...

Bao giờ doanh nghiệp không cần dấu?

29 Tháng 10, 2019

Quy định doanh nghiệp không cần con dấu trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi rất khó được áp dụng khi vẫn còn tư duy thích quản lý.

Đây là khẳng định của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC với DĐDN.

Theo Luật Sư Trương Thanh Đức, hiện có quá nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp yêu cầu phải đóng dấu. Như vậy lộ trình xoá bỏ hoàn toàn việc bắt buộc sử dụng con dấu trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ chưa thể triển khai.

– Luật Doanh nghiệp 2014 quy định mỗi doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của mình (điều 44). Quy định này dường như đặt mục tiêu lộ trình tiến tới bỏ hẳn con dấu, thưa ông?

Ở lần sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này, cơ quan soạn thảo có thể bãi bỏ hoàn toàn việc bắt buộc sử dụng con dấu để theo thông lệ quốc tế, tránh sửa đi sửa lại luật nhiều lần. Tuy nhiên, để có thể thay đổi quy định về con dấu, các cơ quan sẽ phải rà soát, sửa đổi khoảng 20 luật và các văn bản hướng dẫn.

Hiện tại, có ít nhất hai dạng quy định của pháp luật như sau: Thứ nhất, có quy định rõ ràng là phải đóng dấu; Thứ hai, không quy định rõ trong phần chính của văn bản, nhưng lại có cụm từ “ký tên, đóng dấu” ở cuối các giấy tờ.

Lộ trình xóa bỏ con dấu vẫn rất khó triển khai vì tư duy muốn quản lý.

Bà Dương Thu Phương – Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp:

Con dấu còn hay mất hay giảm bớt cần đặt trong mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp với các luật chuyên ngành, nhất là những chuyên ngành đặc thù, phải làm sao không tạo rủi ro pháp lý cho các chủ thể liên quan, phải đánh giá tác động sâu sắc và toàn diện.Điều này tương tự như cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện, đã có những điều kiện không đơn thuần là điều kiện kinh doanh thông thường mà là tiêu chuẩn hành nghề nhưng vẫn buộc phải cắt giảm, đơn giản hóa. Tạo sự cởi mở, thông thoáng cho doanh nghiệp là định hướng đúng, tuy nhiên vẫn cần phải có tính toán cân nhắc.

Ông Nguyễn Quang Sáng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần REGREEN:

Thời đại của giao dịch điện tử được ký bởi chữ ký điện tử, không có dấu vẫn có hiệu lực. Vậy mà, thói quen của chúng ta từ trước tới nay tất cả các văn bản giấy tờ đều phải có dấu đỏ mới yên tâm giao dịch. Trong thực tế thì con dấu nhiều khi gây ra sự phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp. Để thay đổi được thói quan này, việc đăng kí chữ kí mẫu cần là quy định bắt buộc cũng như phải công khai để khi cần ai cũng có thể kiểm tra được, khi đó thì chúng ta mới có thể áp dụng công nghệ chữ kí điện tử. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải có quy định, chế tài thật nghiêm khắc trong việc giả mạo chữ ký.

Trước đây Nghị định số 58/2001/NĐ-CP quy định “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức”. Nhưng bây giờ, pháp luật không quy định nữa, hiểu là đóng cũng được mà không cũng được, đến lúc xảy ra tranh chấp không vì thế mà vô giá trị, thành ra bắt đóng mà không để làm gì cả.

– Ông đánh giá như thế nào về sửa đổi của Luật Doanh nghiệp lần này đối với vấn đề con dấu?

Dự thảo luật bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng. Tuy nhiên, dự thảo luật lại không xử lý việc hàng chục lĩnh vực mà doanh nghiệp hoặc bản chất giống với doanh nghiệp như công ty luật, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, hợp tác xã… không được tự quyết việc quản lý và sử dụng con dấu mà vẫn phải được cơ quan công an cấp “Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu”.

Điều này dẫn đến việc công ty chứng khoán hay quỹ tín dụng nhân dân thì con dấu do công an quản lý, còn ngân hàng thì lại tự do. Hay hộ kinh doanh thì lại không được quy định tự quyết định về con dấu như doanh nghiệp.

Do đó, một lần nữa, tôi khẳng định cần bỏ hẳn việc quy định phải đóng dấu theo quy định của pháp luật. Trường hợp nào thật sự cần thiết thì phải quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp hoặc các luật khác. Nếu vẫn giữ lại, thì cần thống nhất quy định về con dấu đối với tất cả các doanh nghiệp và tương tự doanh nghiệp.

– Nhưng nhiều doanh nghiệp dường như vẫn chưa “quen” với việc dùng chữ ký điện tử, thưa ông?

Đúng vậy, doanh nghiệp thường có tâm lý bám chặt vào con dấu để làm tin vì được cơ quan công an “bảo lãnh”. Sự phụ thuộc này khiến doanh nghiệp người dân và các cơ quan, tổ chức có thể thấy tiếc rẻ, thậm chí là sợ hãi nếu bỏ quy định về con dấu doanh nghiệp.

– Hiện có tầng tầng lớp lớp các loại văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu phải có con dấu mới có hiệu lực trong mắt cơ quan nhà nước. Sửa một mình Luật Doanh nghiệp chắc chắn không giải quyết được tận gốc vấn đề, thưa ông?

Đây không đơn thuần là sự thay đổi của một điều khoản hay sự thay đổi của một nghị định, thông tư mà là sự thay đổi của tư duy của người làm chính sách.

Trên thế giới, người ta bỏ con dấu gần hết rồi. Bây giờ ở các nước, điều quan trọng là chữ ký, bởi chữ ký của người có thẩm quyền mới là quyết định.

Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong vài nước còn lại giữ hình thức con dấu. Điều này cho thấy tư duy cũ kỹ của cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới – Doing Business cũng đề cập đến đặc thù môi trường kinh doanh Việt Nam có 2 thủ tục: xin phép khắc dấu và khắc dấu, khiến thủ tục khởi sự doanh nghiệp tốn thêm nhiều ngày, ảnh hưởng đến thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam. Thực tế này một lần nữa đặt ra yêu cầu bỏ con dấu theo thông lệ quốc tế, để Việt Nam có thể bắt nhịp với các nước trên thế giới.

– Có người cho rằng, bỏ con dấu sẽ có lợi nhưng người dân sẽ không dễ dàng chấp nhận một văn bản, một hợp đồng, một giao dịch với các doanh nghiệp mà không có dấu, thưa ông?

Nếu văn bản quy phạm pháp luật nào trước đây quy định rõ phải đóng dấu vào văn bản, giấy tờ thì chẳng qua là những quy định thừa. Bởi vì mấy chục năm nay, không cần nói gì cũng đồng nghĩa với việc bắt buộc phải đóng dấu, đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có con dấu. Chỉ không bắt buộc đóng dấu với hộ kinh doanh, tổ hợp tác và các đối tượng khác không có con dấu theo quy định của pháp luật trước đây. Vì vậy, không phải chỉ người dân, mà ngay các cơ quan nhà nước cũng rất khó chấp nhận việc bỏ nhưng lại không rõ ràng và dứt khoát. Bỏ quy định bắt buộc phải đóng dấu không phải là cấm sử dụng con dấu. Các doanh nghiệp vẫn sử dụng nó như logo để dễ đang nhận diện và quản lý. Vấn đề thay đổi ở chỗ, vệc đóng dấu không còn là yêu cầu và trách nhiệm pháp lý.

– Nếu sửa Luật Doanh nghiệp lần này chưa thể bỏ hẳn con dấu thì chúng ta cần những giải pháp nào để có thể hạn chế tình trạng trên, thưa ông?

Thứ nhất, bỏ quy định phải sử dụng con dấu trong trường hợp pháp luật có quy định hoặc là quy định bỏ theo lộ trình, chẳng hạn đến năm 2015 thì bỏ bắt buộc phải đóng dấu.

– Thứ hai, nếu chưa bỏ được, thì cũng cần quy định phải đóng dấu trong trường hợp “luật”, thay vì “pháp luật” có quy định, vì pháp luật là quá rộng, bao gồm hàng vạn văn bản từ quyết định của ủy ban nhân dân cấp xã trở lên. Đồng thời cũng cần quy định rõ các Bộ, ngành và địa phương không được ban hành văn bản quy định về việc phải đóng dấu đối với doanh nghiệp (tương tự như đối với việc ban hành điều kiện kinh doanh).

– Thứ ba, trong thời gian chưa sửa đổi việc trên, cần công bố danh mục những loại giấy tờ, giao dịch nào bắt buộc phải đóng dấu doanh nghiệp.

– Thứ tư, trong mọi trường hợp, cần khẳng định các trường hợp bắt buộc đóng dấu đối với doanh nghiệp cũng không nhằm khẳng định giá trị pháp lý của văn bản, giấy tờ giao dịch.

– Xin cảm ơn ông !

Theo Huyền Trang/ Báo Diễn đàn Doanh nghiệp/ 07-04-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI