Trước đại dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã được chấp nhận trong trọng tài quốc tế và bắt đầu xâm nhập vào các khía cạnh khác nhau của quy trình tố tụng trọng tài, ví dụ như triển khai nộp đơn khởi kiện/tài liệu/chứng cứ trực tuyến, tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp trực tuyến hay xây dựng và vận hành hệ thống quản trị vụ việc. Tại một số quốc gia như Singapore và Trung Quốc, mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) đã được đưa vào áp dụng, nhằm kết hợp hiệu quả các ưu điểm của công nghệ kỹ thuật số vào quy trình truyền thống. Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu hậu quả từ Covid-19, các quốc gia vẫn đang đóng cửa biên giới và thực hiện cách ly nghiêm ngặt, việc ứng dụng một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp trực tuyến ngày một tiệm cận và đáp ứng nhu cầu thiết thực của các bên tranh chấp. Có thể thấy, cả người dùng trọng tài/hòa giải và các tổ chức giải quyết tranh chấp tư đang cùng nhau tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để vừa tiến hành hiệu quả quy trình tố tụng trực tuyến vừa đảm bảo tính bảo mật và quyền tiếp cận thông tin kịp thời của các bên. Song, thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nói trên đang dần phổ biến, thậm chí các nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ cho quy trình này cũng ngày càng chuyên nghiệp.
Như vậy, dù các chuyên gia vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề về tiềm năng phát triển cũng như các nguy cơ mà trọng tài quốc tế phải đối mặt trong giai đoạn “Bình thường mới”, thì dường như có một điều chắc chắn rằng trọng tài quốc tế hay thương mại quốc tế nói chung vĩnh viễn bị thay đổi bởi tác động từ đại dịch. Có lẽ, cách duy nhất để các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) có thể vươn lên và thích ứng với bối cảnh pháp lý hậu Covid-19 là nhanh chóng nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu bức thiết về việc giải quyết tranh chấp trực tuyến, từ đó định hình rõ hướng phát triển trong tương lai gần là tối ưu việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào trọng tài quốc tế.
Tiếp nối thành công của các sự kiện trước đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC phối hợp tổ chức sự kiện thường niên năm 2020 với chủ đề “TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRONG GIAI ĐOẠN BÌNH THƯỜNG MỚI - MỘT SỐ KỲ VỌNG VÀ LƯU Ý TỪ THỰC TIỄN”, trong đó các chuyên gia sẽ cùng thảo luận về việc ứng dụng và các lưu ý quan trọng cho các bên trong việc tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến. Thông tin cụ thể như sau:
Đơn vị tổ chức:
Diễn giả:
Bà Summer Wei | Thành viên Cấp cao, Landing Law Office tại Việt Nam;
Ông Phan Trọng Đạt | Phó Tổng Thư ký tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) - thuộc VIAC;
Ông Nguyễn Trung Nam (Tony Nguyễn) | Phó Giám đốc VMC, Trọng tài viên kiêm Thành viên Hội đồng Khoa học VIAC, Luật sư sáng lập EP Legal;
Bà Chiann Bao | Trọng tài viên độc lập tại Arbitration Chambers, Phó Chủ tịch Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC (Hồng Kông);
Ông Nguyễn Mạnh Dzũng | Trọng tài viên VIAC, Luật sư điều hành của Dzungsrt & Associates, Thành viên Tòa Trọng tài Quốc tế ICC;
Ông Đặng Xuân Hợp | Chủ tịch HopDang’s Chamber, Trọng tài viên VIAC;
Ông Kevin Kim | Luật sư Thành viên, Peter & Kim Attorneys-at-Law (Seoul, Hàn Quốc).