Việc triển khai đưa phiên tòa lên hệ thống trực tuyến đặt ra thách thức mới cho các nhà lập pháp, tư pháp và các bên liên quan tham gia. Ảnh minh họa: Vũ Hoàng
Khung pháp lý của Việt Nam về phiên xử trực tuyến
Hiện nay, Bộ quy tắc trọng tài của các trung tâm trọng tài lớn trên thế giới đều có quy định về hình thức tố tụng qua phiên xử trực tuyến, cho phép các phiên xử có thể diễn ra trực tiếp hoặc thông qua hình thức phiên họp trực tuyến hoặc cách thức phù hợp khác, miễn là các bên được đối xử công bằng như nhau.
Theo đó, mỗi bên đều có cơ hội được lắng nghe cũng như trình bày luận cứ của mình. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến chung trong các Bộ quy tắc trọng tài quốc tế.
Ở Việt Nam, pháp luật hiện chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh, hướng dẫn cách thức xét xử trực tuyến. Các phiên xử trong tố tụng tòa án hay trọng tài truyền thống đều được tiến hành tại trụ sở tòa án hoặc nơi khác nhưng bố trí hình thức phòng xử phải đảm bảo tính trang nghiêm của một phiên xử.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) yêu cầu thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở tòa án. Một số trường hợp ngoại lệ cần thiết thì có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở tòa án (Điều 98, Điều 223).
Đồng thời, nghĩa vụ của đương sự phải “có mặt” theo giấy triệu tập của tòa án (Điều 70.16, BLTTDS 2015). “Có mặt” được hiểu là đương sự hoặc người được ủy quyền hợp pháp của mình phải hiện diện trực tiếp tại địa điểm hoặc trụ sở tòa án, trong khuôn khổ phiên tố tụng hành chính, dân sự.
Ngoài ra, theo các quy định về việc giao nộp, tiếp cận chứng cứ thì sau khi kết thúc, việc ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản (Điều 211.4, BLTTDS 2015) đòi hỏi các bên tiến hành trực tiếp. Một khi các phiên họp và phiên xử được tiến hành theo hình thức trực tuyến thì các yêu cầu trên sẽ khó khả thi.
Đối với trọng tài thương mại Việt Nam, Luật Trọng tài Thương mại 2010 (TTTM) có cách thức tiếp cận linh hoạt hơn về cách thức tổ chức phiên họp trọng tài. Điều 54.1 của Luật TTTM quy định trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài không có quy định khác, thời gian và địa điểm mở phiên họp do HĐTT quyết định.
Điều 22.2 Quy tắc của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho phép HĐTT có thể tiến hành các phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại bất kỳ nơi nào mà HĐTT cho là phù hợp, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. HĐTT có thể tổ chức các cuộc họp bằng hình thức và tại bất kỳ nơi nào mà HĐTT cho là phù hợp.
Pháp luật về trọng tài của Việt Nam theo đó đã có khung pháp lý linh hoạt và thuận lợi hơn cho việc thực hiện giải quyết tranh chấp qua các phiên họp trực tuyến so với quy chế tố tụng tại tòa án.
Thực tiễn triển khai phiên xử trực tuyến ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam đang từng bước thực hiện mô hình “Tòa án điện tử” theo Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mới đây, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) đã có Chỉ thị số 02/2020/CT-TA ngày 10/3/2020 về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống tòa án. Chỉ thị yêu cầu hạn chế các thành phần tham gia, mặc dù trên nguyên tắc các phiên xét xử là công khai. Đồng thời, TANDTC chỉ thị tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện (kỹ thuật).
TANDTC cũng ban hành Công văn số 127/TANDTC/VP về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 16-4-2020 chỉ đạo rằng hạn chế việc tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một khán phòng. Yêu cầu bố trí phòng xét xử trực tuyến để bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa người với người.
Tháng 4-2020, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp đưa ra xét xử một phiên tố tụng hình sự dưới hình thức phiên xử trực tuyến.
Tính đến nay, hãn hữu mới có vụ án hình sự được đưa ra xét xử theo phương thức trực tuyến. Các phiên tòa dân sự, hành chính, hay các phiên họp trọng tài, hòa giải thương mại Việt Nam vẫn theo cách hiện diện truyền thống.
Cá biệt, hình thức trực tuyến ở Việt Nam tại VIAC đã có thực hiện trước đây, tuy nhiên chưa phổ biến, và vẫn cần sự đồng thuận của các bên cho từng sự việc cụ thể.
Giải pháp cho việc triển khai phiên xử trực tuyến
Mặc dù Việt Nam đã bắt đầu thừa nhận và tạo cơ chế cho phương thức xét xử trực tuyến, song, thực tiễn cho thấy việc triển khai thực hiện xét xử theo phương thức này vẫn còn khó triển khai do thiếu khung pháp lý và hướng dẫn chi tiết.
Thực tế cho thấy cách thức xét xử trực tuyến còn gặp khó khăn trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng và bảo đảm kết nối. Các bên liên quan ít nhiều bị hạn chế trình bày các lập luận, ý kiến của mình cũng như khả năng tương tác với nhau trong phiên xử.
Vì vậy, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về tính hiệu quả của phiên xử trực tuyến. Mặc dù lợi ích của phiên xử trực tuyến là khá rõ ràng như tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển, tuy vậy phiên xử trực tuyến dường như chưa thể thay thế cho phiên xử truyền thống.
Đơn cử, Viện Trọng tài Quốc tế Anh Quốc (CIArb) cũng cho rằng việc xem xét các chứng cứ thông qua hình thức trực tuyến có thể sẽ không đem lại hiệu quả như trong các phiên xử khi mà các bên đều có mặt tại phòng xử.
Với thực tế trên, vấn đề cốt yếu cần thực hiện nhằm phổ biến mô hình phiên xử trực tuyến có lẽ là việc hoàn thiện khung pháp lý, luật hóa các trình tự, thủ tục cũng cách thức triển khai cụ thể đối với mô hình này.
Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài nếu chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử đó có độ tin cậy tương đương với độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử cũng được ông nhận theo quy định của pháp luật. Pháp luật Việt Nam hiện cũng công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử (E-signature) với điều kiện phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu, và phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.
Tuy nhiên, việc xác định mức độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các yếu tố có liên quan khác (Điều 24, Điều 26, Luật Giao dịch Điện tử 2005). Theo đó, TANDTC vẫn cần hướng dẫn chi tiết hơn việc triển khai áp dụng chữ ký điện tử trong quá trình tố tụng cũng như việc thiết lập, giao nhận các văn bản tố tụng.
Một vấn đề thiết yếu khác quyết định các phiên tố tụng trực tuyến thành công là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ - kỹ thuật. Việc nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, thiết bị, kỹ thuật cho các phiên xử để đảm bảo việc truyền tải thông suốt nội dung dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, chất lượng tương tác trong quá trình phiên họp diễn ra là yêu cầu tiên quyết đối với mô hình này.
Trọng tài viên, thẩm phán, luật sư và các đương đơn cũng phải thích nghi với công nghệ trực tuyến, bởi các kỹ năng, thao tác của mỗi bên tham gia tố tụng trong phiên xử trực tuyến sẽ có khác biệt với một phiên xử truyền thống.
Ngoại trừ hệ thống cơ quan tư pháp tòa án, vẫn cần lộ trình dài hơn để chuyển đổi phổ biến các phiên xử trực tuyến bao gồm tố tụng hành chính, dân sự và đặc biệt là hình sự, trọng tài thương mại Việt Nam có thể linh hoạt hơn trong việc tiếp cận kinh nghiệm triển khai phiên xử trực tuyến của các trung tâm trọng tài uy tín quốc tế.
TS. Châu Huy Quang là luật sư thành viên của hãng luật R&T LCT Lawyers,
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)