Toàn cảnh Hội thảo
Sáng ngày 30 tháng 8 năm 2024 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu (VCCI Bà Rịa – Vũng Tàu), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BV SME) tổ chức Hội thảo “Hạ tầng Logistics: Yêu cầu trong chiến lược phát triển và khung pháp lý”. Sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, luật sư cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Đây là sự kiện tiếp theo thuộc khuôn khổ Chuỗi sự kiện thường niên “Quản trị Pháp lý doanh nghiệp 2024” (tên tiếng Anh: “Legal Management Series 2024” – LMS 2024) do VIAC phối hợp cùng các đối tác triển khai.
TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tuy vậy, để ngành logistics tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, chính quyền và doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng logistics. Theo TS. Trần Du Lịch, việc cải thiện hạ tầng logistics sẽ giúp cung ứng sản phẩm nhanh, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của toàn chuỗi cung ứng. Đối với khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, TS. Trần Du Lịch đánh giá cao những nỗ lực và hành động của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với việc nâng cấp hạ tầng. Với sự quyết tâm đó, ông kỳ vọng thời gian tới, Vũng Tàu sẽ xây dựng được hệ thống hạ tầng chất lượng, đạt được mục tiêu trở thành đầu mối logistics của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tốt của ngành, ông Lịch cho rằng hạ tầng logistics Việt Nam nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng sở dĩ chưa thể bứt phá mạnh mẽ là bởi còn vướng nhiều cản trở từ chính sách, quy định. Những trở ngại này khiến quá trình triển khai, vận hành gặp nhiều khó khăn, thu hút đầu tư gặp hạn chế. Không chỉ vậy, từ góc độ cơ quan giải quyết tranh chấp của VIAC, ông Lịch còn dẫn chiếu một số rủi ro và tranh chấp phát sinh liên quan đến xây dựng, khai thác hạ tầng logistics, kinh doanh dịch vụ logistics khi hạ tầng không đảm bảo. Qua đó, ông Lịch cho rằng đi cùng với các chiến lược đổi mới, cải tiến hạ tầng logistics, việc có khung pháp lý vững chắc và kiểm soát pháp lý khi đầu tư, triển khai, vận hành hạ tầng logistics cũng cần được chú trọng.
Bà Nguyễn Xuân Bích Thoại - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Tiếp nối phát biểu của TS. Trần Du Lịch, bà Nguyễn Xuân Bích Thoại - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có một số chia sẻ đến Hội thảo. Bà Thoại đánh giá cao và ủng hộ sự phối hợp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Bà Rịa - Vũng Tàu (VCCI Bà Rịa - Vũng Tàu), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BV SME) trong sự kiện lần này. Theo bà Thoại, logistics và cụ thể hơn là vấn đề hạ tầng logistics đang được chính quyền địa phương quan tâm và đầu tư trong thời gian này với mong muốn đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một đô thị cảng trong thời gian tới. Với mục tiêu đó, chính quyền và doanh nghiệp luôn mưu cầu có được những giải pháp hiệu quả để cải tiến hạ tầng và kinh doanh dịch vụ logistics thuận lợi hơn. Thực tế cho thấy, chính quyền và doanh nghiệp hiện nay đang gặp vướng khá nhiều, đặc biệt đối với các nội dung về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách. Không những thế, với xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu, doanh nghiệp ngành logistics cũng được đòi hỏi phải có phương án thích ứng phù hợp. Chính vì các lý do đó, bà Thoại kỳ vọng hội thảo sẽ đem đến những đóng góp tích cực cho tỉnh nhà để thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam tham dự trực tuyến
Mở đầu hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam chia sẻ tham luận với chủ đề “Hạ tầng logistics và các tác động đến chuỗi cung ứng”. Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, dịch bệnh, thiên tai,..., cùng sự quan tâm về tính “xanh”, bền vững trong chính sách của nhiều quốc gia buộc các doanh nghiệp không chỉ phải đáp ứng tiêu chí xanh hóa sản xuất, mà còn phải xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, tiến đến mục tiêu “net zero”. Là một mắt xích quan trọng trong phát triển hệ thống logistics, yếu tố hạ tầng được ông Hải nhấn mạnh và cho rằng cần có sự đầu tư một cách đồng bộ, chuyên nghiệp với hạng mục này. Qua quá trình nghiên cứu, ông Hải cho rằng hiện nay việc phát triển hạ tầng logistics sở dĩ gặp nhiều rào cản là bởi gặp một số các vấn đề như: (i) Chi phí cao, (ii) Thủ tục hành chính phức tạp, (iii) Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; (iv) Phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường biển quốc tế; (v) Thiếu sự liên kết giữa các cơ quan quản lý và (vi) Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực với nhau. Với các khó khăn này, ông Hải kiến nghị về phía trung ương, các cơ quan ban ngành cần xây dựng các cơ chế phối hợp liên bộ, liên ngành chặt chẽ. Bản thân các tỉnh và khu vực cũng cần chủ động đánh giá quy hoạch một cách toàn diện, tham mưu và đề xuất chiến lược phát triển; đồng thời, khuyến khích xây dựng phát triển các hiệp hội nhằm tạo lập mạng lưới liên kết, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Nối tiếp phần chia sẻ của ông Trần Thanh Hải, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có phần chia sẻ về thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng logistics tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Đồng cho biết, từ lâu, Bà Rịa – Vũng Tàu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với hệ thống cảng biển có quy mô hiện đại bậc nhất Việt Nam. Với thế mạnh tự nhiên cùng nhiều chính sách, chủ trương khuyến khích của Nhà nước, tỉnh cũng xác định phát triển ngành logistics là một trong bốn trụ cột kinh tế của địa phương. Mặc dù vậy, trên thực tế, số lượng kho bãi logistics và số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Điều này phản ánh những mặt khó khăn mà ngành logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp phải như: (i) nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kết nối và hạ tầng logistics chưa theo kịp, (ii) đất đai và cơ sở hạ tầng logistics còn rời rạc, thiếu tập trung, hệ thống kho bãi container rỗng, kho tổng hợp hàng đang bị thiếu, các tuyến đường hiện hữu đang bị xuống cấp và tắc nghẽn,...Tuy vậy, ông Đồng đưa ra tầm nhìn khá khả quan về cơ hội phát triển hạ tầng logistics tại địa phương. Theo ông Đồng, trong thời gian tới, việc nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai sẽ mang lại cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ hội mở rộng mạng lưới logistics, đẩy mạnh hoạt động vận tải đa phương thức. Với tín hiệu đó, ông Đồng cũng kiến nghị Trung ương cần sớm xem xét và xây dựng một cơ chế, chính sách riêng, phù hợp với nhiều điểm đặc thù của khu thương mại tự do tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi – Trưởng ban Nghiên cứu và Tư vấn tại Viên Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI)
Tiếp tục Hội thảo, ThS.NCS Nguyễn Thắng Lợi – Trưởng ban Nghiên cứu và Tư vấn tại Viên Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đã có phần trao đổi liên quan đến sự thiết lập hạ tầng logistics nhằm thích ứng với nhu cầu xanh hóa trong bối cảnh hiện nay. Các quốc gia trên toàn cầu đã đặt cam kết giảm mức thải ròng và chuyển đổi năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí. Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi cho nhiều ngành kinh tế. Trong đó, đối với ngành logistics, xu hướng về logistics xanh đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với Quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam. Ông Lợi cho biết, để phát triển logistics xanh cần chú trọng vào 4 nền tảng cơ bản: (i) Hạ tầng và công nghệ; (ii) Phát triển nguồn nhân lực; (iii) Chủ hàng; (iv) Nhà cung cấp dịch vụ Logistics, dưới sự điều chỉnh và thúc đẩy khung pháp lý chính sách về “xanh hóa”. Ông Lợi nhấn mạnh, để “xanh hóa” thành công, mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự và ý thức của nhân sự đóng vai trò quyết định nhưng cơ sở hạ tầng lại là trợ lực đáng quan tâm, bởi lẽ, chỉ khi có kho bãi đạt tiêu chuẩn, áp dụng những tiến bộ khoa học, vận tải xanh,... quá trình “xanh hóa” mới được tối ưu nhất. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lợi đánh giá cao nhận thức của nhiều doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc cải tiến quy trình, xanh hóa hoạt động logistics của doanh nghiệp, cùng với đó, cũng đưa ra một số giải pháp để cải thiện cơ sở hạ tầng logistics trong thường gian tới, trong đó, một số ý nổi bật có thể nhắc tới như: (i) cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động logistics với mục tiêu phát triển bền vững; (ii) nâng cao tính gắn kết của 3 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nghiên cứu đối với một số dự án phát triển xanh; (iii) tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng Logistics (kho bãi và vận chuyển) theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn,...
LS. Đặng Việt Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)
Từ góc độ nghiên cứu quy định pháp luật, LS. Đặng Việt Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã có nhiều chia sẻ về khung khổ pháp luật và các ảnh hưởng tới hạ tầng bất động sản logistics. Ông Việt Anh liệt kê, các dịch vụ logistics bao gồm nhiều khâu khác nhau, trong đó, các vấn đề về kho bãi, chuyển phát, vận tải,... là những dịch vụ yêu cầu sự phát triển của hạ tầng. Quan sát từ các quốc gia trên thế giới như Hong Kong và Singapore, có thể thấy, các nước này có hệ thống cảng hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ để đón tàu lớn từ khoảng 30 năm trước. Trong khi đó, tại Việt Nam, kể từ khi được hoàn thành vào năm 2011, Cảng Cái Mép - Thị Vải ban đầu đã không thể hoạt động hết công suất vì vướng mắc về quy hoạch. Từ đây, chuyên gia cho rằng vấn đề về quy hoạch là điểm quan trọng cần tính toán để phát huy được tính hiệu quả của cả hệ thống hạ tầng. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực logistics còn bao gồm nhiều loại bất động sản đặc biệt như giàn khoan ngoài biển, các kho chứa dầu thô, kho nổi chứa và giao nhận khí LNG,... cùng nhiều dịch vụ chuyên dụng và đắt đỏ khác. Ông Việt Anh nhận định, với tính đa dạng đó, các tranh chấp trong lĩnh vực này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong cả quá trình xây dựng và vận hành. Trong đó có thể kể đến một số loại tranh chấp phổ biến như: (i) tranh chấp giữa các cổ đông và thành viên công ty; (ii) tranh chấp liên quan đến các tai nạn/sự cố trong lĩnh vực logistics; (iii) tranh chấp liên quan đến phá sản các doanh nghiệp logistics; (iv) tranh chấp do thiếu các dịch vụ logistics phụ trợ, với sự liên quan của nhiều bên, cả trong và ngoài nước. Để hạn chế các tranh chấp này, LS. Đặng Việt Anh đã đưa ra nhiều khuyến nghị trong kiểm soát rủi ro. Chuyên gia nhấn mạnh, trong toàn bộ quá trình giao dịch, để tránh phát sinh các tình huống bất lợi, các bên cần xây dựng điều khoản hợp đồng chặt chẽ và có giải pháp giải quyết phù hợp nếu phát sinh tranh chấp.
Phiên thảo luận được diễn ra với nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự
Sau phần tham luận, các chuyên gia cùng tham gia phần thảo luận toàn thể dưới sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và bà Nguyễn Xuân Bích Thoại - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều thông tin hữu ích và giá trị, đóng góp thiết thực và giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng logistics tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.
Tại Hội thảo, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BV SME) được diễn ra dưới sự chứng kiến hơn 100 đại biểu. Đây là hoạt động ghi nhận sự hỗ trợ, hợp tác đến từ VIAC và các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực pháp lý. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, hai đơn vị sẽ có sự phối hợp chặt chẽ và triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, đồng hành và đóng góp nhiều giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tham khảo tài liệu sự kiện tại:
ĐÂY
--------------------------------
THÔNG TIN VỀ CÁC SỰ KIỆN THUỘC LMS 2024:
| Lĩnh vực Năng lượng Hội thảo "ESG - Chìa khóa cho phát triển bền vững: Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả" Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Ngoại thương Hội thảo "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp" Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Bất động sản Hội thảo "Pháp lý và tài chính trong giao dịch M&A bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới" Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Bất động sản Hội thảo "Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới" tại tỉnh Khánh Hòa Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Năng lượng Hội thảo "Du lịch Bình Thuận: Lộ trình "xanh hóa" đến phát triển bền vững" khép lại Chuỗi sự kiện LMS 2024 Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |