Nhiều cơ quan nhà nước khi tham gia vào các dự án PPP đã bắt đầu nhìn nhận được vai trò của Nhà nước như một đối tác thương mại đồng hành với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Trong bối cảnh khung pháp lý chưa thực sự hoàn thiện, Việt Nam cũng đã thu hút được nguồn vốn rất lớn từ khu vực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền vững, đạt được các mục tiêu trung, dài hạn, Việt Nam vẫn cần những bước đột phá trong nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, với một nguồn lực đầu tư rất lớn. Khi đó con đường để Việt Nam tăng tốc trong tương lai sẽ bằng phẳng hơn rất nhiều.
Hình thức cần thiết để hút vốn vào dự án hạ tầng
Cho đến nay, văn bản pháp lý cao nhất về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới dừng lại ở cấp nghị định. Trong điều kiện còn vướng nhiều khó khăn từ sự không thống nhất, chồng chéo của hệ thống pháp luật, từ sự thiếu vốn cho công tác chuẩn bị dự án, cho phần vốn tham gia của Nhà nước, hay những cơ chế tài chính, chia sẻ rủi ro chưa phù hợp… thì những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư PPP thời gian qua là rất tích cực.
Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã ký kết, thực hiện 289 dự án PPP với tổng vốn đầu tư 1.293.674 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải với 207 dự án (chiếm 72,4%); 18 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng; 18 dự án xây dựng trụ sở làm việc; 13 dự án thuộc lĩnh vực cấp nước, thoát nước, môi trường; 10 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 9 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa; 14 dự án khác thuộc các lĩnh vực hạ tầng thương mại, chợ, giáo dục và đào tạo, hỗn hợp.
Các dự án PPP đã góp phần quan trọng trong phát triển và tạo nên diện mạo hạ tầng giao thông như hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, mô hình PPP đã góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam”, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Tiến độ xây dựng Luật PPP
Từ tháng 6/2017, Bộ KH&ĐT đã bắt đầu lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PPP. Đến tháng 4/2018, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được trình Chính phủ, và Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 10/5/2018. Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào chương trình xây dựng luật năm 2019. Dự kiến Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra tháng 10/2019 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020.
Trong giai đoạn tới, phát triển kết cấu hạ tầng vẫn là một trong những đột phá chiến lược và nhu cầu đầu tư toàn xã hội cũng như nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng là rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này theo giá hiện hành dự kiến khoảng 9.120 - 9.750 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 32 - 34% GDP. Còn theo nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Phát triển châu Á, từ năm 2015 - 2025, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng trung bình hàng năm của Việt Nam khoảng 16,7 tỷ USD.
Bộ GTVT cũng cho biết, tính riêng các dự án do Bộ quản lý, nhu cầu vốn trong giai đoạn 2015 - 2020 lên đến 952 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng được 28%. Với nhu cầu đầu tư lớn và ngân sách hạn hẹp, Bộ GTVT khẳng định, chủ trương huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT theo hình thức PPP là đúng đắn và cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một điều khá mâu thuẫn là khi mà nguồn lực đầu tư thiếu hụt lớn thì đã có không ít nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế thể hiện mong muốn tham gia vào các dự án hạ tầng tại Việt Nam nhưng không thể hiện thực hóa vì nhiều vướng mắc chủ yếu từ cơ chế. Ngoài ra, nguồn lực trong dân còn nhiều. Dẫn chứng, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cho biết, thị trường vốn của Việt Nam khá lớn. Quy mô của thị trường cổ phiếu gần 170 tỷ USD, thị trường trái phiếu mà chủ yếu là trái phiếu chính phủ khoảng 50 tỷ USD. Hai thị trường này bằng gần 90% quy mô GDP của Việt Nam là 250 tỷ USD. Vấn đề của Việt Nam, theo ông Dominic Scriven, không phải là thiếu tiền, thiếu phương án, mà là thiếu cơ chế để huy động được tiền trong dân hay từ giới đầu tư.
Đó cũng là quan điểm, mong mỏi của nhiều doanh nghiệp vào một cơ chế đủ hấp dẫn, một thị trường dự án PPP đúng nghĩa để nhà đầu tư yên tâm tham gia vào các dự án lớn, thời gian hoàn vốn dài, với nhiều rủi ro ngoài tầm kiểm soát.
Nói vui rằng hợp đồng PPP nhiều khi còn dài hơn một cuộc hôn nhân, một luật sư chuyên giao dịch PPP của Ernst & Young cho rằng, khung pháp lý về PPP không chỉ thu hút nhà đầu tư tham gia dự án, mà phải điều chỉnh, tính tới cả quá trình vận hành lâu dài.
Ngoài vấn đề thu hút thêm nguồn lực, PPP còn là hình thức để nâng cao chất lượng đầu tư, vận hành công trình dịch vụ công. Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT chia sẻ, tại nhiều nước phát triển, ví dụ như Canada, dù nguồn lực tài chính không thiếu, nhưng vẫn thu hút đầu tư theo hình thức PPP vì muốn tận dụng năng lực, công nghệ, quản trị, điều hành tốt của khu vực tư nhân để nâng cao chất lượng dịch vụ công.
“Luật PPP mới - luôn cần có các hy vọng về tương lai”
Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã dẫn đề như vậy khi nói về Luật PPP đang được Chính phủ xây dựng.
Theo ông Tony Foster - Trọng tài viên VIAC, Trưởng Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng, thời gian qua, Chính phủ đã và đang tổng hợp và thiết lập một hệ thống pháp lý để phục vụ đầu tư dự án PPP. 10 năm trước chưa hề có hệ thống pháp lý này. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hướng dẫn các cơ quan nhà nước cách thức tham gia vào mô hình đầu tư mới này. Bộ KH&ĐT đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy triển khai PPP, minh bạch thông tin qua trang điện tử dành riêng cho chương trình PPP; tổng hợp danh sách dự án PPP tiềm năng; ban hành Quyết định về quản lý và sử dụng quỹ phát triển dự án…
Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng đánh giá, Chương trình PPP và sự nỗ lực của Chính phủ trong việc hướng dẫn các cơ quan và các bên có liên quan về PPP đã bắt đầu thay đổi cách nhìn của nhiều cơ quan nhà nước trước đây chỉ quen với cách thức sử dụng và quản lý ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Đầu tư công và các luật về chi tiêu công có liên quan khác. Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước khi tham gia vào các dự án PPP đã bắt đầu nhìn nhận được vai trò của Nhà nước như một đối tác thương mại đồng hành với doanh nghiệp và có hiểu biết về những yêu cầu thương mại cần có của một dự án thành công.
Tuy nhiên, ông Tony Foster cho rằng, vẫn còn những hạn chế trong pháp luật về PPP, như các quy định còn mang tính ấn định, chưa mang tính định hướng kết quả; hệ thống pháp luật chưa thống nhất; quy định chưa rõ ràng về cơ chế PPP…
“Một cơ chế đầu tư PPP tốt cần bắt đầu với một hệ thống pháp luật tốt… Trong thời gian chờ đợi việc xây dựng, thông qua Luật PPP, chúng ta cần giữ được động lực hiện có đối với chương trình PPP”, ông Tony Foster khuyến nghị.
Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng hi vọng rằng Luật PPP mới sẽ mang đến nhiều hơn các dự án PPP thực sự thành công trong sử dụng vốn tư nhân. Đồng thời vẫn duy trì được yếu tố tích cực cũng như giải quyết được các vấn đề chưa tốt của các quy định đã ban hành.
Theo Nguyệt Minh/baodauthau.vn - Tạp chí Tài chính đăng ngày 02/01/2018