích nghi. Nhìn từ góc độ phương thức làm việc, để bảo vệ mình cũng như khách hàng, tránh rủi ro lây nhiễm, cách tiếp xúc trực tiếp được thay thế bằng việc áp dụng các công cụ điện tử. Thực tế, trước khi xảy ra dịch bệnh, công cụ này đã được sử dụng nhiều.

Luật sư chúng ta hiện nay, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, đã làm quen với việc sử dụng các phương tiện điện tử như viết email trao đổi, hội thoại qua Skype hay Microsoft Teams v.v. Các công cụ này thay thế cho những cách thức liên lạc truyền thống trước đây như điện thoại, máy chữ v.v. Nhưng kể từ khi đợt dịch bùng phát, tần suất sử dụng các công cụ này tăng cao hơn nhiều. Ngoài ra, như các ngành nghề khác, khi tình hình thay đổi, phương thức làm việc của hãng luật cũng cần thay đổi. Ví dụ như chúng ta bắt đầu làm quen với phương thức làm việc tại nhà (working from home). Tuy nhiên, do đặc thù ngành nghề gắn liền với yêu cầu phải bảo mật thông tin khách hàng, phương thức làm việc này cần có hạ tầng công nghệ thông tin tốt. Thế giới đã triển khai điện toán đám mây được khoảng chục năm, rất nhiều hãng luật trên thế giới đã áp dụng giải pháp này. Nó giúp cho giảm thiểu chi phí in ấn, lưu trữ. Ngoài ra, luật sư có thể làm việc tại bất kỳ nơi đâu, không nhất thiết phải đến văn phòng đọc hồ sơ.

Về cá nhân, tôi thấy phương thức làm việc tại nhà cũng có những điểm ưu nhất định. Thứ nhất là bạn có thể tập trung rất cao độ trong không gian yên tĩnh. Hiệu quả công việc vì thế sẽ cao hơn. Thứ hai, bạn sẽ không còn mất thời gian đi đường đến chỗ làm. Nhiều khi, việc đi lại cũng khiến người ta thấy căng thẳng. Xét về góc độ khoa học, kể từ khi dịch bệnh xảy ra đã có nhiều bài báo quốc tế phân tích về hiệu quả của làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, nói như trên không có nghĩa là việc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng hay việc giao tiếp giữa các đồng nghiệp trong một hãng luật là biến mất. Nó chỉ giảm thiểu ở giai đoạn này vì hiện tại, để chống dịch, chúng ta cần tuân thủ việc “cách ly xã hội.” Việc duy trì gặp gỡ trực tiếp với khách hàng hay đồng nghiệp vẫn sẽ luôn cần thiết. Khách hàng thì đa dạng và việc trao đổi qua điện thoại hay email có thể bị hiểu lầm.

Tôi nghĩ dịch bệnh diễn ra đòi hỏi chúng ta thứ nhất phải giữ an toàn. Sau nữa, sẽ phải bảo đảm công việc kinh doanh, việc làm của mình được duy trì chứ không đứng lại. Việc điều chỉnh phương thức làm việc của hãng luật cũng không nhằm hai mục tiêu trên. Có lẽ sẽ có người hiểu nhầm làm việc tại nhà có nghĩa là được nghỉ ngơi. Suy nghĩ này là không đúng, chúng ta vẫn cần làm việc, chỉ khác về địa điểm làm việc. Như trên có nói, tôi nhận thấy làm việc tại nhà trong chừng mực nào đó mang lại hiệu quả cao hơn. Một ngày tôi sẽ không còn mất chừng hai tiếng để di chuyển đến chỗ làm và về nhà nữa! Thay vào đó, sau bữa sáng và cốc cà-phê, tôi có thể ngồi ngay vào bàn làm việc. Tốc độ xử lý công việc vì lẽ đó cũng sẽ cao hơn.

Trong lĩnh vực tư vấn, khối lượng công việc của hãng luật giảm nhiều do tác động của dịch bệnh. Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thống kê của quý I/2020 cho thấy mức tăng thấp nhất của số lượng doanh nghiệp được thành lập mới, sự giảm sút về số vốn đưa vào kinh doanh và sự không ngừng gia tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong quý I/2020, có đến gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 0.2% so với cùng kỳ 2019). Về đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài mới ra báo cáo tổng kết (gần) hai tháng đầu năm. Tính đến ngày 20/02/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6.4 tỷ USD, chỉ bằng 76.4% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2019.

Những con số thống kê trên đã phản ánh phần nào hoạt động của các công ty, văn phòng luật; đặc biệt là các đơn vị tập trung nhiều vào mảng tư vấn đầu tư, doanh nghiệp. Hiện nay, đa phần các văn phòng, công ty luật thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý đều hỗ trợ doanh nghiệp đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, xử lý các giấy tờ liên quan. Sự biến đổi đột ngột vừa nêu trên là một phần nguyên nhân khiến văn phòng, công ty luật bị hạn chế hơn về nguồn doanh thu, lượng công việc cũng thưa thớt hơn trước.

Như vậy, tổng quan chung, bức tranh về thành lập doanh nghiệp và đầu tư đã có những tín hiệu suy giảm nhất định. Có lẽ, nó sẽ còn duy trì xu hướng này cho đến khi kết thúc dịch bệnh. Thật khó để một doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài tính đến chuyện mở rộng đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh hiện tại.

Với lĩnh vực về sở hữu trí tuệ hay đăng ký lưu hành thuốc, tôi nhận thấy rằng các hãng luật có phần công việc với hai mảng này có lẽ sẽ ít bị tác động hơn so với luật sư tư vấn đầu tư, doanh nghiệp. Số đơn đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, đăng ký thuốc sẽ tiếp tục diễn ra vì khách hàng vẫn tiếp tục có các sản phẩm, sáng chế cần được đăng ký.

Với khía cạnh tranh tụng dân sự và thương mại, tôi nghĩ khối lượng công việc của luật sư tranh tụng sẽ gia tăng, không phải ngay lúc này nhưng trong dài hạn. Đợt dịch đã mang đến điểm chưa có trong tiền lệ ít nhất trong nhiều chục năm trở lại đây là việc chậm trễ hoặc thậm chí không có khả năng thực hiện hợp đồng, không có khả năng thanh toán của khối lượng lớn các doanh nghiệp và cá nhân khắp trên thế giới. Đó là hệ quả của sự đóng biên, phong tỏa, cấm xuất hay nhập khẩu, đóng cửa kinh doanh v.v. trên quy mô toàn cầu. Vì thế mà nói vui là các điều khoản về sự kiện bất khả kháng (force majeure) hay thay đổi bất lợi đáng kể (material adverse change) nay sao lại “đắt hàng” đến thế! Trong các đợt dịch như SARS hay MERS gần đây, người ta không bàn luận nhiều về các điều khoản này như bây giờ. Sự lan rộng của dịch bệnh ở quy mô toàn cầu, hàng loạt các doanh nghiệp “đóng băng” khiến các bên không hoặc khó có thể thực hiện nghĩa vụ của mình, đây là yếu tố gây phát sinh tranh chấp.

Còn tôi nghĩ sẽ gia tăng trong dài hạn, chưa phải ngay lúc này là vì doanh nghiệp hiện tại trước hết sẽ cần tập trung vào việc ứng phó dịch và trụ lại thị trường. Có quá nhiều mối quan tâm cần thiết trước mắt như doanh thu, dòng tiền, nghĩa vụ thanh toán, vấn đề nhân sự v.v. Việc tranh chấp luôn kéo dài và vì vậy sẽ không phải ưu tiên trước mắt. Nhưng với số lượng các nguyên nhân có thể phát sinh tranh chấp nhiều (từ góc độ đối tác, bên thuê, bên cho vay hay thậm chí là người lao động), sẽ cần sự hỗ trợ của luật sư trong tương lai gần.

Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện tại, có lẽ một kết cục hợp lý sẽ là điều tốt nhất cho khách hàng. Buôn có bạn, bán có phường, duy trì được quan hệ đối tác lâu dài sẽ là kết cục tốt đẹp. Dưới góc nhìn của một bên độc lập thứ ba và có kiến thức pháp luật, luật sư có thể tư vấn cho khách hàng về phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình, giúp khách hàng tìm điểm cân bằng thích hợp. Có lẽ, một luật sư giỏi sẽ giúp các bên tìm được tiếng nói chung, tránh những đổ vỡ không cần thiết. Nếu không thể tránh khỏi tranh chấp, luật sư sẽ giúp khách hàng hiểu về quyền, nghĩa vụ, những gì khách hàng có thể yêu cầu hay những gì phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng và theo luật. Như vậy, luật sư có thể giúp khách hàng hiểu rõ vị thế của mình, tránh những kỳ vọng thái quá hay bỏ sót quyền lợi chính đáng.

Có một điểm khác mà luật sư cũng có thể hỗ trợ khách hàng nếu vụ việc không tránh khỏi tranh chấp là việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Chúng ta có phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống là tòa án với những điểm ưu của hệ thống này. Tuy nhiên, xu thế thế giới cũng như Việt Nam hiện tại là tùy vào bản chất, tính phức tạp của tranh chấp, sự linh hoạt cũng như phạm vi quyền của các bên tranh chấp, các bên có thể lựa chọn những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (alternative dispute resolutions hay ADR) như trọng tài hay hòa giải thương mại. Đối mặt với tình hình này, Tòa án hay trung tâm trọng tài đều đang áp dụng nhiều phương án giúp thuận lợi hóa hơn quá trình giải quyết tranh chấp . Tôi nghĩ những hỗ trợ trên là cần thiết và phù hợp khi nó giúp cho doanh nghiệp giảm áp lực tài chính đồng thời tiến độ giải quyết vụ tranh chấp không bị ảnh hưởng đối với những vụ việc mà mọi phương án đàm phán đều không thành.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI