Năm 2018 là năm ghi nhận những con số ấn tượng về dòng vốn đầu tư, vốn giải ngân, hoạt động góp vốn FDI và dự án đầu tư ấn tượng.
1. Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài
Trước tiên phải khẳng định rằng, quá trình 30 năm thu hút FDI của Việt Nam song hành với hành trình 30 năm đổi mới đất nước.
Chính phủ khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của khu vực này đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, như thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, bổ sung vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Tại Hội nghị Tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việc mở cửa thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của đất nước. Việt Nam trở thành một trong những khu vực thu hút FDI thành công nhất thế giới.
Song, sau 30 năm thu hút FDI, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, những thua thiệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. "Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là đáng quý nhưng có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực hay không là trách nhiệm của chúng ta, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội. Hợp tác FDI mang tính chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam. Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta nhận nấy. Cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
2. Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030
Năm 2017, Việt Nam đứng trước một nghịch lý là một mặt thu hút được dòng vốn FDI kỷ lục và vượt qua các quốc gia khác ở ASEAN 2, tuy nhiên các bên liên quan lại có quan điểm chung rằng FDI chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cho Việt Nam giai đoạn 2018-2030.
Điểm nhấn chính của “chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho "sản phẩm" của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI.
3. Vốn giải ngân FDI đạt mức kỷ lục
Năm 2018 cũng tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó. Cuối năm, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, đã chính thức vận hành thương mại. Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định, Việt Nam chính là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
4. Hà Nội là địa phương hút được nhiều dự án FDI nhất
Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, 11 tháng năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn đạt 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch cả năm.
Theo đó, lũy kế số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 4.350, vốn đăng ký 33,38 tỷ USD. Riêng trong 3 năm 2016 – 2018 thu hút được gần 13,25 tỷ USD bằng 2,12 lần giai đoạn 2012 – 2015.
Ngoài ra, các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 76 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 166,3 nghìn tỷ đồng. Điều chỉnh chủ trương 85 dự án; trong đó, điều chỉnh vốn cho 50 dự án, số vốn tăng 90,8 nghìn tỷ đồng. Riêng với các dự án theo hình thức PPP, đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án, tổng mức đầu tư, gần 14.000 tỷ đồng.
5. Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong năm 2018, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD.
Thống kê sơ bộ đến cuối tháng 12/2018 cho thấy, nếu tính theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất.
Cụ thể, lĩnh vực này đã thu hút tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong khi đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
6. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần tăng 44,4%
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cả nước có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,6 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2017.
Nhìn rộng ra, trong 10 năm qua, thị trường M&A tại Việt Nam đã tạo ra giao dịch khoảng 4.350 thương vụ, với doanh số đạt gần 49 tỷ USD, thị trường này sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới cùng với sự khởi sắc đi lên của nền kinh tế trong nước.
Mặc dù, là thị trường mới nổi, tuy nhiên thị trường M&A Việt Nam đã tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, hạ tầng, giáo dục, dược phẩm...
Theo TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), giao dịch M&A dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, sự phát triển của thị trường, các rủi ro trong những thương vụ cũng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý, nguyên nhân chính dẫn đến đổ bể thương vụ hoặc thậm chí xảy ra những vụ tranh chấp kiện tụng ồn ào và tốn kém.
7. Hàn Quốc dẫn đầu thu hút FDI vào Việt Nam
Hiện nay, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam với hơn 62 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu tính cả một số dự án quy mô lớn đầu tư qua nước thứ 3, tổng vốn FDI Hàn Quốc tại Việt Nam đạt khoảng 70 tỷ USD.
Đa số các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Trong 3 năm qua, nổi lên của một số thương vụ M&A quan trọng của các đối tác Hàn Quốc tại Việt Nam. Trong đó, riêng năm 2018, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam dự kiến đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2017.
8. Dự án đầu tư ấn tượng
Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 14/7/2018 Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
The TS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đánh giá: "Việc xây dựng đô thị thông minh Nhật Tân - Nội Bài trở thành cơ hội để Hà Nội đan xen nét hoài cổ - hiện đại, vừa tạo đà để Thủ đô phát triển".