...

Điều chỉnh giá cả, chia sẻ rủi ro hợp đồng trong bối cảnh COVID-19

14 Tháng 4, 2020

Đối mặt với dịch bệnh COVID-19, bài toán lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là vấn đề tài chính. Việc Nhà nước cung cấp các gói hỗ trợ sẽ chỉ là giải pháp ngắn hạn, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng cho mình phương án dài hạn để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn và duy trì cho đến sau dịch bệnh. Tận dụng ưu thế của pháp luật, doanh nghiệp có thể dùng phương pháp đàm phán lại với đối tác để điều chỉnh giá hợp đồng như một cách giúp giảm thiểu tổn thất, chia sẻ rủi ro trong thời điểm khó khăn.

Tận dụng "quyền" đàm phán lại

Theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp, khi phát sinh hoàn cảnh thay đổi cơ bản hoặc sự kiện bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận đàm phán lại hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng. Đây là một trong những điểm mới của pháp luật Việt Nam so với giai đoạn trước đây, cho phép doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để tiếp tục thực hiện hợp đồng, hạn chế thiệt hại khi gặp phải tình cảnh khó khăn không thể lường trước được.

Xét về hình thức, đàm phán lại khác với đàm phán giao kết hợp đồng khi vị thế của hai bên không còn ngang bằng. Một trong số những trường hợp phát sinh đàm phán, thỏa thuận lại đó là khi một trong các bên có lợi ích bị ảnh hưởng, cần thỏa thuận lại để có thể tiếp tục hợp đồng. Từ đây, quá trình đàm phán đòi hỏi các bên phải có sự mềm dẻo và nhượng bộ hơn thay vì cứng nhắc để đạt được kết quả thắng – thua.

Giá thép biến động lớn, nhà thầu và chủ đầu tư có thể thương lượng lại để "chia sẻ rủi ro" là một dạng điển hình lợi ích của việc giảm thiểu tổn thất nhờ sự hợp tác các bên trong những thời điểm khó khăn. (Nguồn ảnh: Thép SMC)

Xét về nội dung, các điều khoản trong hợp đồng đa phần đều được xây dựng dựa trên thỏa thuận của các bên trên cơ sở đảm bảo khung điều chỉnh chung của pháp luật; vấn đề điều chỉnh giá, chia sẻ kinh phí cũng không ngoại lệ.

Trong lĩnh vực xây dựng, điều chỉnh giá hợp đồng được điều chỉnh cụ thể bởi quy định của Luật và các văn bản dưới luật. Theo đánh giá của LS. Hồ Kim Minh Châu - Luật sư điều hành Công ty luật Châu Hồ & Partner - TTV Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong hầu hết các hợp đồng xây dựng, điều khoản điều chỉnh giá thường được các bên thỏa thuận do đặc thù công việc phát sinh, thay đổi liên tục. Tùy theo loại hợp đồng mà các bên sẽ soạn thảo điều kiện điều chỉnh giá đơn giản hay phức tạp, tổng quát hay chi tiết.

Đối với hợp đồng khoán trọn gói hay hợp đồng theo đơn giá cố định, điều khoản về điều chỉnh giá thường không quan trọng lắm; nhưng đối với loại hợp đồng theo giá điều chỉnh hoặc loại hợp đồng kết hợp vừa là đơn giá cố định, vừa là đơn giá điều chỉnh thì điều khoản về điều chỉnh giá cần được cân nhắc soạn thảo chi tiết, tránh các tình huống phát sinh tranh chấp sau này. Trong trường hợp không thỏa thuận điều khoản này ở hợp đồng giao kết ban đầu, các bên vẫn có thể thương lượng bổ sung sau đó. Tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào thiện chí và sự tử tế của Chủ đầu tư, bởi họ sẽ là người phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ so với giá trị ban đầu nếu các bên đàm phán thành công.

Lấy ví dụ, hợp đồng xây dựng ghi giá trị hợp đồng là khoán trọn gói, nhưng có một thời gian giá thép trên thế giới biến động tăng từ 20% - 30%, nếu Chủ đầu tư không đồng ý trợ giá thì chắc chắn Nhà thầu sẽ phải chấm dứt hợp đồng và chịu phạt tối đa 8 - 10% còn hơn bị phá sản. Thời điểm này, Chủ đầu tư cũng không thể gọi thầu với giá thấp hơn, vì vậy, cả hai đồng ý ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá như một biện pháp chia sẻ rủi ro do trở ngại khách quan (giá thép tăng) chi phối.

Trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, vấn đề đàm phán lại để điều chỉnh giá, chia sẻ kinh phí chưa được điều chỉnh bằng quy định cụ thể. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng pháp luật, cho phép các bên được thỏa thuận lại hợp đồng khi phát sinh hoàn cảnh thay đổi cơ bản, doanh nghiệp được quyền thỏa thuận lại giá hợp đồng, đề nghị san sẻ kinh phí, rủi ro ở mức độ phù hợp. Để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, doanh nghiệp được khuyên nên tham khảo giá của mặt hàng tại những thị trường nhất định trước khi tiến hành đàm phán lại.

Lấy ví dụ, đối với các mặt hàng nông sản, cao su, cà phê… doanh nghiệp sẽ dựa trên giá mặt hàng được niêm yết trên các sàn giao dịch trong và ngoài nước; đánh giá tình hình thực tế của doanh nghiệp và đưa ra một mức giá đàm phán “chấp nhận được” cho đối tác. Hoặc doanh nghiệp có thể tham vấn ý kiến Hiệp hội ngành để ước định được một mức giá phù hợp với bối cảnh cùng lúc “cứu vãn” được khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo tổng kết tại ấn phẩm tháng 3/2015 - “Hành trình hướng tới sự liên kết” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng một số tổ chức quốc tế, hiện nay, các hiệp hội đang có những chính sách tích cực hỗ trợ hội viên thông qua nhiều công cụ.

Đối với vấn đề thống kê, nhận định giá cả thị trường, nhiều Hiệp hội như VINASME, VASEP, VPA… đã và đang ngày càng chủ động hơn trong việc cập nhật liên tục giá cả thị trường theo ngày, theo tuần tại website Hiệp hội hoặc báo cáo gửi Hội viên. Nhờ đó, doanh nghiệp Hội viên được tạo điều kiện hơn trong việc xem xét giá cả (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ); có cơ sở đàm phán lại phù hợp, đồng bộ hơn với đối tác khi bối cảnh thị trường có biến động mạnh.

Mặc dù vậy, vấn đề đàm phán lại không phải bao giờ cũng thành công dựa vào ý chí các bên. Trong nhiều trường hợp, các bên cần có sự can thiệp của bên thứ ba để việc thỏa thuận lại nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hơn. Tùy vào từng lĩnh vực, các bên cần xem xét lựa chọn phương án giải quyết phù hợp. Chẳng hạn, đối với ngành xây dựng, hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn hòa giải để giải quyết mâu thuẫn. Theo đó, trong phạm vi về điều chỉnh giá, hòa giải viên sẽ hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận về vấn đề bổ sung, chỉnh sửa hợp đồng thông qua việc phân tích các điểm pros-cons (thuận lợi - bất lợi) của mỗi bên, dẫn dắt đủ tinh tế để các bên tiệm cận dần đến thỏa thuận cân bằng lợi ích.

Đối với lĩnh vực mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nói chung, dự liệu được trường hợp các bên có khả năng thất bại trên bàn đàm phán, pháp luật đã quy định về bước tiếp theo trong tiến trình đàm phán lại, đó là yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết. Theo đó, tại khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây viết tắt là BLDS) quy định hai trường hợp Tòa án sẽ định đoạt thay cho các bên khi không đạt được thỏa thuận sửa đổi hợp đồng như sau: một là quyết định chấm dứt hợp đồng, hai là quyết định sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

So với Tòa án, thẩm quyền của trọng tài về nội dung trên chưa được điều chỉnh bằng một điều khoản cụ thể, tuy vậy, pháp luật vẫn cho phép trọng tài có quyền định đoạt vấn đề sửa đổi hợp đồng của các bên (trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp). Khoản 1 Điều 14 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài”; điều khoản này được xem là điều khoản bao trùm và định hướng mở rộng về thẩm quyền của trọng tài trong một số trường hợp pháp luật không quy định cụ thể, nội dung tại Khoản 3 điều 420 cũng là một trong những trường hợp này. Như vậy, Hội đồng trọng tài sẽ vẫn có thẩm quyền xem xét về vấn đề sửa đổi điều khoản hợp đồng nếu một hoặc các bên có yêu cầu bằng các văn bản hợp lệ.

Tìm hỗ trợ bên thứ ba 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau khi đàm phán không thành công, thay vì yêu cầu Tòa án hay trọng tài can thiệp sửa đổi điều khoản, các bên quyết định đưa vấn đề “chia sẻ rủi ro” trở thành yếu tố phát sinh tranh chấp và yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết theo quy trình tố tụng. Trong thực tiễn, tranh chấp dạng này không ít, đòi hỏi Hội đồng xét xử hay Hội đồng trọng tài phải có sự cân nhắc phù hợp với quyền và lợi ích các bên.

Là cơ chế tài phán tư, phương thức trọng tài rất đề cao tính “equality” trong toàn bộ quy trình giải quyết; và tính chất này được phản ánh rõ nhất qua việc Hội đồng trọng tài áp dụng quy tắc về lẽ công bằng khi xét xử. Vấn đề áp dụng yếu tố lẽ công bằng đã được chú trọng trong quy trình giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trước cả thời điểm yếu tố này chính thức được ghi nhận tại Điều 6 BLDS 2015. Đây là một trong những điểm khác biệt quan trọng của trọng tài và Tòa án.

Là cơ chế tài phán công, Tòa án có quyền và nghĩa vụ thực hiện những điều khoản luật cho phép, chính bởi vậy, chỉ đến khi BLDS 2015 cho áp dụng quy định về “lẽ công bằng”, việc xét xử dựa trên cơ chế này mới phổ biến hơn tại Tòa án.

Trong khi đó, với trọng tài, nguyên tắc công bằng được vận hành xuyên suốt và được tái khẳng định lại sau đó tại BLDS 2015. Minh chứng cho nội dung này, chúng ta có thể trích dẫn một vụ việc thực tiễn tại VIAC như sau:

Nguyên đơn ký hợp đồng mua bán gạo với Bị đơn. Theo đó, Bị đơn cam kết sẽ giao hàng đúng chất lượng với thời gian như các bên đã thỏa thuận. Để thuận lợi cho việc nhận hàng, Nguyên đơn đã ký hợp đồng với Công ty A để công ty vận chuyển và làm thủ tục hải quan.

Công ty A tiến hành liên hệ với Bị đơn để nhận hàng, tuy nhiên, sau nhiều lần Công ty A yêu cầu, Bị đơn vẫn không phản hồi. Sau một thời gian, Bị đơn gửi thông báo đến Công ty A và Nguyên đơn về việc lùi thời hạn giao hàng. Cùng trong khoảng thời gian đó, Bị đơn cũng nhận được thông báo từ Nguyên đơn là hoãn nhận hàng chờ Chỉ thị của Chính phủ Phillipine (sự kiện bất khả kháng)..

Với những trao đổi trên từ hai bên cũng như những khó khăn từ hãng tàu, Nguyên đơn và Bị đơn đã đồng ý lùi thời hạn giao hàng vào thời điểm thích hợp khi có thông báo của Nguyên đơn. Tuy nhiên, đến thời điểm Nguyên đơn phát lệnh gửi hàng, Bị đơn tiếp tục không giao hàng và thông báo đến Nguyên đơn yêu cầu tăng giá gạo. Trường hợp Nguyên đơn không bù thêm tiền, Bị đơn sẽ không giao hàng được.

Với việc vi phạm nghĩa vụ giao hàng của Bị đơn, để giải quyết tranh chấp, Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Với vụ việc này, sau khi xem xét chứng cứ các bên cung cấp, Hội đồng Trọng tài nhận thấy: Thứ nhất, mặc dù không giao hàng nhưng Bị đơn thực tế đã bỏ chi phí để chuẩn bị hàng hóa (dán nhãn, chuẩn bị kho, phương tiện vận chuyển…) cho Nguyên đơn. Thứ hai, việc hoãn giao hàng một phần là do yếu tố bất khả kháng Nguyên đơn đưa ra (chỉ thị từ Chính phủ Phillipine). Việc hoãn này vô tình làm hàng hóa giảm chất lượng, khiến Bị đơn phải mất thêm một khoản chi phí phục hồi hàng hóa. Do đó, vì lẽ công bằng, Hội đồng trọng tài quyết định Nguyên đơn phải chia sẻ khoản kinh phí Bị đơn bỏ ra thông qua việc Hội đồng trọng tài chỉ chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường khoản tạm ứng của Nguyên đơn.

Từ những phân tích trên, nhìn chung, bức tranh về hoạt động giao thương luôn biến đổi mà doanh nghiệp thì khó đoán trước được các tình huống bất ngờ. Việc dự liệu là điều cần thiết, nhưng trong trường hợp không thể dự liệu hoặc dự liệu sai, doanh nghiệp cần tìm kiếm những phương pháp tốt hơn. Thương lượng, đàm phán sửa đổi hợp đồng hoặc tìm đến bên thứ ba có thẩm quyền để phân định mức chia sẻ tổn thất là một số cách thức doanh nghiệp có thể vận dụng tùy vào tình hình và mức độ thiện chí giữa các bên, một phần để giải quyết khó khăn tức thời còn về dài lâu là giữ sợi dây làm ăn với đối tác.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 14/04/2020

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI