...

[HICAC2025] VIAC triển khai Tọa đàm "Xu hướng mới và khuyến nghị giải quyết tranh chấp xây dựng hiệu quả: Thực tiễn tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam"

28 Tháng 4, 2025
Chiều ngày 11/4/2025, tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, chương trình Tọa đàm ”Xu hướng mới và khuyến nghị giải quyết tranh chấp xây dựng hiệu quả: Thực tiễn tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam” nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Hội thảo Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2025 (HICAC 2025) đã diễn ra với sự tham dự của nhiều luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và trọng tài quốc tế. 
 
 
LS. Lương Văn Lý - Cố vấn cao cấp Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers, Trọng tài viên VIAC
 
Tại Tọa đàm, từ các nghiên cứu và kinh nghiệm xét xử nhiều năm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, LS. Lương Văn Lý - Cố vấn cao cấp Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers, Trọng tài viên VIAC nhận định, tranh chấp xây dựng phát sinh từ một số nguyên nhân phổ biến như vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chậm trễ kéo dài dẫn đến phát sinh chi phí và thiệt hại cho nhà thầu hoặc chủ đầu tư, nhà thầu thiếu năng lực chuyên môn, chất lượng công trình không đúng theo thỏa thuận, sự không phân định rõ về trách nhiệm của các bên liên quan…Để làm rõ hơn, diễn giả cũng phân tích một số trường hợp điển hình dẫn đến phát sinh tranh chấp. Theo đó, việc cấu trúc và quản trị hợp đồng được đánh giá là một trong những yếu tố cốt lõi của dự án xây dựng, tuy nhiên, có thể thấy, cách cấu trúc hợp đồng của doanh nghiệp còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa phân định rõ vai trò của từng chủ thể dẫn đến rủi ro trong quá trình triển khai, dễ phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, diễn giả cũng chỉ ra rằng, các thủ tục nhằm hỗ trợ phát hiện sớm các yếu tố tranh chấp như thông báo, cảnh báo sớm, giới hạn thời gian và các hạn chót, các cuộc họp, báo cáo định kỳ…cũng không được tuân thủ chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc tranh chấp không được phòng ngừa hiệu quả, các bên không dự liệu được các tình huống phát sinh để xử lý kịp thời.
 
Khâu lựa chọn dự án và hợp đồng cũng là một trong những yếu tố được LS. Lương Văn Lý phân tích khi chia sẻ về nguyên nhân tranh chấp xây dựng. Cụ thể, diễn giả cho rằng tranh chấp phát sinh là do các bên chưa đánh giá đầy đủ hồ sơ mời thầu, chưa có sự phân bổ rủi ro một cách công bằng và hợp lý, cũng như thiếu quy định rõ ràng về biện pháp xử lý trong trường hợp vi phạm hợp đồng hoặc xảy ra các tình huống bất khả kháng. Không những vậy, theo chuyên gia, nhiều hợp đồng xây dựng hiện nay không tích hợp hoặc bỏ qua cơ chế giải quyết tranh chấp tiền trọng tài như Ban phân xử tranh chấp (DAB/DAAB). Việc không có sự phối hợp hiệu quả với các thành viên DAB/DAAB khiến cho tranh chấp bị trở nên nghiêm trọng hơn, thay vì được kiểm soát ngay từ giai đoạn đầu thông qua thương lượng hoặc một bên trung gian. Riêng đối với các đơn vị sử dụng vốn nhà nước, ông Lý lưu ý đến việc tuân thủ nghiêm thời hạn hợp đồng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo, cảnh báo, cũng như tăng cường trao đổi, phối hợp giữa kỹ sư giám sát và các bên liên quan. Việc bổ nhiệm kỹ sư giám sát và đại diện chủ đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch, cùng với việc cho phép kỹ sư thực hiện đầy đủ quyền hạn theo hợp đồng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tiến độ và hiệu quả dự án. Trong nhiều trường hợp, giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng có thể tiết kiệm chi phí và thời gian hơn so với trọng tài hoặc kiện tụng.
 
 
Bà Vũ Thị Hằng - Phó Trưởng Ban Thư ký VIAC
 
Tiếp nối trao đổi của LS. Lương Văn Lý, bà Vũ Thị Hằng - Phó Trưởng Ban Thư ký VIAC cũng có các trao đổi về xu hướng tranh chấp xây dựng và hoạt động giải quyết tranh chấp tại VIAC. Theo đó, bà Hằng nhận định tranh chấp xây dựng được thụ lý và giải quyết tại VIAC có xu hướng tăng qua các năm với giá trị lớn, tính chất phức tạp, nhiều bên tham gia, không những vậy, nhiều vụ tranh chấp còn có yếu tố nước ngoài. Từ thực trạng này, quy trình giải quyết tại trọng tài đòi hỏi phải ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với nhu cầu và xu hướng chung của thị trường trọng tài quốc tế. Với kinh nghiệm điều phối các vụ tranh chấp trong nhiều năm, diễn giả cũng chia sẻ nhiều tình huống và có các lưu ý cho đại biểu tham dự ở từng giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp xây dựng. Diễn giả đánh giá tranh chấp xây dựng là một trong số những loại tranh chấp phức tạp nhất, do đó, các bên cần có sự chuẩn bị kỹ càng về các đệ trình, chứng cứ đồng thời cân nhắc áp dụng các công cụ quản lý vụ tranh chấp để thúc đẩy tiến trình giải quyết nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cho quá trình tố tụng trọng tài. Bên cạnh phương thức trọng tài, bà Hằng cũng khuyến nghị các bên có thể xem xét lựa chọn hòa giải để giải quyết tranh chấp xây dựng vì những ưu điểm về sự thân thiện, tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Cuối phần trao đổi, bà Hằng cũng có những giới thiệu sơ bộ về giải pháp giải quyết tranh chấp trọng tài trực tuyến của VIAC – VIAC Ecase. Theo bà Hằng, VIAC Ecase sẽ là công cụ hữu ích cho phép các bên giải quyết tranh chấp một cách thuận lợi, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và giúp giảm tải áp lực trong việc lưu trữ, tra cứu thông tin cho Hội đồng Trọng tài cũng như tổ chức trọng tài. Nền tảng này cũng cho thấy được sự thích nghi mạnh mẽ của VIAC nói riêng và hoạt động trọng tài nói chung trong bối cảnh số hóa toàn cầu.
 
 
Kết thúc nội dung chia sẻ, các diễn giả từ phía VIAC và đại biểu tham dự đã có phần thảo luận sôi nổi. Với sự tham gia của các luật sư, doanh nghiệp, chuyên gia, Tọa đàm ghi nhận đa dạng ý kiến và trao đổi giá trị về thực tiễn, sự khác biệt trong quy định pháp luật, cách thức giải quyết tranh chấp xây dựng tại trọng tài ở các quốc gia khác nhau. Qua đó, nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực cũng được đưa ra, tạo tiền đề cho nhiều thảo luận sâu hơn trong thời gian tới, hướng tới việc ngày càng hoàn thiện hoạt động giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài.
 
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI