...

Ứng phó với dịch COVID-19: Tránh "bỏ trứng vào một giỏ"

03 Tháng 3, 2020

Theo ông Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), dịch bệnh COVID-19 gây ra có ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế; trong đó, những ngành chịu tác động nhiều nhất là du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 cũng gây thiệt hại rất lớn đến giao lưu thương mại khi hàng nghìn xe hàng hóa đang xếp hàng đợi thông quan tại các cửa khẩu biên giới. Nhưng ngược lại cũng có những doanh nghiệp đang chiếm ưu thế trong dịch bệnh lần này, đơn cử như doanh nghiệp về y tế hay doanh nghiệp về hoạt động trực tuyến.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, Trọng tài viên VIAC, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp vận dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử... đã cho thấy những hướng đi bền vững cho tương lai. Hay một số doanh nghiệp Việt có sáng kiến bánh mỳ thanh long, bánh mỳ dưa hấu, nhân sầu riêng... là tín hiệu tích cực đã góp phần trợ giúp kịp thời và nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt Nam, nhất là những mặt hàng nông sản, thực phẩm. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay, hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, do đó doanh nghiệp nên nắm vững những nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, phân tích SWOT (cơ hội-thách thức). Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiên cứu thị trường EU để tận dụng cơ hội tham gia chuỗi giá trị, tiến tới hợp tác dài hạn ổn định với những quốc gia trong khu vực này.

Điển hình, EVFTA mang lại cơ hội lớn đối với nhóm nông sản, lâm sản, thủy sản nhiệt đới Việt Nam như gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, cao su, tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ... do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên.

Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, ngành nông nghiệp Việt Nam phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu.

Báo cáo nhanh của một số Sở Công Thương thuộc khu vực phía Nam cho thấy, sau thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình hình thị trường có nhiều biến động, hết sức khó khăn, nhất là nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh không tiêu thụ được qua cửa khẩu Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phải đẩy mạnh chương trình kết nối Tp. Hồ Chí Minh trong chương trình hợp tác thương mại để đảm bảo nguồn cung hàng hóa; hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm...

Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu quan trọng của ngành công thương là làm thế nào tác động để cơ cấu kinh tế chuyển đổi quy mô lớn, đóng góp cho tăng trưởng nhiều hơn. Cùng với đó, ngành công thương cần tăng cường hội nhập, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng, đặc biệt là những thành phần kinh tế vừa và nhỏ, hộ cá thể.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo mạng lưới chợ truyền thống, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị... lưu ý theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh, không được chủ quan. Đồng thời, Sở có báo cáo gấp cho UBND thành phố về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, giảm thuế cho hộ cá thể; hỗ trợ vốn... để UBND thành phố có văn bản kiến nghị Chính phủ về vấn đề này.

"Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu sụt giảm nên việc tăng cường kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có những chương trình hành động cụ thể. Muốn có những giải pháp hiệu quả, ngành công thương thành phố phải đánh giá được những con số thiệt hại", ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Trong năm 2020, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,6% so với năm 2019; trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Ngành này cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,5%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước tăng 9,5%.

Để hoàn thành được các mục tiêu trong năm nay, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, Sở đã và đang tập trung tiếp cận, đối thoại với doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, cũng như làm việc với các ngành liên quan như Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Điện lực... Qua đó, Sở Công Thương sẽ có giải pháp phù hợp trong tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu... gặp nhiều thách thức do tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Phạm Thành Kiên, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm thành phố, Sở Công thương các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch xúc tiến, phát triển thị trường xuất khẩu cho những mặt hàng nông sản, thực phẩm; trong đó, các đơn vị sẽ chú trọng giải pháp nâng cao và đồng bộ chất lượng nông sản, thực phẩm.

Cụ thể, sở, ngành sẽ đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.../.

Theo Mỹ Phương/TTXVN, đăng trên Báo điện tử Bnews, ngày 28-02-2020

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI