Diễn giả tham gia Hội thảo
Sáng ngày 29 tháng 3 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề "Thi hành phán quyết trọng tài và các vấn đề phát sinh liên quan đến bên thứ ba". Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu tại Hội trường, gồm nhiều luật sư, giảng viên và chấp hành viên quan tâm, đồng thời ghi nhận hơn 200 người dự thính qua hệ thống trực tuyến.
TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật, và Quản lý nhà nước UEH
Mở đầu Hội thảo, TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật, và Quản lý nhà nước UEH đã có đôi lời phát biểu chào mừng Hội thảo. Ông Nguyên đánh giá, thi hành phán quyết phán quyết trọng tài luôn là chủ đề nóng bỏng của Trọng tài. Gần đây, trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế, nhiều kịch bản mới, yếu tố mới, trong đó không thể không kể tới yếu tố “bên thứ ba” xuất hiện đã tạo ra những trở ngại mới cho quá trình tố tụng trọng tài, và quan trọng nhất là việc thi hành phán quyết trọng tài. Ông Nguyên phân tích, trên thực tế, yếu tố này đã có tác động không nhỏ đến thời gian và quá trình thi hành phán quyết trọng tài, thậm chí nhiều khả năng ảnh hưởng đến hiệu lực của phán quyết trọng tài. Xem xét thực trạng này, việc bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến việc thi hành phán quyết trọng tài liên quan đến bên thứ ba trong khuôn khổ pháp luật trọng tài Việt Nam được coi là một yêu cầu hết sức cần thiết.
LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng chia sẻ về tầm quan trọng của Hội thảo trong việc nghiên cứu và bàn luận hướng đến thuận lợi hoá quá trình thi hành phán quyết trọng tài, hoàn thiện pháp luật tại Việt Nam. Việc xuất hiện của bên thứ ba có ảnh hưởng hai chiều tới quá trình thi hành phán quyết trọng tài. Một mặt, trên thực tiễn hiện nay, tồn tại nhiều trường hợp phán quyết trọng tài bị cản trở hoặc thâm chí không thể thi hành do chịu sự ảnh hưởng từ yếu tố “bên thứ ba”. Sở dĩ, phán quyết của Hội đồng Trọng tài không có tính cưỡng chế đối với một bên không liên quan tới thoả thuận trọng tài. Không những vậy, việc phán quyết trọng tài có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của bên thứ ba cũng là một căn cứ để một bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010. Mặt khác, hiện nay, cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của bên thứ ba bị ảnh hưởng bởi nội dung phán quyết trọng tài cũng chưa đầy đủ và tương xứng với yêu cầu thực tiễn.
Th.S Lê Hưng Long – Giảng viên Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật, và Quản lý nhà nước UEH
Tại Hội thảo, Th.S Lê Hưng Long – Giảng viên Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật, và Quản lý nhà nước UEH đã chia sẻ về chủ đề “Sự tham gia của bên thứ ba và các ảnh hưởng đối với quá trình thi hành phán quyết trọng tài”. Theo ông Long, hiện nay, các quy định tại Luật Thi hành án dân sự, mặc dù không minh thị, không xác định cũng không loại trừ quyền của những bên khác (ngoài đương sự - các bên tranh chấp) có liên quan về mặt lợi ích hoặc nghĩa vụ với hai bên trong tranh chấp nộp đơn yêu cầu thi hành PQTT. Tuy vậy, quy định tại Luật Trọng tài Thương mại 2010 lại hoàn toàn loại trừ bên thứ ba có lợi ích và nghĩa vụ liên quan đến quá trình thi hành phán quyết. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, nhóm chủ thể được trao quyền kích hoạt quá trình thi hành PQTT có được mở rộng ra cho những bên không bị ràng buộc bởi thoả thuận trọng tài hay không?
Ông Phan Văn Thuỵ - Phó trưởng phòng nghiệp vụ 1, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM
Nối tiếp phần trình bày khái quát về tác động của bên thứ ba đối với quá trình thi hành PQTT từ Th.S Lê Hưng Long, ông Phan Văn Thuỵ - Phó trưởng phòng nghiệp vụ 1, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM mang tới hội thảo phần chia sẻ từ góc độ thực tiễn xử lý của cơ quan thi hành án khi nội dung phán quyết trọng tài có liên quan đến bên thứ ba. Ông Thụy phân tích yếu tố bên thứ ba ảnh hưởng tới thi hành phán quyết trọng tài có thể phân loại thành hai nhóm: (i) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp cùng cơ quan THADS trong việc tống đạt, xác minh, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự; (ii) Người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Ông Thụy dẫn chứng ra một số khó khăn, có thể kể tới như sự hợp tác chưa nhịp nhàng giữa các cơ quan với nhau cũng như do thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài còn hạn chế, không cưỡng chế và có tính ràng buộc nếu bên thứ ba không tự nguyện phối hợp.
Ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Tiếp nối chương trình, Ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trình bày tham luận với chủ đề “Hủy phán quyết trọng tài và các vấn đề liên quan đến bên thứ ba”. Ông Phú cho biết, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài còn tồn tại một số hạn chế nhất định, trong đó có vấn đề giới hạn thẩm quyền của Hội đồng trọng tài đối với bên thứ ba. Theo đó, ông nhấn mạnh một trong những trường hợp gây bối rối, nhiều khả năng dẫn tới huỷ PQTT là khi nội dung phần Quyết định và Nhận định của HĐTT chỉ xác định quyền hoặc nghĩa vụ của các bên tranh chấp đối với nhau nhưng việc thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba. Trong những trường hợp này, theo lý giải của Toà án, PQTT đã trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thuộc trường hợp huỷ theo căn cứ tại điểm đ khoản 2 Điều 68 LTTTM 2010. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Toà án cũng như giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, ông Phú đề xuất để tránh PQTT bị hủy, HĐTT nên thận trọng hơn khi giải quyết tranh chấp liên quan đến một tài sản (bao gồm cả quyền tài sản), bằng cách yêu cầu các bên cho biết tài sản đó có được thế chấp, cho thuê hoặc có một giao dịch nào đó liên quan đến bên thứ ba. Về phía quy định pháp luật, ông Phú cũng kiến nghị về việc bổ sung quy định cho phép bên thứ ba có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án hủy PQTT để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp lợi ích cá nhân bị xâm phạm.
LS. Đăng Việt Anh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Anhisa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Tại Hội thảo, LS. Đăng Việt Anh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Anhisa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng chia sẻ một số đề xuất nhằm hướng tới hoàn thiện quy định pháp luật trọng tài về bên thứ ba. Ông Việt Anh đề xuất Luật Trọng tài Thương mại 2010 nên hoàn thiện quy định nhằm xác minh hiệu lực của phán quyết. Theo đó, Tòa án cần phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin cho Trung tâm Trọng tài cũng như các bên có liên quan trong trường hợp có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ngoài ra, ông cũng hy vọng các phiên bản luật sau này xây dựng cơ chế cho phép các bên có quyền và lợi ích bị ảnh hưởng được quyền khởi kiện hoặc yêu cầu đối với bên thứ ba do có hành vi không thực hiện phán quyết trọng tài tại Tòa án có thẩm quyền. Điều này giúp tạo điều kiện để phán quyết trọng tài được thi hành "mượt mà" hơn, hạn chế những trường hợp kém hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ từ bên thứ ba.
Toàn cảnh Phiên Thảo luận
Sau phần tham luận của các chuyên gia, phần thảo luận đã diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt bởi các đại biểu tham dự cùng với đó là sự trao đổi, giải đáp kỹ lưỡng, nhiều thông tin giá trị đến từ các chuyên gia, khách mời.
----------------------------------------
>>> Tài liệu sự kiện: Vui lòng xem tại
ĐÂY
Hội thảo chuyên đề "Thi hành phán quyết trọng tài và các vấn đề phát sinh liên quan đến bên thứ ba" là sự kiện mở màn cho Chuỗi hoạt động Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024 (AMS 2024), được triển khai bởi VIAC cùng khối các trường Đại học đào tạo Luật trên Thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài từ ngày 22/3/2024 đến ngày 11/4/2024. Thông tin chi tiết về AMS 2024, vui lòng xem tại
ĐÂY