Các doanh nghiệp nhành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn do tác động của Covid-19. Ảnh Quốc Hùng.
VIAC: Dưới áp lực của dịch bệnh COVID-19 cũng như sự thay đổi đột ngột của thị trường, doanh nghiệp ngành dệt đang phải đối mặt với những khó khăn nào?
Ông Phạm Văn Việt: Dệt may nằm trong nhóm ngành bị tác động trực tiếp và nghiêm trọng về nhiều mặt trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, không chỉ ở thị trường nội địa mà còn trên cả thế giới.
Đối với thị trường trong nước, doanh nghiệp bán lẻ hiện nay đang chật vật khi dịch bênh tác động đến tâm lý người dân, nảy sinh xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu. Điều này ảnh hưởng đến sức mua, khiến chỉ số tiêu dùng cá nhân giảm. Không chỉ vậy, chúng tôi nhận thấy, có khả năng ngay cả khi đã hết dịch, ngành dệt may cũng sẽ phục hồi chậm hơn các ngành khác.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, so với các ngành khác, dệt may là nhóm ngành có lượng xuất khẩu cao đến các thị trường, vì vậy, Covid-19 bùng nổ trở thành áp lực lớn mà ngành phải đối mặt. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến đầu vào và đầu ra đều không thuận lợi.
Nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may chủ yếu nhập từ Trung Quốc, bởi vậy, khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này, doanh nghiệp ngay lập tức rơi vào tình trạng bị động nguyên liệu. Không có nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp buộc phải tìm phương án xoay sở từ nguồn trong nước hoặc thị trường tương tự khác.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, kể cả khi cải thiện được tình hình nguồn cung, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp cản trở trong việc tiếp cận thị trường châu Âu và Mỹ. Với việc công bố chính sách hạn chế nhập hàng hóa từ hai thị trường này, hoạt động giao thương của doanh nghiệp ngành dệt may liên tục bị đứt quãng.
Hiện nay, đối với các giao dịch với khối Liên minh châu Âu (EU), doanh nghiệp không thông qua hình thức trực tiếp là xuất khẩu, nhập khẩu mà gián tiếp dưới hình thức bán hàng online. Tuy nhiên hình thức này chỉ chiếm 15–20% tổng lượng hàng hóa bán ra và chỉ có thể kéo dài cho đến hết giữa tháng 4.
New York, thị trường thời trang lớn nhất hiện đang là trung tâm dịch bệnh đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khiến cho doanh số tiêu thụ của các sản phẩm ngành dệt tiệm cận về 0.
Việc chuyển sang thị trường Trung Quốc, chúng tôi cũng đã có sự cân nhắc, tuy vậy có một thực tế là, Trung Quốc mặc dù dần bình ổn thị trường nhưng hàng Việt Nam chưa có tiếng ở Trung Quốc. Hơn nữa, thị hiếu của người Trung Quốc thiên về mặt hàng có thương hiệu nên khách quan mà nói, đây hiện tại không phải là mảnh đất “hứa hẹn” cho doanh nghiệp dệt may Việt.
Chính vì những lý do trên mà ở giai đoạn này, các doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất, 50% lượng lao động phải nghỉ việc và chỉ có thể sản xuất cầm chừng. Nếu tình hình không có dấu hiệu tốt lên, dự kiến đến cuối tháng 9, hệ thống doanh nghiệp thời trang, may mặc có thể sẽ phải đóng cửa gần như toàn bộ.
VIAC: Việc hạn chế đi lại của EU liệu có mâu thuẫn với Hiệp định EVFTA mà chúng ta ký kết với EU hay không?
Ông Trần Ngọc Liêm: Về chính sách hạn chế đi lại của EU trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khiến hàng hóa trở thành đối tượng bị tác động nhiều. Các lô hàng nhập khẩu cũng bắt buộc phải có kiểm dịch tương tự con người như khử khuẩn, giám định, từ đó làm cho “quỹ đạo giao dịch” quay chậm lại.
Từ khi đại dịch bùng nổ, tiêu dùng đã bị ảnh hưởng lớn, mặt hàng thiết yếu thì vẫn duy trì nhưng ngành công nghiệp không thiết yếu thì bị hạn chế, trong đó bao gồm những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Chúng ta không nên xem việc EU ban bố chính sách tạm dừng nhập khẩu hàng hóa, hạn chế giao thương, đi lại là không phù hợp với EVFTA đã ký kết. Điều 6.14 Hiệp định EVFTA có quy định về các biện pháp khẩn cấp mà các nước thành viên EU và nước ký kết sẽ áp dụng khi một trong các bên phát hiện ra những rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến con người, động, thực vật cũng như việc giao thương hàng hóa.
Với những đặc tính nguy hiểm được công bố trên toàn cầu, rõ ràng, Covid-19 là rủi ro nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến thị trường châu Âu. Việc EU áp dụng những lệnh trên với một số quốc gia, thực hiện quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt, là phù hợp. Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là, trong trường hợp này, các bên nên có phương án như thế nào để việc thuận lợi hóa thương mại không bị ngừng lại quá lâu.
Theo như tinh thần hiệp định, ta hiểu rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp phải được xem xét một cách phù hợp và công bằng nhất. Bên áp dụng có thể yêu cầu tham vấn từ cơ quan đầu mối của quốc gia đối phương; hoặc nếu không tham vấn, áp dụng ngay lập tức, bên áp dụng phải có giải pháp hợp lý để tránh việc trì trệ thương mại.
Việc áp dụng này phải được thông báo để quốc gia còn lại có đủ thời gian phản hồi, quan trọng hơn là định hướng cách xử lý với hàng hóa. Dù hiệp định không quy định rõ về hệ quả pháp lý của “sự kiện bất khả kháng” như pháp luật Việt Nam hay pháp luật của các quốc gia trên thế giới, nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại, cùng biện pháp mà EU áp dụng, doanh nghiệp có thể yêu cầu được miễn trách.
Đồng thời, tại mục 5 điều 6.14 hiệp định có đề cập: “Các bên có thể xem xét các phương án để tạo thuận lợi cho việc thực hiện hoặc thay thế các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật”, như vậy trong trường hợp bên bị áp dụng nhận thấy các biện pháp khẩn cấp gây đình trệ thương mại, các bên nên thỏa thuận các phương án thích hợp hơn chẳng hạn kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng hay điều chỉnh một số điều khoản sao cho phù hợp với tình hình.
Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn các bên ký hợp đồng vận chuyển và giao hàng theo từng lô, thời gian giao lô 3, lô 4 là thời điểm dịch thì có thể miễn trách nhưng khi hết dịch thì lô 5 đương nhiên phải được tiếp tục. Nghĩa là phải xác định đúng nghĩa vụ bị tác động bởi dịch, chứ không thể gộp chung và ấn định miễn trách.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, không thể xác định được thời gian sự kiện bất khả kháng chấm dứt để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Chính vì vậy, tình trạng khó khăn của doanh nghiệp Việt chắc chắn sẽ còn kéo dài và sau này các doanh nghiệp cần chú ý hơn đến việc giao kết điều khoản bất khả kháng sao cho hợp lý, tránh những cản trở khi gặp sự cố.
VIAC: Ngành dệt may đang phải xoay xở với tình trạng trên như thế nào, doanh nghiệp đã đưa ra những phương án gì thưa ông?
Ông Phạm Văn Việt: Đứng trước nhu cầu y tế tăng cao cũng như để giải quyết một phần khó khăn về kinh tế, ban đầu hầu như tất cả các doanh nghiệp dệt may chuyển hướng sang việc nhập máy bao nguyên liệu để sản xuất khẩu trang vải.
Hiện nay khẩu trang y tế khan hiếm, phương án sản xuất khẩu trang vải được đặt ra nhằm thay thế mặt hàng y tế trên. Là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên khi xuất khẩu ra các nước khác vấn đề kiểm tra, kiểm dịch được kiểm soát chặt chẽ.
Bước đầu Việt Nam đã chuyển dịch nhanh nhưng chưa thực sự chuẩn bị đủ về nguyên liệu, công nghệ khử khuẩn cũng như chưa đo lường được nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường các nước khác.
Tính đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp Việt chỉ có thể xuất khẩu hàng mẫu với số lượng hạn chế 100.000 – 200.000 sản phẩm, không thể xuất với số lượng lớn vì chưa đạt tiêu chuẩn được đưa ra. Vì vậy các vấn đề về nguyên liệu có đạt tiêu chuẩn hay không, chọn thị trường nào để xuất khẩu, thành phẩm có đạt yêu cầu của nước đó không là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Điều quan trọng của xuất nhập khẩu là việc xác định thị trường tiềm năng, chính vì vậy khi mặt hàng khẩu trang đang dần được lấp đầy thì đồ bảo hộ lại trở nên khan hiếm trên thế giới. Việt Nam bắt đầu chuyển mình sang thị trường Mỹ là tín hiệu tốt cho việc thích ứng với thực tiễn dịch bệnh. Mới đây, Việt Nam đã xuất lô hàng 450.000 bộ quần áo bảo hộ sang Mỹ và thu hút sự chú ý của dư luận, tạo khởi sắc mới cho ngành sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường mùa Covid-19 ảm đạm.
Chúng tôi rất vui mừng khi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã làm việc để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao nhận và phê duyệt cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển giao trang thiết bị bảo hộ cá nhân chống dịch cho Mỹ. Đây là cơ hội cho các mặt hàng y tế thiết yếu xâm nhập vào Mỹ khi quốc gia này đang có nhu cầu rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Bên cạnh việc gắn kết với thị trường khác ngoài EU, Nhà nước cũng đã có những hành động thực tiễn để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may khi Bộ Y tế ra quyết định về việc “Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn” để giải thoát doanh nghiệp khỏi những lúng túng trước các điều kiện đạt chuẩn của khẩu trang vải kháng khuẩn, cũng như tạo thị trường “sạch” cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên đây chỉ là kỹ thuật “tạm thời” và chỉ áp dụng đối với thị trường Việt Nam không thể cùng áp dụng tại các nước khác nên khẩu trang Việt Nam mặc dù đạt tiêu chuẩn theo Quyết định 870/QĐ-BYT vẫn khó có thể xâm nhập vào thị trường quốc tế.
Ngoài ra, việc xuất hàng trực tiếp theo quy chuẩn, thủ tục giấy tờ được xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn trong đó có: hợp quy, đăng ký tiêu chuẩn khẩu trang theo Quyết định 870/QĐ-BYT của Bộ Y tế, đăng ký mã vạch, chứng minh ISO… tất cả chỉ trong 10 ngày. Từ đó thấy được rằng nhà nước đã tích cực triển khai các giải pháp thông quan nhanh chóng hàng hóa biên giới phục vụ cho việc phòng chống, điều trị Covid-19.
VIAC: Dưới góc độ của tổ chức xúc tiến thương mại quốc gia, ông nhận định như thế nào về cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng như của các tổ chức khác đối với ngành dệt may nói riêng và các ngành khác nói chung dưới ảnh hưởng của Covid-19? Sự hỗ trợ của hội/hiệp hội có ý nghĩa gì trong giai đoạn này?
Ông Trần Ngọc Liêm: Về phía Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành, tôi đánh giá cao việc ban hành các chính sách kịp thời về y tế cũng như kinh tế kịp thời và nghiêm khắc. Yếu tố này tác động rất lớn đến tâm lý người dân, các tổ chức kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta phải vừa thích ứng nhưng phải vừa xây dựng được một nền tảng đủ vững để khôi phục nhanh chóng khi dịch bệnh qua đi.
VCCI đã kiến nghị đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính. Điều này vừa giúp phòng chống dịch hiệu quả, vừa tạo ra hành lang thông thoáng, tạo thuận lợi đối đa cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh cấp thiết hiện tại và đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển hệ thống hiện đại sau này.
Là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước, VCCI đã cùng phối hợp với các hiệp hội xác định những khó khăn hiện tại và dự liệu các tình huống có thể phát sinh trong tương lai, từ đó tổng hợp các ý kiến và kiến nghị lên Chính phủ. Trong đó kiến nghị nhiều nhất là giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế, giảm một số loại thuế suất của doanh nghiệp đối với nhà nước.
Bên cạnh đó, vấn đề chính sách đóng bảo hiểm đối với người lao động cũng là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp khi sản xuất bị thu hẹp, người lao động bị cắt giảm lương hay thậm chí phải nghỉ việc không lương. Vì vậy, doanh nghiệp cũng có mong muốn được hoãn lại thời gian đóng bảo hiểm vì không có nguồn thu để chi trả.
Trong vai trò là một trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tôi cũng muốn lưu ý doanh nghiệp về vấn đề pháp lý trong thời điểm này. Vừa qua, dưới áp lực của dịch bệnh, tình trạng tạm dừng hợp đồng, chấm dứt hợp đồng xảy ra rất nhiều trong ngành dệt may, khiến doanh nghiệp đối mặt với thiệt hại về tài chính, mất khách hàng, rủi ro về kiện tụng trong tương lai.
Tình trạng này cũng là trở ngại tương tự của doanh nghiệp trong nhiều ngành khác. Sẽ rất khó nếu khuyên doanh nghiệp giải quyết nhiều vấn đề trong một thời điểm, nhưng chúng ta không nên bỏ qua, bởi tác động pháp lý là tác động ngầm, ảnh hưởng dài hạn, việc chú ý và dự toán trước một số phương án giải quyết vấn đề pháp lý, theo tôi, cũng quan trọng không kém so với các khía cạnh khác.
Xin trân trọng cảm ơn hai ông!