...

Điều kiện tiếp cận thị trường cho Nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2020 và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam

03 Tháng 2, 2021

Thay đổi điều kiện tiếp cận thị trường từ “chọn-cho” sang “chọn-bỏ”

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 (“LĐT 2014”) và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư ngày 12/11/2015 của Chính phủ (“Nghị định 118”) thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư.[1] Theo cách tiếp cận này, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện đầu tư được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, bao gồm luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư, trong khi các điều ước quốc tế về đầu tư có thể có cách tiếp cận không giống nhau.

Cụ thể, Biểu cam kết của Việt Nam trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) (“Biểu cam kết”) quy định điều kiện đầu tư theo hướng “chọn-cho” (positive list). Điều này nghĩa là nước ta cam kết mở cửa ở mức độ thế nào thì nhà đầu tư nước ngoài phải chịu cách áp dụng như thế. Trong khi đó, có một số Hiệp định song phương hoặc Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới trong thời gian gần đây lại quy định điều kiện đầu tư theo hướng chọn-bỏ (negative list), hay nói cách khác hiệp định chỉ quy định các vấn đề hạn chế đầu tư và nếu không thuộc các vấn đề này thì nhà đầu tư được phép thực hiện. Dù vậy, trên thực tế đối với cả những ngành hay phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả trường hợp hiệp định song phương không có quy định hạn chế đầu tư, thì Cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định theo điểm đ, khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 118.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Luật Đầu tư 2020 (“LĐT 2020”) bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (“Danh mục Ngành nghề Tiếp cận Thị trường có Điều kiện”), được vận hành theo cách tiếp cận “chọn-bỏ”. Danh mục này sẽ do Chính phủ công bố bao gồm (i) Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; và (ii) Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng các điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Sự hạn chế của cách tiếp cận “chọn-cho” và ưu điểm của cách tiếp cận “chọn-bỏ”

Có thể thấy rằng, việc liệt kê các ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường quy định tại Biểu cam kết và LĐT 2014 được thiết kế theo dạng danh mục chọn-cho” trên thực tế đã phần nào hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài so với các doanh nghiệp nội địa. Về mặt lý thuyết và góc độ quản lý, cơ chế này nhằm đảm bảo mức độ bảo hộ nhất định đối với sự phát triển của nhiều ngành, nghề, cũng như phần nào đảm bảo cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên sân nhà. Tuy nhiên, việc Cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý ngành trên thực tế cũng kéo dài thời gian và có thể phát sinh chi phí trong việc thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong một số trường hợp, cơ quan đăng ký đầu tư có thể từ chối việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài dựa trên ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý ngành, mà căn cứ từ chối nhiều khi không hẳn thuyết phục có thể làm cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng.

Cách tiếp cận dài hạn, tạo đà cho sự phát triển bền vững và phù hợp với chủ trương chung của Đảng[2] yêu cầu cần có những thay đổi phù hợp về chính sách đối với đầu tư nước ngoài. Theo đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Để triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, LĐT 2020 đã sử dụng phương pháp “chọn-bỏ” khi tiếp cận việc thiết lập các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Phương pháp “chọn-bỏ” có ưu điểm so với phương pháp của LĐT 2014, thể hiện chỉ giới hạn cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành, nghề thuộc nhóm chưa được tiếp cận thị trường và có điều kiện, còn ngoài ra thì các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ tương tự với các điều kiện áp dụng với các nhà đầu tư nội địa. Tính hiệu quả của cách tiếp cận này sẽ phát huy khi Danh mục Ngành nghề Tiếp cận Thị trường có Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể và rõ ràng, cũng như việc triển khai, thi hành và áp dụng đúng đắn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam

Khi áp dụng cách tiếp cận “chọn-bỏ” thì về dài hạn, thủ tục tiếp cận thị trường được thuận lợi hơn sẽ góp phần tạo nên làn sóng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam. Điều này chắc chắn tạo ra một xu hướng tích cực, đó là nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp Việt Nam đã hoạt động trên thị trường với các doanh nghiệp mới do các nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam, hoặc hoạt động dưới các hình thức đầu tư hợp pháp khác. Thực tế nhiều năm tham gia các hiệp định thương mại quốc tế đến nay cho thấy quy mô nền kinh tế của nước ta ngày càng phát triển. Theo số liệu được thông tin tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ[3], cùng với việc gia nhập WTO, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350% và tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu đã đạt mức kỷ lục, vượt mốc 500 tỷ USD trong năm 2019.

Mặc dù vậy, về áp lực và thách thức, do cơ chế theo LĐT 2020 có xu hướng mở cho các nhà đầu tư nước ngoài nên những năm sắp tới, chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp nội địa của Việt Nam bị thanh lọc và đào thải nếu không chịu hoặc thực hiện không đủ nhanh việc đổi mới, tái cấu trúc và bắt kịp với những tiến bộ trong quản lý, cách vận hành và áp dụng những tiến bộ công nghệ mà các nhà đầu tư nước ngoài mang vào Việt Nam.

Như vậy, với cơ chế “chọn-bỏ” đã chính thức được quy định trong LĐT 2020, các nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là có thể tiếp cận thuận lợi hơn đối với thị trường Việt Nam. Điều này đương nhiên tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp nội địa, khi thị trường trong thời gian tới đây sẽ đón nhận một làn sóng mới những nhà đầu tư nước ngoài gia nhập. Nếu không kịp thích nghi và thay đổi, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị tác động và thậm chí có thể bị loại bỏ khỏi thị trường. Mặc dù vậy, theo hướng tích cực, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn cũng nhận ra thách thức này, chấp nhận luật chơi để biến đây thành một cơ hội lớn, giúp họ nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, khả năng sản xuất, quản lý và lãnh đạo; từ đó hướng ra biển lớn, đủ sức cạnh  tranh với các doanh nghiệp cùng ngành sẽ gia nhập. Điều này là một cơ chế tự nhiên và theo đó sẽ tạo ra sức bật cho cả  nền kinh tế của Việt Nam phát triển trong những năm sắp tới.

 

[1] Khoản 6 Điều 2 Nghị định 118

[2] Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính Trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030

[3] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Dai-lo-hoi-nhap-va-dau-an-nguoi-mo-duong/414411.vgp

 

*** LS. Phạm Quốc Tuấn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC

*** LS. Hoàng Thanh Tuấn – Luật sư Công ty Luật TNHH DIMAC 

 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn 

Ấn phẩm NHẬN ĐỊNH ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT - TẠO BỨT PHÁ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2021

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI