...

Kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập cá nhân

22 Tháng 4, 2020

Việc miễn thuế TNCN sẽ hỗ trợ thiết thực nhất đến cuộc sống của người lao động /// Ảnh: Hoàng Giáp

Việc miễn thuế TNCN sẽ hỗ trợ thiết thực nhất đến cuộc sống của người lao động
ẢNH: HOÀNG GIÁP

Tăng mức giảm trừ gia cảnh 14 triệu đồng/tháng

TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, trọng tài viên VIAC, phân tích: Mức khởi điểm căn cứ tính giảm trừ gia cảnh (GTGC) 11 triệu đồng như đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa phù hợp với thực tế ở VN. Mức sống của người dân đô thị hiện nay khá khó khăn. Đối với 1 gia đình gồm vợ, chồng, và 3 - 4 người phụ thuộc (gồm 2 con trẻ, bố mẹ già), để có thể sống trên mức trung bình thì tổng thu nhập của họ phải tối thiểu là 20 triệu đồng/tháng. Nếu căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN, lấy con số bình quân GDP hằng năm là 6,5% trong giai đoạn 2013 - 2019 thì sau 7 năm con số tăng trưởng lũy tiến là khoảng 55%. Trên cơ sở đó, mức đề xuất chỉnh sửa GTGC đối với đối tượng nộp thuế tối thiểu phải khoảng 14 triệu đồng/tháng và đối với người phụ thuộc là 5,6 triệu đồng/tháng. Ví dụ: 1 hộ gia đình có một người nộp thuế có con nhỏ ở TP.HCM trung bình phải trang trải một khoản chi phí ít nhất là 15 triệu mỗi tháng. Trong đó, tiền ăn 6,5 triệu; chi phí điện, nước, gas, internet khoảng 1 triệu; khấu trừ lương tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc là 1,05 triệu/người (tính trên mức lương đóng bảo hiểm là 10 triệu/tháng x 10,5%); chi phí đi lại như xăng xe, bảo hành là 2 triệu; chi phí gia dụng khác 1,5 triệu, các chi phí hiếu hỉ khoảng 1 triệu; phí cố định thuê nhà 4 triệu đồng.

Chưa có hỗ trợ cho cá nhân người nộp thuế

Đại diện Công ty kiểm toán EY cho biết so với các nước khác, VN phản ứng chậm và gần như không có hỗ trợ cho người nộp thuế là đối tượng có thu nhập từ tiền công tiền lương. Quy định giãn nộp thuế hiện tại chỉ áp dụng cho cá nhân và hộ kinh doanh. Trong khi đó, các nước lân cận như Nhật, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia... đều thực hiện việc gia hạn thời gian nộp hồ sơ và nộp tiền thuế cho quyết toán thuế TNCN năm 2019. Theo đánh giá của vị này, ảnh hưởng của Covid-19 trong năm 2020 còn hơn cả ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 2009. Do đó đề xuất xem xét giảm 50% thuế TNCN cho tất cả đối tượng từ tháng 3 đến hết tháng 8.2020 để tạo điền kiện cho người nộp thuế có thể trang trải chi phí và ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 là phù hợp. Đồng thời, VN có thể thực hiện ngay việc giãn nộp thuế TNCN cho tất cả đối tượng giai đoạn từ tháng 4.2020 đến hết tháng 8.2020 và nếu tình hình ngân sách cho phép, Chính phủ có thể thực hiện việc giảm tiền thuế TNCN 50%

Đối với lao động trẻ nhập cư, nếu sở hữu được một căn hộ ở thành phố, họ cũng phải chi trả một khoản chi phí lãi vay hằng tháng không nhỏ so với mức lương. Nghĩa là đối với mỗi gia đình có 2 người nộp thuế thì mỗi người có nghĩa vụ đảm đương một nửa chi phí cố định. “Thực tế đối với hộ như vậy, mức khởi điểm giảm trừ gia cảnh phù hợp là 15 triệu đồng/tháng/người. Mức khởi điểm trên có lợi hơn cho đa số người lao động, nhất là khu vực đô thị khi chi phí sinh hoạt biến động không tỷ lệ thuận với thu nhập, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hiện nay”, luật sư Châu Huy Quang chia sẻ.

Cùng quan điểm, theo TS Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP.HCM, Bộ Tài chính lấy cơ sở là chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12.2019 so với thời điểm 1.7.2013 là 123,2%, tức tăng 23,2% để nâng mức GTGC tương ứng. "Vậy tại sao Bộ Tài chính không lấy chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong thời gian đó để làm cơ sở nâng ngưỡng GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc? Bởi GDP của cả nước và GDP bình quân đầu người trong hơn 6 năm qua đã gia tăng mạnh cho thấy đời sống và mức chi tiêu của người dân cũng tăng lên. Mức GTGC đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng vì nếu không lại khiến người dân nghèo hơn. Đó là chưa kể giá cả hàng hóa ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn tăng cao hơn và một bộ phận lớn người dân buộc phải chi tiêu nhiều hơn trước để đảm bảo đời sống của gia đình. Nếu tính theo mức tăng GDP thì hơn 6 năm qua, tăng trưởng này cũng lên hơn 40%. Như vậy, Bộ Tài chính cần phải nâng mức GTGC lên ít nhất thêm 40% so với hiện nay, tương đương khoảng 12,6 triệu đồng/người/tháng cho người nộp thuế và 5 triệu đồng/người/tháng cho mỗi người phụ thuộc.

Xem xét miễn giảm thuế TNCN

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng: Chính phủ xác định chống dịch như chống giặc thì giải pháp đưa ra hỗ trợ người dân cần phải nhanh và mạnh hơn. Vì thế, Bộ Tài chính nên tính đến phương án miễn giảm thuế thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong giai đoạn này để hỗ trợ người làm công ăn lương hiện nay bởi số lượng doanh nghiệp “tê liệt”, tạm dừng đóng cửa khá nhiều. “Do đó số thuế mà người lao động được giữ lại 10.300 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra cũng chỉ là tính toán chứ thực tế người lao động đã giảm thu nhập thì lấy gì mà đóng thuế”, ông Xoa nói.

Vẫn giữ mức đề xuất GTGC lên 14 triệu đồng áp dụng cho đến khi sửa đổi luật Thuế TNCN, ông Xoa cho rằng cần làm ngay biện pháp miễn thuế TNCN như đã thực hiện năm 2009. Vào thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2009, Chính phủ cho miễn thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công 6 tháng. Trong thời điểm khủng hoảng dịch bệnh này, Chính phủ cũng đang đưa ra những biện pháp hỗ trợ kinh tế, trong đó có cả việc hỗ trợ phát tiền cho người dân. Hầu hết người lao động hiện nay bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, việc miễn thuế TNCN sẽ hỗ trợ thiết thực nhất đến cuộc sống của họ. Cùng quan điểm, TS Trần Hùng Sơn đề xuất nên xem xét miễn giảm thuế TNCN từ 6 tháng đến 1 năm để tăng kích cầu trong nền kinh tế.

Theo Thanh Xuân, Mai Phương, Báo Thanh niên đăng ngày 13/04/2020.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI