Chiều ngày 28 tháng 3 năm 2025, Hội thảo chuyên đề “Kiểm soát thời hạn giao nộp chứng cứ trong tố tụng trọng tài” đã được tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam ( VIAC) và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (UEL). Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia pháp lý, trọng tài viên, luật sư và giảng viên, sinh viên từ các cơ sở đào tạo luật, cùng quan tâm đến trọng tài nói riêng và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) nói chung.
TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM bày tỏ sự hoan nghênh đối với ý tưởng tổ chức hội thảo, đồng thời đánh giá cao nỗ lực phối hợp giữa UEL và VIAC trong việc thúc đẩy các hoạt động học thuật chuyên sâu về trọng tài và hòa giải. Ông Phúc chia sẻ, với kinh nghiệm đồng hành cùng VIAC trong suốt ba năm liên tiếp thông qua chuỗi sự kiện học thuật về Trọng tài – Hòa giải, ông ghi nhận một tín hiệu tích cực khi ngày càng nhiều sinh viên, học viên cao học tại UEL thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs). Xu hướng này được thể hiện rõ qua sự gia tăng đáng kể các đề tài khóa luận, luận văn, và nghiên cứu chuyên sâu xoay quanh lĩnh vực ADRs trong thời gian gần đây. Theo TS. Phúc, chính những hoạt động học thuật như chuỗi sự kiện AMS đã và đang đóng vai trò “gieo mầm” cho sự phát triển tư duy nghiên cứu và ứng dụng ADRs trong giới học thuật và thực tiễn pháp lý tại Việt Nam. Trên tinh thần đó, ông nhấn mạnh mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa UEL và VIAC, nhằm tạo dựng một diễn đàn học thuật bền vững, nơi các chuyên gia, học giả và người học có thể cùng trao đổi, nghiên cứu chuyên sâu về trọng tài thương mại nói riêng và ADRs nói chung, góp phần hoàn thiện cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.
LS. Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
LS. Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - đại diện phát biểu khai mạc Hội thảo. Ông Bắc cho biết, giao nộp và đánh giá chứng cứ tại trọng tài là một trong những hoạt động quan trọng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết, mà còn có thể ảnh hưởng đến kết quả vụ tranh chấp. Quan sát từ góc độ trung tâm trọng tài, ông Bắc cho biết, nhằm kiểm soát thời gian cung cấp chứng cứ, các Hội đồng Trọng tài, tổ chức trọng tài đã có sự nỗ lực lớn khi áp dụng nhiều công cụ quản lý tranh chấp, đồng thời đưa ra các hướng dẫn, chỉ thị cụ thể cho các bên. Mặc dù vậy, Luật Trọng tài Thương mại 2010 hiện nay lại đang trống vắng các quy định điều chỉnh chi tiết cũng như chế tài xử lý vi phạm. Điều này khiến tố tụng trọng tài phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý của từng Hội đồng Trọng tài và sự hợp tác và cách thức ứng xử của từng bên tranh chấp. Điều nàyvô tình tạo nên những cản trở khiến quá trình điều phối, quản lý thời gian cung cấp chứng cứ gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, ông Bắc cho rằng việc nâng cao hiệu quả kiểm soát thời hạn cung cấp chứng cứ không chỉ là vấn đề kỹ thuật tố tụng mà còn là một yêu cầu cấp thiết trong tiến trình hoàn thiện pháp luật trọng tài tại Việt Nam. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng, thông qua Hội thảo này, các chuyên gia sẽ đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại 2010 trong thời gian tới, nhằm nâng cao tính minh bạch, công bằng và hiệu lực thi hành của phán quyết trọng tài.
Bà Ủ Thị Bạch Yến - Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế , Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Nhằm cung cấp cái nhìn so sánh với việc cung cấp chứng cứ tại Tòa án, bà Ủ Thị Bạch Yến - Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế , Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - đã mở đầu Hội thảo với phần tham luận chủ để: “Giới hạn thời gian cung cấp chứng cứ: Thực tiễn và vần đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án”. Thông qua tham luận này, bà Yến chỉ ra việc đảm bảo thời hạn thu thập và cung cấp chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật là một thách thức lớn. Bởi, pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định riêng biệt về thời hạn cung cấp chứng cứ cho từng loại vụ án, mà chỉ có quy định chung duy nhất tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Bà Yến đã đưa ra các ví dụ cụ thể để minh họa rằng trên thực tế, Tòa án thường tự mình thu thập chứng cứ hoặc thực hiện thông qua các cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ hoặc cơ quan đang lưu giữ các tài liệu, chứng cứ này. Tuy nhiên, quá trình Tòa án thu thập chứng cứ thông ba bên thứ ba thường không thể được đảm bảo kịp thời một cách tuyệt đối, dẫn đến việc thời hạn thu thập và cung cấp chứng cứ thường kéo dài hơn so với thời gian đã ấn định. Tòa án thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định, liệu một cơ quan/tổ chức có thực sự lưu giữ chứng cứ hay không; việc cơ quan/tổ chức không cung cấp chứng cứ thường đi kèm với ký do chính đáng;... Để phần nào giải quyết tình trạng này, bà Yến đưa ra một số đề xuất giải pháp, gồm (i) Thẩm phán cần chủ động theo dõi tiến độ thu thập và/hoặc cung cấp chứng cứ và (ii) Nếu cần thiết, nguyên nhân chậm trễ phải được làm rõ. Từ đó, giữa Tòa án và cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ mới có thể cùng nhau tìm ra giải pháp bảo đảm cho việc cung cấp chứng cứ trong thời hạn sớm nhất có thể.
PGS.TS. Võ Trí Hảo - Chuyên gia Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, Trọng tài viên VIAC
Tiếp nối phần tham luận của bà Ủ Thị Bạch Yến với góc nhìn của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ , PGS.TS. Võ Trí Hảo - Chuyên gia Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, Trọng tài viên VIAC đã cung cấp thêm góc nhìn mới từ các Luật sư và Trọng tài viên trong việc quản lý và tiếp nhận chứng cứ thông qua tham luận: “Quản lý chứng cứ từ hai góc nhìn: Luật sư và Người phán xử”. Từ những nghiên cứu học thuật chuyên sâu của mình, Ông Hảo đã chỉ ra 03 nguyên tắc cơ bản định hình quy tắc nộp, sử dụng, đánh giá chứng cứ trong tố tụng và định hình chiến lược quản lý chứng cứ, bao gồm: (i) Tôn trọng sự thật khách quan; (ii) Xét xử nhanh chóng và kịp thời; và (iii) Bình an pháp luật. Theo PGS.TS. Hảo, ba nguyên tắc này cần phải được cân bằng hợp lý bởi thực thi pháp luật là tìm ra điểm cân bằng của những thái cực đối lập. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đại diện cho khách hàng, nhiều luật sư thường sử dụng các “chiến thuật” nhằm trì hoãn việc cung cấp chứng cứ hoặc gây áp lực cho luật sư đối thủ và Hội đồng trọng tài. Do đó, sự bảo đảm cân bằng các nguyên tắc trên cũng trở nên khó khăn. Để hạn chế tình trạng này, Hội đồng trọng tài buộc phải áp dụng các biện pháp, chế tài nhằm kiểm soát thời hạn tố tụng trọng tài.
TS. Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó Trưởng Khoa Luật, Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM trình bày trực tuyến
Để củng cố và bổ sung các quan điểm của PGS.TS Võ Trí Hảo, TS. Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó Trưởng Khoa Luật, Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM trình bày tại Hội thảo với tham luận: “Thời hạn cung cấp chứng cứ: Quan điểm và chế tài”. Ông thiện cho biết, Hội đồng trọng tài có nghĩa vụ xem xét mọi bằng chứng, chứng cứ do các bên cung cấp theo học thuyết “Giao nộp chứng cứ” (Document Production) - một học thuyết phổ biến trong tố tụng trọng tài, được thể hiện qua nguyên tắc “trình tự công bằng và hợp thức” (due process), gồm các nội dung: đối xử công bằng (equal treatment) và quyền được lắng nghe (right to be heard). Tuy nhiên, việc thực hiện quá trình “document procduction” của các Hội đồng trọng tài, trên thực tế, thường gặp nhiều trở ngại khi các bên tham gia không tự nguyện cung cấp chứng cứ, cố tình trì hoãn, che giấu chứng cứ hoặc thiếu các quy định pháp luật rõ ràng điều chỉnh thời hạn giao nộp chứng cứ. Xử lý tình trạng này, các Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một số chế tài như: suy đoán nghịch gây bất lợi cho bên không cung cấp chứng cứ (Adverse inferences) hoặc phân bổ chi phí tố tụng bất lợi cho bên không cung cấp chứng cứ (Cost allocations). Mặc dù vậy, ông Thiện nhấn mạnh rằng, giới hạn của việc áp dụng các chế tài này bao gồm (i) không được phạt tiền và (ii) không được áp dụng chế tài đối với Người đại diện/Luật sư của các bên.
LS. Nguyễn Thị Thanh Minh - Cố vấn cấp cao, Trưởng Bộ phận Giải quyết tranh chấp tại Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam
LS. Nguyễn Thị Thanh Minh - Cố vấn cấp cao, Trưởng Bộ phận Giải quyết tranh chấp tại Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam - đã trình bày tham luận có chủ đề: “Áp dụng chế tài nhằm kiểm soát thời gian giao nộp chứng cứ: Sự cần thiết và khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam”. Theo bà Minh, hiện nay còn tồn tại lỗ hổng pháp lý khiến cho nhiều vụ việc tố tụng trọng tài rơi vào bế tắc hoặc kéo dài quá lâu so với thời hạn ấn định, đến từ việc các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực trọng tài, cũng như các quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, chưa điều chỉnh hành vi của các bên trong quá trình tố tụng trọng tài. Khi các công cụ phổ biến như lịch biểu tố tụng hoặc các quyết định về thủ tục tố tụng không còn hiệu quả, HĐTT cần có những biện pháp mang tính “răn đe” hơn đối với bên vi phạm. Căn cứ kinh nghiệm quốc tế từ các quy tắc tố tụng trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tòa Trọng tài Quốc tế London (LCIA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), hay quy tắc UNCITRAL, một số chế tài có thể được áp dụng để bảo đảm hiệu quả thời gian giao nộp chứng bao gồm: (i) Gửi văn bản khiển trách hoặc cảnh cáo cho bên vi phạm; (ii) Quyết định phân bổ chi phí trọng tài bất lợi cho bên vi phạm; (iii) Hội đồng Trọng tài từ chối xem xét chứng cứ nộp trễ. Tổng kết từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, bà Minh đề xuất các kiến nghị chi tiết bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam và đề xuất đối với cả các Trung tâm trọng tài. Theo đó, bà Minh đề xuất pháp luật Việt Nam hiện hành nên được sửa đổi theo hướng trao quyền cho Hội đồng Trọng tàixem xét áp dụng chế tài phù hợp với tình huống cụ thể phát sinh trong vụ tranh chấp, bao gồm: (i) Quyền không chấp nhận chứng cứ nộp muộn (trừ khi bên nộp chứng cứ muộn có lý do chính đáng và chứng minh được sự tồn tại của lý do đó) và (ii) Quyền đề nghị đoàn luật sư xử lý kỷ luật với luật sư vi phạm. Song song đó, các Trung tâm Trọng tài nên quy định cụ thể hơn về thời hạn giao nộp chứng cứ và chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm trong quy tắc trọng tài; quy định rõ ràng về quyền của Hội đồng Trọng tàitrong từ chối chứng cứ nộp, trễ, áp dụng cơ chế phân bổ chi phí bất lợi cho bên vi phạm; ban hành bộ quy tắc hướng dẫn ứng xử của các bên và đại diện/luật sư của các bên trong quá trình tố tụng;...
Khép lại phần tham luận, Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc và PGS. TS Võ Trí Hảo. Phần thảo luận thu về được sự góp ý, xây dựng và phản biện từ phía các chuyên gia và đại biểu về những vấn đề thực tiễn trong quản lý chứng cứ và thời hạn cung cấp chứng cứ trong tố tụng trọng tài. Phiên làm việc không chỉ mang đến các góc nhìn đa chiều từ luật sư, nguyên thẩm phán mà còn tổng hợp các ý kiến từ các giảng viên, sinh viên đóng góp nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát thời hạn giao nộp chứng cứ, hướng đến sự minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.
📃Tài liệu sự kiện: Vui lòng tham khảo tại ĐÂY
📃Hình ảnh sự kiện: Xem thêm tại ĐÂY