Chiều ngày 26/06 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức phiên nội dung thứ hai trong chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 – Thương mại & Đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp & Trọng tài, trong đó các chuyên gia tập trung chia sẻ và thảo luận về chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động”.
Thị trường toàn cầu đã và đang trải qua giai đoạn biến động chưa từng có với nhiều thách thức đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh quốc tế. Theo Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024 của Liên Hợp Quốc, triển vọng kinh tế ngắn hạn hiện vẫn còn ở mức thận trọng do những điểm hạn chế của nền kinh tế vẫn tồn tại, trong bối cảnh lãi suất tiếp tục ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài và các rủi ro về biến đổi khí hậu gia tăng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nói chung trong việc định hình chiến lược đầu tư ra thị trường quốc tế. Tuy vậy, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, hay nhu cầu tiêu dùng mới đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Việc nắm bắt và tận dụng những cơ hội này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, cũng như chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường.
Theo đó, Phiên thứ hai của VIAC SYMPOSIUM 2024 tập trung thảo luận các rủi ro và thách thức pháp lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa cũng như đầu tư ra nước ngoài trong thời kỳ kinh tế biến động như hiện nay, từ đó đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro và hạn chế thiệt hại. Sự kiện diễn ra với sự tham dự hơn 200 đại biểu đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các Luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như các đơn vị truyền thông, thông qua hình thức trực tiếp tại chỗ và trực tuyến trên nền tảng Zoom.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024
Ông Vũ Tiến Lộc đồng thời khẳng định: “Thời đại của chúng ta đang sống hiện giờ là thời đại của thế giới phẳng, là thế giới với biên giới số, đặt ra câu hỏi cho chúng ta về bản sắc Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, bơi ra biển lớn, sẵn sàng và kiên trì với cạnh tranh toàn cầu để thực hiện được khát vọng hùng cường của đất nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Không Made in Việt Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Made in Việt Nam thì chúng ta không thể thịnh vượng”” – TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Chia sẻ trong bài trình bày của mình, ông – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra thực tế cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều trở lực, dù vẫn đạt kim ngạch tăng trưởng khả quan. Ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra những thách thức, trong đó có xu hướng bảo hộ và các hàng rào thương mại trong xuất khẩu; tiêu chuẩn cao của hàng hoá xuất khẩu như phát triển xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải…
Nối tiếp chương trình là phiên thảo luận với chủ đề “Thách thức từ thực tiễn và rủi ro pháp lý khi xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường chủ lực” do ông Đậu Anh Tuấn điều phối. Ông cùng các diễn giả đã chia sẻ một số rủi ro và rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp của từng ngành hàng nói riêng, từ đó đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp để vượt qua rào cản này.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)
Đại diện của ngành hàng dêt may, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã chia sẻ trong những năm gần đây, tình hình thế giới biến động, đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị leo thang đã tác động trực tiếp đến xu hướng tăng trưởng của ngành dệt may. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đang có xu hướng đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống lao động cưỡng bức.
“Trước đây thì ngành dệt may luôn tăng trưởng dương, nhưng bắt đầu xuất hiện tăng trường âm từ năm 2020, đến năm 2021 thì khá hơn một chút nhưng đến năm 2023 thì lại âm khoảng gần 11%. Như vậy nó không còn xu thế trước đây chỉ có đi lên nữa mà bây giời là trồi sụt có lên có xuống”, ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tóm gọn bốn nhóm thách thức pháp lý mà doanh nghiệp ngành hàng thủy sản thường gặp phải. Thứ nhất, các thách thức đến từ các thị trường chính phù hợp với pháp luật quốc tế, ví dụ như Cảnh báo thẻ vàng khái thác đánh bắt hải sản của Châu Âu. Thứ hai là thách thức đến từ các thị trường mà nền tảng pháp luật của họ cho phép, ví dụ như các quy định về khắc phục thương mại tại nước nhập khẩu như chống bán phá giá, chống trợ cấp, v.v. Thách thức thứ ba là tình trạng lừa đảo trong thương mại quốc tế thường xảy ra ở những nhóm mặt hàng có đặc thù và yêu cầu cụ thể. Thách thức cuối cùng là rủi ro pháp lý trong các giao dịch kinh doanh hàng ngày giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu.
Bà Quách Thúy An - Phó Giám đốc Công ty CP Headway Việt Nam
Đứng từ góc độ là doanh nghiệp hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, bà Quách Thúy An - Phó Giám đốc Công ty CP Headway Việt Nam, có chia sẻ rằng rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là sự thiếu hiểu biết các quy định của nước nhập khẩu.
“Nếu một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài không đủ vững về quy định pháp luật cũng như các điều luật về tranh chấp thì họ có thể vấp phải rào cản rất lớn là mất hàng, hoặc người nhận hàng sẽ từ chối nhận hàng tại cảng đến. Trong trường hợp này, đương nhiên trách nhiệm phát sinh từ lô hàng đó sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt thòi rất nhiều, vừa mất hàng mà vừa chịu chi phí phát sinh”, bà Quách Thúy An chia sẻ.
Phiên 2 của sự kiện có chủ đề “Hành trình dòng vốn đầu tư của Việt Nam – Xâm nhập và phát triển thịnh vượng ở những miền đất mới”. Phác thảo "bức tranh" về dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ, tổng vốn gần 23 tỷ USD. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 400 – 500 triệu USD đầu tư ra nước ngoài. So với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay khoảng 430 tỷ USD, quy mô đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt còn khiêm tốn - chiếm 0,15%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có một số chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài song các nguồn hỗ trợ còn khá hạn hẹp.
Ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
“Không chỉ tập trung vào các quốc gia có điều kiện cơ chế chính sách tương đồng Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar…, khoảng 5 năm nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt dần mở rộng sang các nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Úc, Singapore… Đây là sự thay đổi đáng kể trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian qua”, ông Chung nhận xét.
Hiện Việt Nam đã ký kết với gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư; khoảng 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cảnh báo thực trạng nhiều doanh nghiệp Việt, thậm chí doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cơ chế, chính sách pháp luật của thị trường quốc tế, dễ vấp phải rủi ro pháp lý. Ông Chung khuyến nghị doanh nghiệp Việt khi “ra biển lớn” cần phải nắm chắc các vấn đề pháp lý. Đặc biệt, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi đầu tư sang những địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, nền tảng pháp lý chưa thực sự tốt. Có trường hợp kiện ra tòa cũng không giải quyết được vì người bị kiện không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có cơ chế để buộc họ phải tuân thủ phán quyết.
PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fullbright Việt Nam
PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fullbright Việt Nam lưu ý, một điển hình của khối doanh nghiệp nhà nước là “người khổng lồ” PVN, đã có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài thành công, nhưng cũng có cả dự án 'sa lầy' như dự án tại Venezuela. Tương tự, Viettel đã hiện diện tại 13 thị trường ngoại, bên cạnh những thị trường đang thu “trái ngọt” như Tanzania, Mozambique…, thì cũng có thị trường chưa thành công như ý.
“Trong tổng số 6,6 tỷ USD mà PVN đầu ra ra nước ngoài, gần 1 tỷ USD nằm ở dự án tại Venezuela. Có khi lỗi cũng là do mình chưa tìm hiểu kỹ”, ông Nghĩa nêu quan điểm cá nhân.
PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa cũng đưa ra cho doanh nghiệp Việt một số chiến lược đối phó rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư ra nước ngoài. Ngoài việc tuân thủ các thể chế của quốc gia sở tại, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia cả quá trình xây dựng chính sách, gây thiện cảm với các thể chế chính trị ở đó. Mặt khác, các doanh nghiêp cũng nên tạo liên minh tại thị trường ngoại để bổ khuyết những kỹ năng mình còn thiếu. Đặc biệt, doanh nghiệp lớn khi đầu tư ra nước ngoài dứt khoát phải có bộ phận pháp chế, chịu trách nhiệm xác định các loại rủi ro, đo lường rủi ro, đưa ra những giải pháp, thiết lập thể chế thực thi, giám sát quá trình quản trị rủi ro…
Ông Trương Nhật Quang – Luật sư Điều hành Công ty Luật YKVN
Tiếp nối chương trình, ông Trương Nhật Quang – Luật sư Điều hành Công ty Luật YKVN đã có phần trình bày về tình hình dòng vốn đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, các khoản đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài không chỉ ở những ngành truyền thống, đã có những doanh nghiệp đi vào những ngành công nghệ có hàm lượng "chất xám" rất cao. 2 ví dụ điển hình gồm: Masan đầu tư vào công ty AI (trí tuệ nhân tạo) và fintech (công nghệ tài chính); Vingroup đầu tư công nghệ sản xuất ô tô điện.
Có những doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng sản xuất kinh doanh tới mức doanh thu từ đầu tư ra nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu. Điển hình như Tập đoàn Viettel, 50% doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước này đang phát sinh từ hoạt động đầu tư tại nước ngoài. Bên cạnh đó, ông Trương Nhật Quang cũng trình bày một số vụ việc tranh chấp của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài đã xảy ra bao gồm tranh chấp giữa các đối tác liên doanh hoặc giữa các cổ đông, tranh chấp với nhà thầu và bên thứ ba, tranh chấp giữa các cổ đông với chính công ty đầu tư tại nước ngoài như vụ Viettel và Bestcam liên quan tới Nexttel (liên doanh ở Cameroon); Maurizio Liberati kiện Falcomar. Ltd (đại lý bán vé máy bay của Vietnam Airlines tại Ý) và Vietnam Arilines v.v.
Ông Vũ Ánh Dương – Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký VIAC
Theo ông Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký VIAC, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu và cân nhắc lựa chọn cơ chế tài phán để bảo vệ mình trong trường hợp có rủi ro tranh chấp.
“Trong đó, trọng tài là cơ chế đảm bảo thực thi hợp đồng hiệu quả và tối ưu vì những ưu điểm như phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, các bên không phải trải qua nhiều vòng xét xử” – ông Vũ Ánh Dương cho biết.
Theo ông Dương, trong giai đoạn 1993-2023, VIAC tiếp nhận 2.940 vụ tranh chấp với tổng giá trị tranh chấp hơn 2,7 tỉ USD, tương đương hơn 63.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 46% tranh chấp trong nước, còn lại là tranh chấp có ít nhất một bên là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc một bên là DN nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam là thành viên của Công ước New York 1958 công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, với 170 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước, phán quyết trọng tài được công nhận và thi hành toàn cầu.
Một số hình ảnh tại sự kiện
Xem lại ghi hình Phiên B thuộc VIAC SYMPOSIUM 2024 tại đây
Truy cập tải về Tài liệu Phiên B tại đây