Luật Trọng tài thương mại 2010 – luật tố tụng điều chỉnh các thủ tục trọng tài có địa điểm trọng tài tại Việt Nam
Khi địa điểm trọng tài[1] của một vụ trọng tài được xác định là Việt Nam, thì Luật trọng tài thương mại 2010 sẽ điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài[2], nên cũng có thể coi là luật hình thức tương tự như vai trò của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 điều chỉnh trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án[3]. Nếu so sánh bố cục nội dung của 2 luật này có thể nhận thấy cả Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng như Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đều có những quy định về Nguyên tắc, Thẩm quyền, Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quá trình tố tụng, Trình tự, thủ tục khởi kiện, Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Phiên xử và kết quả của quá trình tố tụng là bản án, quyết định của tòa án hay phán quyết và quyết định trọng tài và việc thi hành, vv. Mặc dù có nhiều nội dung giống nhau nhưng giữa Luật trọng tài thương mại 2010 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng có nhiều điểm khác biệt quan trọng thể hiện những đặc trưng của các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau. Luật trọng tài thương mại 2010 vốn chịu ảnh hưởng lớn từ các điều ước quốc tế mà cụ thể nhất là Công ước New York 1958 về việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài mà Việt nam là một quốc gia thành viên từ 25 năm nay[4]. Một văn bản pháp lý quốc tế khác cũng ảnh hướng lớn đến Luật trọng tài thương mại 2010 là Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) sửa đổi năm 2006 mà Việt nam mới trở thành thành viên chính thức từ ngày 18/12/2018 được Ban soạn thảo Luật trọng tài thương mại của Hội Luật gia Việt nam tham khảo rộng rãi trong quá trình soạn thảo luật này. Ngoài ra cụm từ “Nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không quy định khác” được sử dụng khá thường xuyên[5] thể hiện một nguyên tắc rất cơ bản trong trọng tài quốc tế là nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên tranh chấp (Party Autonomy) như quy định tại khoản 1, điều 4 của Luật trọng tài thương mại 2010[6]. Phán quyết trọng tài là chung thẩm như quy định tại khoản 5, điều 4 cũng là một nguyên tắc cơ bản khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nên Luật trọng tài thương mại không có các quy định về nhiều cấp xét xử khác nhau như trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong Luật trọng tài thương mại 2010 không có những quy định chi tiết về tính độc lập và khách quan của Trọng tài viên[7], cách hành xử của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Chứng cứ và Nguồn chứng cứ, vv. như trong Bộ luật tố tụng dân sự. Những vấn đề không được quy định tại Luật trọng tài thương mại 2010 sẽ được điều chỉnh trước hết bởi (i) quy tắc tố tụng của tổ chức trọng tài (ví dụ ICC, SIAC, HKIAC hay VIAC), (ii) thỏa thuận trọng tài của các bên tranh chấp và (iii) thông lệ tốt nhất trong Trọng tài quốc tế do các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp (ví dụ như IBA hay ICCA) hay các tổ chức trọng tài hệ thống hóa và ban hành thường được gọi là luật mềm (hay softlaw) để phân biệt với luật trọng tài quốc gia.
Nguồn luật bổ sung cho tố tụng trọng tài quốc tế: từ các thông lệ tốt nhất
Trong các thông lệ tốt nhất trong Trọng tài quốc tế (softlaw) thì phổ biến nhất là Quy tắc của IBA[8] về thu thập và đánh giá chứng cứ trong Trọng tài quốc tế 2010 (Quy tắc chứng cứ), Hướng dẫn của IBA về xung đột lợi ích trong Trọng tài quốc tế 2014 (Hướng dẫn về xung đột lợi ích) và Hướng dẫn của IBA về Đại diện của các bên trong Trọng tài quốc tế 2013 (Hướng dẫn về đại điện của các bên) sau đây gọi chung là Các Quy tắc và Hướng dẫn của IBA. Tháng 6 năm 2015 Ủy ban trọng tài của IBA đã thực hiện một khảo sát trên toàn cầu về việc sử dụng Các Quy tắc và Hướng dẫn của IBA trong Trọng tài. Kết quả khảo sát xác nhận rằng Các Quy tắc và Hướng dẫn của IBA được sử dụng rộng rãi trong Trọng tài quốc tế trong đó Quy tắc chứng cứ được sử dụng nhiều nhất, chiếm tới 57% số vụ việc trọng tài được báo cáo trong Khảo sát. Hướng dẫn về xung đột lợi ích xếp thứ hai với 48% số vụ việc trọng tài của Bị đơn. Trái lại Hướng dẫn về đại diện của các bên chưa được phổ biến với 16% số vụ việc trọng tài được biết đến trong Khảo sát[9].
Tại một cuộc khảo sát khác trước đó về việc sử dụng softlaw trong Trọng tài quốc tế được tổ chức bởi Kluwer Arbitration Blog từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2014 cũng cho thấy Quy tắc chứng cứ của IBA được sử dụng nhiều nhất, sau đó là Hướng dẫn về xung đột lợi ích của IBA. Tiếp theo là Hướng dẫn về đại điện của các bên của IBA, Các nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT và Lex Mercatoria. Ngoài ra các hướng dẫn và quy trình của Viện trọng tài Anh (CIArb) cũng được đề cập đến trong khảo sát này[10].
Do những softlaw này không phải là các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi các quốc gia có chủ quyền như Luật trọng tài thương mại 2010 nên đều có đặc trưng chung là không có giá trị pháp lý ràng buộc mà chỉ có ý nghĩa tham khảo. Tuy nhiên softlaw sẽ có giá trị pháp lý ràng buộc các bên tranh chấp và Hội đồng trọng tài trong từng vụ việc cụ thể nếu các bên tranh chấp thỏa thuận áp dụng các softlaw này hoặc trong trường hợp các bên tranh chấp không có thỏa thuận thì Hội đồng trọng tài tùy theo quy định bắt buộc[11] của Luật tố tụng trọng tài hoặc Quy tắc trọng tài được áp dụng cho phép Hội đồng trọng tài được quyền áp dụng trực tiếp hoặc tham khảo một hoặc nhiều softlaw cụ thể trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong mọi trường hợp thì việc áp dụng các softlaw này không được trái với các quy định bắt buộc của Luật tố tụng trọng tài, Quy tắc trọng tài và thỏa thuận của các bên tranh chấp mà mang ý nghĩa tương tự như là một “nguồn luật” bổ sung cho Hội đồng trọng tài.
Mặc dù softlaw của IBA đã được giới thiệu tại Việt nam trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi Nhóm Trọng tài khu vực châu Á Thái Bình Dương của IBA (APAC) tại Hà nội ngày 4/11/2017 có nhan đề IBA APAG International Arbitration Training Day: Introduction of the IBA Soft Laws nhưng việc áp dụng trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt nam (VIAC) đã sáng tạo đưa các nội dung của Hướng dẫn về xung đột lợi ích vào trong biểu mẫu sửa đổi 2018 Bản tuyên bố của Trọng tài viên như là thủ tục bắt buộc khi chỉ định các trọng tài viên trong các vụ kiện của VIAC. Trong một số vụ kiện trọng tài tại VIAC mà tác giả được chứng kiến thì Hướng dẫn về xung đột lợi ích của IBA đã được các bên tranh chấp sử dụng để ủng hộ cho lập luận của mình về tính độc lập và khách quan của Trọng tài viên hay Quy tắc chứng cứ của IBA cũng được đề cập đến khi lập luận về chứng cứ. Việc áp dụng softlaw cũng dẫn đến những rủi ro pháp lý nhất định cho Hội đồng trọng tài và các bên tranh chấp, ví dụ, trong một vụ việc gần đây, Tòa án đã diễn giải việc HĐTT tham khảo Quy tắc chứng cứ của IBA khi xem xét, đánh giá các chứng cứ cụ thể trong trường hợp một bên vắng mặt và nhân chứng của họ không thể tham dự phiên họp kiểm tra chứng cứ đã vi phạm quy định tại điều 56, khoản 2 của Luật trọng tài thương mại 2010 như phân tích trong bài viết “Khả năng thi hành phán quyết trọng tài ở Việt nam – Thực trạng đáng báo động[1]” liên quan đến Quyết định số 11/2019/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân thành phố Hà nội ban hành ngày 14/11/2019./.
[1] Seat/place of arbitration
[2] Điều 1 quy định phạm vi điều chỉnh của Luật trọng tài thương mại: Luật này quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài.
[3] Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng dân sự: Bộ luật tố tụng dân sự quy định……..trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Tòa án…..
[4] Việt nam đã phê chuẩn Công ước New York 1958 vào ngày 12/09/1995 và có hiệu lực từ ngày 11/12/1995: https://uncitral.un.org/en/texts/arbitration/conventions/foreign_arbitral_awards/status2
[5] Tại các điều 7, 9, 10, 11, 12, 14, 31, 32, 34, 35, 38, 39, 40, 4154, 55, 58 và 63.
[6] Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
[7] Điều 4, khoản 2 của Luật trọng tài thương mại 2010: Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
[8] IBA là tên viết tắt tiếng Anh của International Bar Association – Hiệp hội luật sư quốc tế là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới luật sư toan cầu được thành lập năm 1947 bao gồm 80.000 thành viên cá nhân là luật sư từ hầu hết các hang luật hang đầu trên thế giới và 190 đoàn luật sư đến từ 170 nước khác nhau: https://www.ibanet.org/About_the_IBA/About_the_IBA.aspx
[9] Trích Báo cáo về việc tiếp nhận các sản phẩm softlaw về Trọng tài của IBA đề ngày 16/09/2016 tại mục 269.
[10] Xem thông tin chi tiết tại: http://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2014/06/06/results-of-the-survey-on-the-use-of-soft-law-instruments-in-international-arbitration/?doing_wp_cron=1590372304.6038091182708740234375
[11] Mandatory rules of applicable law on arbitration.
[1] Nguyen Ngoc Minh, Nguyen Thi Thu Trang, Nguyen Thi Mai Anh, Enforceability of arbitral awards in Vietnam – alarming practice, in The Asia-Pacific Arbitration Review 2021, Law Business Research, 2020
LS. Nguyễn Mạnh Dũng
Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam
Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)