...

Chuyện xuất khẩu lúa gạo, có thể là sân chơi không bình thường

14 Tháng 4, 2020

Vừa qua khi Thủ tướng, qua thông báo của Văn phòng Chính phủ, quyết định: “Tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới, đối với hợp đồng xuất gạo đã được ký theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo”. Chưa bàn đến việc chuyển hướng cho phép xuất khẩu có hạn ngạch sau đó, liên quan đến quyết định nói trên, hàng loạt ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia bình luận được đưa ra xoay quanh nỗi lo mất giá, mất thị trường và cả câu chuyện đình chỉ xuất khẩu gạo hồi năm 2008. Nhưng thị trường lúa gạo có thể không đơn giản như vậy.

Nỗi ám ảnh năm 2008: xuất khẩu lúa gạo, an ninh lương thực và lạm phát

Bối cảnh của năm 2008 không như lời kể của một số người thiên về việc cho xuất khẩu gạo khi cho rằng việc đình chỉ xuất khẩu lúc đó đã làm mất cơ hội kinh doanh khi giá cao lên đến 800-900 đô la Mỹ/tấn, mất cơ hội làm giàu cho hàng triệu nông dân.

Thật ra bối cảnh đó là thời điểm lạm phát đang gia tăng rất cao. Lạm phát của năm 2007 đã tăng lên 2 chữ số (12,6%) và hoành hành dữ dội trong các tháng đầu năm 2008 với mức tăng 2,5-3,5%/tháng trong suốt năm tháng đầu năm. Trong đó, chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng đến 3-4% tháng.

Vào tháng 3 chỉ số giá lương thực tăng 10,5% đến tháng 5 là 22,2%. Đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực cục bộ ở một số thành phố lớn, mặc dù cân đối chung giữa sản xuất, tiêu thụ cho cả năm (2008) là không thiếu.

Chính phủ đã phải có hành động quyết liệt, thông báo đình hoãn xuất khẩu, điều động nguồn gạo từ các doanh nghiệp nhà nước bổ sung cho các cửa hàng bán lẻ. Cho tới tháng 7 giá cả bắt đầu dịu đi nhưng năm 2008 lạm phát lên tới 19,9%. Mặc dù vậy giá gạo trên thị trường thế giới cũng không giữ được mức trên 800 đô la Mỹ/tấn.

Đến tháng 9 giá trung bình chỉ còn trên 600 đô la và đến tháng 12 chỉ còn 422 đô la/tấn. Và năm này Việt Nam xuất khẩu 4,68 triệu tấn năm, sau đó (2009) tiếp tục xuất khẩu trên 6 triệu tấn.

Thị trường lúa gạo không đơn giản như nhiều người nghĩ. Ảnh: Ngọc Linh

Với giác độ của nhà xuất khẩu lúa gạo thì đó là cơ hội bị bỏ lỡ, nhưng với những người nắm trọng trách chống lạm phát thì câu hỏi đặt ra là tại sao không đưa ra những biện pháp kiềm chế ngay từ các tháng đầu năm? Bởi, chỉ số giá lương thực đã tăng rất mạnh từ cuối năm 2007. Giá lúa gạo một khi gia tăng kéo dài sẽ kéo theo giá thực phẩm và một loạt các loại giá khác tăng, tạo nên vòng xoáy không thể kéo giảm cho đến khi nó thiết lập mặt bằng giá mới và cái giá phải trả cho cả nền kinh tế thì không hề nhỏ.

Thị trường, nhưng phía sau doanh nghiệp là... chính phủ các nước

Từ khi Việt Nam tham gia xuất khẩu thì giá lúa gạo trong nước chịu tác động trực tiếp bởi thị trường nước ngoài. Nhưng thị trường quốc tế với lúa gạo không phải lúc nào cũng chỉ có các doanh nghiệp. Đằng sau nó còn có bàn tay của các chính phủ các nước. Sự tham gia của nhà nước để dự trữ là vấn đề hoàn toàn khác và nếu đó lại là quốc gia đông dân nhất thế giới thì vài ba triệu tấn chẳng là gì.

Lịch sử nhiều năm qua cho thấy mỗi khi Trung Quốc nhập khẩu lúa gạo thì giá lúa trong nước không ngừng tăng, các nhà xuất khẩu không thể kịp mua vào để giao hàng cho các đơn hàng đã ký. Tình trạng phá vỡ cam kết, đền bù hợp đồng, bị lỗ rất lớn cũng thường rơi vào những chu kỳ mà Trung Quốc tham gia mua; hợp đồng xuất khẩu ngoài Trung Quốc bị bỏ rơi. Khi Trung Quốc ngưng mua, làng gạo rơi vào cảnh chợ chiều, phải mất nhiều thời gian khôi phục lại các thị trường đã bỏ rơi.

Cần nói rằng đó là sân chơi không bình thường. Nhưng không chỉ với lúa gạo, mà với nhiều sản phẩm khác của nông nghiệp Việt Nam cũng vậy.

Cho nên, nếu xử sự theo cách chơi của thị trường mà Việt Nam mới chỉ ở cấp vỡ lòng thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ có con đường phá sản, nền kinh tế trong nước thường xuyên bị rung chuyển do bị chọc thủng ở những mắt xích yếu.

Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ngày càng nhiều vào một thị trường như Trung Quốc thì đó là cách chúng ta tích lũy những mắt xích yếu nhiều thêm.

Nhìn lại hơn 30 năm xuất khẩu lúa gạo, Việt Nam đến nay rất khó tìm được “đại gia” thành đạt. Trong ngành lúa gạo thì hầu như không còn đại gia nào! Các doanh nghiệp với nguồn lực của mình, dù là tư nhân hay tập đoàn nhà nước, cũng không trụ nổi với những cơn sóng mà mình không thể chống cự được. Đây là vấn đề cần mổ xẻ, phân tích.

Vai trò của Bộ Công Thương trong nhiều năm dường như chỉ xoay quanh việc cấm hay không cấm xuất khẩu. Nói cho cùng nó thu gọn vào chữ “Quản”. Vấn đề lớn hơn còn đang bỏ ngỏ là nâng đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp để đối phó với sân chơi bất bình đẳng vẫn chưa được xem xét. Đằng sau các doanh nghiệp Trung Quốc có khi là chính phủ của họ để thâm nhập mạnh vào thị trường thế giới.

Giá cả tăng trước, sản xuất tăng theo

Một số phân tích về chỉ số giá bán và chỉ số sản xuất các năm từ 2000-2015 cho thấy mối quan hệ như hình với bóng giữa các đại lượng này. Khi chỉ số giá bán của các sản phẩm như lúa gạo, rau quả, gia cầm, thủy sản tăng mạnh mẽ thì sau đó chỉ số sản xuất của nhóm ngành này cũng tăng mạnh. Ngược lại, khi chỉ số giá của những nhóm hàng này suy giảm thì chỉ số sản xuất của chúng cũng giảm theo.

Để đảm bảo lợi ích nông dân, trong trường hợp Nhà nước đình hoãn xuất khẩu thì cần tăng mua dự trữ với giá sòng phẳng, không thấp. Nếu cần hỗ trợ xuất khẩu, cơ quan dự trữ nhà nước sẽ bán cho các nhà xuất khẩu thông qua hình thức đấu giá. Dự trữ trong trường hợp này đảm nhận thêm chức năng mới đảm bảo lợi ích quốc gia. Từ đây có thể xem xét vận dụng để có thêm các công cụ mới hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Khi Nhà nước phải can thiệp vì lý do nào đó thì phải đảm bảo lợi ích của nông dân thông qua tài trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa. Để đảm bảo bền vững an ninh lương thực thì cần các chương trình đầu tư cải thiện hệ thống giao thông, vận chuyển, logistics, y tế cộng đồng, các chương trình bảo hiểm cho nông nghiệp.

Đối phó với những thị trường mà sự vận hành đã có bàn tay Nhà nước phía sau thì các cơ quan của Việt Nam cũng nên có biện pháp mới cho phù hợp.

Theo Võ Hùng Dũng | Trọng tài viên VIAC, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng ngày 03/04/2020.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI