...

Lên sàn ngoại, ngân hàng nội được gì?

29 Tháng 10, 2019
Lên sàn ngoại, ngân hàng nội được gì?

Niêm yết trên sàn ngoại: Dễ hay khó?

Mục tiêu “đến năm 2025, sẽ có 3 - 5 ngân hàng Việt niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước ngoài” lại được nhắc tới trong thời gian gần đây. Mục tiêu này đã được nhấn mạnh tại Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được thông qua vào tháng 8 năm ngoái.

Câu hỏi đặt ra là, mục tiêu này liệu có khả thi, khi mà ngay cả kế hoạch tất cả ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết trên thị trường chứng khoán trước năm 2020 cũng không dễ thực hiện? 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định là “rất khó”. Lý do, theo ông Hiếu, là hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam còn ở mức thấp.

“Mặc dù Standard & Poor’s vừa nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức BB- lên BB, nhưng với mức này thì Việt Nam vẫn thuộc nhóm không khuyến khích đầu tư, mà chỉ là đầu cơ. Trong vòng 3 năm tới, có lẽ chúng ta sẽ vẫn ở vùng đó và phải nâng thêm một nấc nữa mới qua được vùng không khuyến khích đầu tư. Vì vậy, tôi không lạc quan lắm trong vòng 3 năm tới, nhưng 5 năm thì khả năng sẽ tốt hơn”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, ở định mức tín nhiệm quốc gia hiện tại, các ngân hàng muốn ra thị trường thế giới thường phải trả lãi suất rất cao, do vậy, khó có thể phát hành thành công.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực có cái nhìn khá lạc quan. Theo ông Lực, mục tiêu này là khả thi, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều sàn chứng khoán nước ngoài cho phép niêm yết chéo. “Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của các sàn chứng khoán, thì ngân hàng sẽ được niêm yết”, ông Lực nói. 

Cũng theo ông Lực, khi các ngân hàng áp dụng thành công chuẩn Basel II, thì xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ được nâng lên và đây là cơ sở quan trọng để ngân hàng Việt được các sàn chứng khoán ngoại chấp thuận cho niêm yết.

Có quan điểm tương tự, ông Võ Trí Thành, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ở thời điểm hiện nay, thật khó để nói một cách chắc chắn về tính khả thi của mục tiêu 3 - 5 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại vào năm 2025. Song nếu các ngân hàng thực hiện được các mục tiêu xử lý nợ xấu, áp chuẩn Basel II… vào năm 2020, thì “không có lý do gì” để không niêm yết được trên sàn ngoại.

“Điều quan trọng nữa là, chiến lược này mang tới hai điểm tích cực. Một là, gửi thông điệp về quyết tâm của Việt Nam trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, theo chuẩn mực quốc tế. Hai là, tạo sức ép buộc các ngân hàng phải nỗ lực tái cấu trúc”, ông Võ Trí Thành nói.

Lên sàn ngoại, ngân hàng nội được lợi gì?

Như một mũi tên trúng hai đích, việc Việt Nam quyết tâm đưa 3 - 5 ngân hàng nội lên sàn ngoại, như lời ông Võ Trí Thành đã nói, là tạo sức ép buộc các ngân hàng phải nỗ lực thực hiện tái cấu trúc.

Song quan trọng hơn, theo ông Lực, việc này không chỉ giúp họ tăng khả năng huy động vốn, mà còn nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế.

Ngay cả ông Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù cho rằng, khả năng ngân hàng nội lên sàn ngoại là rất khó, song cũng thừa nhận, nếu làm được như vậy thì “quá tốt” và có nhiều lợi ích.

Tuy vậy, ông Hiếu cho rằng, không phải ngân hàng nào cũng có thể làm được điều đó. “Cửa sáng nhất là Vietcombank”, ông Hiếu đánh giá.

Trên thực tế, ngay từ khi Chính phủ chính thức phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng, đã có đồn đoán về những cái tên có khả năng được niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài.

Trong khối ngân hàng thương mại nhà nước, thì BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank được nhắc tới nhiều nhất. Còn trong khối ngân hàng tư nhân, Techcombank, VPBank, ACB, MB được đánh giá khá cao. Đây không chỉ là các ngân hàng có khối tài sản lớn, mà kinh doanh cũng khả quan, được các định chế tài chính nước ngoài đánh giá cao về thương hiệu.

Tuy nhiên, Vietcombank luôn được nhắc tới như là một ứng viên hàng đầu cho khả năng niêm yết trên sàn ngoại.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank không giấu giếm tham vọng là đến năm 2025, tổng tài sản của Ngân hàng sẽ đạt 100 tỷ USD, lợi nhuận dự kiến 1,5 tỷ USD và nằm trong Top khu vực và thế giới.

Theo ông Thành, các mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng sẽ là “kim chỉ nam” quan trọng để Vietcombank xây dựng định hướng chiến lược phát triển cho riêng mình. 

Tuy nhiên, theo ông Lực, việc niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại không phụ thuộc vào quy mô, lợi nhuận của ngân hàng, mà phụ thuộc vào chiến lược phát triển. “Quan trọng là ngân hàng có sẵn sàng cuộc chơi minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của mình ở tầm quốc tế hay không”, ông Lực nói.

 Theo Hà Nguyễn/ BizLive/ 20-04-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI