...

Làm gì để hạn chế rủi ro tranh chấp quyền kiểm soát doanh nghiệp?

29 Tháng 10, 2019

Luật sư Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), luật sư điều hành Công ty Luật LNT, đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online về những vấn đề liên quan đến tranh chấp trong hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam.

 

Ông đánh giá thế nào về thị trường M&A tại Việt Nam?

-M&A không chỉ là tiềm năng mà đã có những giao dịch rất lớn. Ví dụ như Sabeco và rất nhiều giao dịch khác sắp tới sẽ diễn ra. Đương nhiên với quy trình thoái vốn của Nhà nước thì sẽ còn nhiều giao dịch M&A hơn nữa, độ lớn của nền kinh tế Việt Nam cũng như Việt Nam được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ sẽ dẫn đến việc thị trường M&A chắc chắn sẽ ngày càng phát triển.

Thự tế tại các công ty luật, trong năm 2018 doanh thu tăng rất nhiều phần lớn từ giao dịch M&A, và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng.

Theo ông, việc thiếu thông tin và thông tin không chuẩn xác có phải là vấn đề hạn chế đối với thị trường này?

-Thông thường các luật sư cũng có những giải pháp với việc thiếu thông tin hay thông tin không chuẩn xác. Trường hợp thiếu thông tin, người ta sẽ yêu cầu giữ lại một khoản tiền để bảo đảm. Hoặc sẽ có những quy định về cam đoan, bảo đảm. Và đó cũng là lý do bên bán phải đưa ra đầy đủ thông báo về những rủi ro.

Nếu bên bán càng thiếu thông tin chừng nào thì cam đoan bảo đảm của họ càng lớn, và rủi ro của họ càng lớn. Trường hợp bên bán muốn hạn chế rủi ro cho mình thì phải thực sự trung thực và nói ra hết những khiếm khuyết của mình. Một khi người mua biết hết những khiếm khuyết mà vẫn quyết định mua thì đó là rủi ro của bên mua.

Tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước hiện đang sở hữu rất hấp dẫn, nhưng công tác cổ phần hóa lại rất chậm. Theo ông hạn chế nào dẫn đến tình trạng này? Nếu muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì phải làm gì?

-Không thể đánh giá thế nào là nhanh hay chậm. Tôi ví dụ, với quy định trong vòng 90 ngày kể từ ngày có quyết định cổ phần hóa phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, đây là thời gian quá ngắn để người ta làm bất cứ việc gì. Nếu đáp ứng thời gian này phải chăng hơi vội vã? Nhưng nếu để vài năm không ra được việc gì thì cũng là quá lâu. Vậy như thế nào là nhanh hay chậm cũng phải theo thông lệ quốc tế. 

Có những giao dịch rất lớn như giao dịch Big C chẳng hạn, dù giao dịch cả tỷ Euro nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn (2 tháng). Tại sao giao dịch này diễn ra nhanh như thế? Việc đầu tiên phải khẳng định đó là sản phẩm tốt mới dễ bán. Thứ hai, cách người ta tiếp cận cởi mở thì quá trình điều tra công ty diễn ra nhanh hơn.

Thứ ba, người ta giữ nhiều con ngựa trên cùng một cuộc đua, theo đó tất cả các bên mua tiềm năng phải nhanh chóng đàm phán trong vài ngày để “chốt deal”, nếu không sẽ rơi vào tay người khác. Và đây là những kỹ thuật để đẩy nhanh giao dịch.

Theo quan sát của ông, các doanh nghiệp đến từ quốc gia nào tham gia vào M&A nhiều nhất?

-Từ vụ Sabeco vừa qua có thể thấy Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… nói chung những quốc gia châu Á là các quốc gia đầu tàu về M&A.

Vậy theo ông, khi xảy ra rủi ro, tranh chấp giữa hai bên thì nên lựa chọn tòa án hay trọng tài để giải quyết?

-Nếu lựa chọn trọng tài sẽ có tính bảo mật và hai bên sẽ chủ động hơn trong việc chọn lựa ai là trọng tài viên. Họ sẽ chọn những người mà mình tin tưởng. Trường hợp ra kết quả không như mong muốn thì đó là do lựa chọn của họ.

Bên cạnh đó, nếu trọng tài viên là những người chuyên nghiệp thì họ được chọn một trong những quan điểm của nguyên đơn hay bị đơn chứ không được quyền “sáng tạo” ra quan điểm khác.

Nói đơn giản, trong một trận bóng đá thì trọng tài không được quyền sút thay cho cầu thủ dù họ đang ở vị trí rất thuận lợi. 

Như vậy, rõ ràng nếu ta lựa chọn trọng tài thì quả bóng sẽ ở trong chân của luật sư, theo đó các bên sẽ cảm thấy an tâm hơn. Nhưng tất nhiên trọng tài cũng có những điểm bất lợi là không có khả năng kháng cáo. Một khi đã ra phán quyết thì phải chấp thuận…

Xin cảm ơn ông!

Theo Hương Giang Thế giới Tiếp thị Online đăng ngày 22/12/2018

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI