Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định, nếu phát huy được năng lực của doanh nghiệp nội địa cũng như nguồn lực trong nước thì sẽ đạt được phát triển bền vững và lâu dài hơn.
- Với những diễn biến vĩ mô như hiện tại, ông đánh giá như thế nào về tình hình tăng trưởng 2025?
Trọng tài viên Phan Đức Hiếu: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 sẽ tích cực hơn so với năm 2024. Điều tích cực sẽ đến từ các thay đổi trong nước tuy nhiên để có được tích cực đó chúng ta phải có những thay đổi về mặt tư duy, cải cách thể chế, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Vậy, sự thay đổi tích cực đó dựa trên những yếu tố như thế nào, thưa ông?
Trọng tài viên Phan Đức Hiếu:
Đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam và thế giới ít nhất sẽ giữ được đà tăng trưởng như hiện tại thậm chí là tăng trưởng hơn.
Thứ hai, cũng theo nhiều tổ chức quốc tế, cơ hội và thách thức của nền kinh tế năm 2025 là cân bằng. Do đó, kết quả tích cực hay không phụ thuộc vào chữ “nếu”.
Song, tôi cũng kỳ vọng rằng, điều tích cực sẽ đến từ các thay đổi trong nước. Cụ thể là những thay đổi về mặt tư duy, cải cách thể chế, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
Ngoài những cơ hội truyền thống, nếu việc cải cách thể chế được thực hiện đúng như những định hướng hiện nay và thành công sẽ có 2 tác động lớn. Một là tạo ra thêm cơ hội mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sẽ tạo thêm động lực cho những cơ hội mà chúng ta đã có sẵn, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng là 8% và hướng tới tăng trưởng hai con số trong điều kiện thuận lợi. Nhiều ý kiến cho rằng trong khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng như trên là một thách thứcthức. Ông có nghĩ như vậy không?
Trọng tài viên Phan Đức Hiếu:
Về phía tôi, tôi lại rất nhất trí với mục tiêu, quyết tâm, nỗ lực và cách làm mới của Chính phủ đối với năm 2025. Và điều này đã được thể hiện rất rõ, không còn là định hướng mà đã biến thành hành động.
Từ những chủ trương, chính sách đã được ghi nhận như Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 hay Nghị quyết Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có thể thấy rõ rằng, giải pháp được ưu tiên hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng thay vì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô như năm 2023.
Những thông điệp mà Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ thường nêu rõ tại các hội nghị thậm chí đã không còn dùng từ “ưu tiên” nữa mà thay bằng từ “tăng tốc, bứt phá”. Điều này thể hiện quyết tâm thực tế còn lớn hơn nhiều so với những gì được nêu ra tại các chủ trương, chính sách.
Thứ hai, các giải pháp đưa ra năm nay có hai điểm mới. Một là trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã chuyển nhóm giải pháp về cải cách thể chế từ nhóm giải pháp thứ hai lên nhóm giải pháp thứ nhất. Đồng thời, chuyển nguyên tắc điều hành kinh tế thành nhóm giải pháp thứ hai, điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong cải cách thể chế.
Cải cách thể chế cũng có rất nhiều điểm mới rất sát với doanh nghiệp, chẳng hạn như việc dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và thúc đẩy nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Nếu thành hiện thực, những rủi ro trong kinh doanh sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều, tăng thêm sự yên tâm, tin cậy trong việc đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, cải cách thể chế còn nhấn mạnh rất nhiều đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những dự án, công trình, hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp khó. Cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ những dự án đầu tư mới. Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh.
Tất cả những điều này không còn là định hướng trên văn bản mà đã được hiện thực hóa bằng rất nhiều những hành động trong thời gian vừa qua. Đơn cử, tại kỳ họp thứ VIII, lần đầu tiên có tới 8 dự thảo luật và nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong 1 kỳ họp.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ đã mạnh dạn trình Quốc hội đồng ý cho một số luật có hiệu lực sớm hơn dự kiến 5 tháng. Hơn nữa, một số dự án luật theo tôi là rất đột phá, táo bạo. Cụ thể là dự án một luật sửa nhiều luật, trong đó đưa ra những quy định về quy trình đầu tư chưa từng có tiền lệ, quy trình đầu tư đặc biệt theo Luật Đầu tư.
Theo đó, quy trình này áp dụng hoàn toàn nguyên tắc hậu kiểm, tức doanh nghiệp đăng ký chấp thuận chủ trương đầu tư và tiến hành triển khai, sau đó tuân thủ các yêu cầu pháp luật đề ra.
Nếu “chuyển động” này thực chất hơn, quyết tâm hơn và tiếp tục duy trì cùng với đà phát triển năm 2025, tôi tin tưởng rằng, điều này không chỉ tạo thêm nhiều cơ hội mới mà còn gia tăng khả năng chớp cơ hội cho doanh nghiệp.
Cụm từ “tăng trưởng tích cực” của năm 2025 vẫn kèm theo chữ “nếu”. Thậm chí là còn tốt hơn nếu chúng ta làm tốt hơn một số việc.
- Nhưng, ông có nói, tăng trưởng sẽ tích cực nhưng vẫn đi kèm chữ “nếu”. Vậy chữ nếu này được hiểu ra sao, thưa ông?
Trọng tài viên Phan Đức Hiếu:
Xét trên mặt bằng chung, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối diện với một số khó khăn không dễ giải quyết. Ví dụ như khó khăn về thị trường, khó hơn nữa là tính cạnh tranh quốc tế. Sự phát triển của thương mại điện tử kéo theo sự gia tăng của các phương thức bán hàng, kinh doanh thương mại xuyên biên giới đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa về nhiều mặt.
Bên cạnh đó là khó khăn trong tiếp cận vốn, nguồn nhân lực, công nghệ đều là những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt trong năm nay. Song, từ góc độ quản lý của Chính phủ, mặc dù rất nỗ lực nhưng nhiều khi cũng khó có thể đưa ra được giải pháp mang tính toàn diện, công bằng và hợp lý.
Như vậy, ngoài vai trò của Chính phủ và các cơ quan liên quan, tôi mong muốn rằng, chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội. Chỉ có hiệp hội mới có thể làm tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng với đó là phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong giải quyết vấn đề này. Bởi theo tôi, họ chính là cầu nối kinh doanh thương mại với thị trường quốc tế, việc mà bản thân doanh nghiệp nhỏ khó có thể làm được.
Đây là những thách thức chúng ta cần phải nhận diện và giải quyết. Nếu không giải quyết kịp thời, doanh nghiệp sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh, thị trường bị “xâm chiếmthời gian dài, càng tạo thêm những vướng mắc cho doanh nghiệp.
- Nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vậy chúng ta cần, hỗ trợ, hậu thuẫn cho doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Trọng tài viên Phan Đức Hiếu:
Theo tôi, nếu chúng ta phát huy được năng lực của doanh nghiệp nội địa cũng như nguồn lực trong nước thì sự phát triển sẽ bền vững và lâu dài hơn, điều quan trọng nhất là tạo ra “người của chúng ta”. Về chủ trương, không phải chúng ta không có. Bởi để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường thì vấn đề này đã được bàn đến rất nhiều. Vấn đề ở đây không chỉ là tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi về mặt thủ tục mà còn phải tạo điều kiện để phát huy được nội lực của doanh nghiệp trong nước để tham gia vào nhiều công trình lớn hơn. Đặc biệt, chúng ta phải có niềm tin vào chính sách vào tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn ông!