...

Phải để doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh

29 Tháng 10, 2019
Theo ông Nguyễn Đình Cung, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế hoạt động không hiệu quả thậm chí dẫn đến đổ vỡ là do không có những cơ chế thúc đẩy cạnh tranh...
Toạ đàm về cải cách doanh nghiệp Nhà nước trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Uỷ ban triển khai và phát triển Cuba diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội.

"Doanh nghiệp Nhà nước trải qua hàng chục năm "loay hoay" với mô hình tổng công ty và tập đoàn kinh tế vẫn thành công. Nguyên nhân sâu xa là chúng ta chỉ "gộp nhỏ, thành to" theo mệnh lệnh hành chính chứ không theo cơ chế thị trường, để doanh nghiệp từng bước lớn lên", ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói.

Tại buổi toạ đàm về cải cách doanh nghiệp Nhà nước trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Uỷ ban triển khai và phát triển Cuba diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội, ông Cung cho rằng mục đích quản lý doanh nghiệp Nhà nước là đúng nhưng cách thức thành lập nên các tập đoàn và tổng công ty như thời gian qua thì có nhiều vấn đề.

Doanh nghiệp kiểu "gộp nhỏ, thành to"

Ông Cung cho biết, cuối những năm 1980, khi số lượng doanh nghiệp Nhà nước lên đến hàng chục nghìn, việc kiểm soát doanh nghiệp trở nên rất khó khăn. Vì vậy, ý tưởng thành lập các cơ quan trung gian để Chính phủ kiểm soát doanh nghiệp Nhà nước thông qua các cơ quan này đã được đưa ra.

Với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định cùng ngày 7/3/1994 là Quyết định 90 và Quyết định 91, 76 Tổng công ty 91 và 17 Tổng công ty 90 đã ra đời. Do đó, theo ông Cung, các tổng công ty này được thành lập dựa trên mệnh lệnh hành chính, nghĩa là các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực, cùng bộ phận được "gom" lại để "gộp thành" các tổng công ty.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, thời kỳ này, mặc dù giảm về số lượng nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn phát triển vững chắc; làm ra 40,2% GDP, trên 50% giá trị xuất khẩu, đóng góp 39,25% tổng nộp ngân sách nhà nước.

"Tuy nhiên, qua 10 năm, mô hình này đã không cho thấy sự hiệu quả, doanh nghiệp không lớn lên được nên giai đoạn 2001-2003 có chủ trương thí điểm chuyển đổi một số tổng công ty thành tập đoàn kinh tế", ông Cung cho hay.

Từ đó đến năm 2007, đã thành lập 7 tập đoàn kinh tế. Sau đó, rất nhiều Tổng công ty 91 muốn nâng thành tập đoàn nhưng do khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008, một số tập đoàn thí điểm thất bại nên việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế được xem xét lại.

Cần cơ chế thúc đẩy cạnh tranh

Nhìn lại chặng đường cải cách doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam, ông Cung cho rằng các tổng công ty và tập đoàn kinh tế hoạt động không hiệu quả thậm chí dẫn đến đổ vỡ là do không có những cơ chế thúc đẩy cạnh tranh.

"Tổng công ty 90 và 91 thành lập theo mệnh lệnh hành chính, trong đó các công ty con là chi nhánh, không có tư cách pháp nhân đầy đủ để tự quyết định kế hoạch, chiến lược của chính mình. Mối liên hệ giữa công ty con và công ty mẹ chỉ như là một cơ cấu hành chính. Vì thế, công ty mẹ chỉ có ý nghĩa gia tăng về mặt quy mô mà không tăng được chất, không có cơ chế để thúc đẩy phát triển", ông Cung nhận định.

Sau này, khi các tổng công ty được chuyển thành mô hình tập đoàn kinh tế, các công ty mẹ trong tập đoàn giống như nhà đầu tư, đầu tư vốn thành lập các công ty con bên dưới. Mối quan hệ chuyển mạnh từ cơ chế hành chính sang cơ chế sỡ hữu. Cách thức này, theo ông Cung, là phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và chia sẻ rủi ro.

"Theo đó, một công ty con trong số hàng trăm công ty con của tập đoàn nếu bị phá sản thì chỉ bị mất tài sản ở công ty con đó, chứ không ảnh hưởng tới hoạt động của cả tập đoàn", ông Cung nhấn mạnh.

Hơn nữa, tập đoàn kinh doanh đa ngành nên rất khó kiểm soát. Việc để các công ty con tự chủ, độc lập với công ty mẹ và công ty mẹ chỉ kiểm soát vào những mục tiêu cần kiểm soát sẽ phù hợp hơn. Nhờ vậy, thời điểm này đã xuất hiện bóng dáng của một số tập đoàn kinh tế có hoạt động kinh doanh tốt, giữ được chỗ đứng trên thị trường.

Nhưng mô hình này dù có tiến bộ hơn so với mô hình trước song cách thức này, theo ông Cung, là không theo tuần tự từng bước lớn lên của doanh nghiệp. "Khi doanh nghiệp lớn lên, đương nhiên họ sẽ cần các công ty con theo nhu cầu hoạt động của mình. Cách này sẽ thành công hơn là mệnh lệnh, ép buộc", ông Cung bình luận.

Ngoài ra, theo ông Cung, một nguyên nhân khác khiến các tập đoàn, tổng công ty không hoạt động hiệu quả là do các doanh nghiệp này ở vị trí quá lớn nên thường độc quyền, không có cạnh tranh - một động lực để thúc đẩy phát triển.

"Chẳng hạn, trong ngành viễn thông, ngoài VNPT còn có Viettel, MobiFone, Vietnammobile… Nên các doanh nghiệp Nhà nước ở lĩnh vực này hoạt động tốt hẳn lên, dịch vụ tốt, giá cả cạnh tranh", ông Cung dẫn chứng.

Đặc biệt, để thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn, cần buộc các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra nước ngoài nhằm cạnh tranh với những đối thủ của họ trên thị trường quốc tế. Nếu doanh nghiệp hoạt động được, xuất khẩu được sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Mỹ… chứng tỏ doanh nghiệp đã thành công, có đủ năng lực cạnh tranh.

"Trung Quốc đã ép được các tập đoàn của họ. Nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được như vậy", ông Cung nhấn mạnh.

Theo Anh Nhi/ VnEconomy/ 20-04-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI