...

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam làm việc với Đoàn công tác Cục Tư pháp Hồng Kông tại TP. Hồ Chí Minh

27 Tháng 9, 2024
 
Chiều ngày 25 tháng 9 năm 2024, Đoàn công tác Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) do GS. TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC, dẫn đầu đã có buổi thăm và làm việc với Đoàn công tác Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc) cùng các đại diện Hội Luật sư và Hiệp hội Luật sư Hồng Kông tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
 
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Tham gia buổi làm việc, về phía đoàn công tác Hồng Kông, ông Paul Lam, Cục trưởng Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông làm trưởng đoàn, cùng các đại diện từ Hội Luật sư Hồng Kông, Hiệp hội Luật sư Hồng Kông và nhiều hiệp hội, tổ chức trọng tài Hồng Kông. Về phía VIAC có sự tham dự của GS. TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC làm trưởng đoàn, cùng các thành viên Ban điều hành và một số Trọng tài viên tại TP. Hồ Chí Minh.
 
 
Ông Paul Lam - Cục trưởng Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông
 

Tại buổi gặp mặt, Ông Paul Lam, Cục trưởng Cục Tư pháp Hồng Kông đã có lời chào mừng GS. TS. Lê Hồng Hạnh cùng đoàn VIAC đã có buổi thăm và làm việc. Ông chia sẻ, với vị trí chiến lược trong khu vực cùng nền tư pháp có tính độc lập của Hồng Kông, sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) tại đây diễn ra khá mạnh mẽ; điều này có thể thấy thông qua sự ra đời của nhiều trung tâm trọng tài, hoà giải, các báo cáo cũng cho thấy hoạt động giải quyết tranh chấp diễn ra tương đối sôi động.

Đại diện đoàn công tác Hồng Kông cho rằng, đi cùng với sự phát triển, Việt Nam và Hồng Kông vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiến trình thúc đẩy ADRs trở nên phổ biến. Ông đánh giá, trọng tài và hoà giải đang dần trở thành xu hướng quốc tế, đặc biệt là tại Hồng Kông, các phương thức này cũng đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía các cơ quan tư pháp; tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa quen thuộc và chủ động khi sử dụng các phương thức này.

Từ đó, ông Paul bày tỏ mong đợi về sự phối hợp với phía Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường ADRs. Ông chia sẻ, phía Hồng Kông rất hoan nghênh đoàn VIAC có thể tham gia các sự kiện do phía Hồng Kông tổ chức nhằm xúc tiến việc sử dụng ADRs trong tương lai. Ông cũng kì vọng về sự kết hợp giữa các trung tâm trọng tài, hoà giải của hai bên với mong muốn tạo cơ hội để cộng đồng thực hành ADRs được trao đổi, học hỏi, tạo điều kiện thực tiễn để khung pháp lý về trọng tài được mở rộng hơn. Ông tin tưởng việc tham gia hợp tác sâu rộng, đa dạng giữa các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng thực hành ADRs quốc tế sẽ tạo ra một nền tảng hợp tác vững chắc cho hai bên.

Đại diện Hồng Kông đánh giá cao những hoạt động mang tính tiên phong, đóng góp lớn trong việc phát triển thị trường ADRs tại Việt Nam của VIAC. Với vị thế là tổ chức hàng đầu về trọng tài, hoà giải tại Việt Nam, việc hợp tác giữa hai bên sẽ là cơ sở tiềm năng để VIAC có những ghi nhận về thực tiễn thực hành và nghiên cứu phát triển ADRs trên phạm vi khu vực, từ đó cải thiện khung pháp lý về trọng tài trong nước, thúc đẩy tính hiệu quả của trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp khác tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để phía Hồng Kông có thể giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ những hoạt động có giá trị tại VIAC nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung, tạo ra nền tảng phối hợp vững chắc, lan toả giá trị và tính hiệu quả của ADRs đến gần hơn cộng đồng luật sư, doanh nghiệp.
 
 
GS. TS. Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
 

Về phía Việt Nam, đại diện đoàn công tác, GS. TS. Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ sự vui mừng khi Việt Nam và Hồng Kông thời gian gần đây là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong cả lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ông đánh giá, trong năm 2023, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông; số lượng nhà đầu tư nước ngoài đến từ khu vực này cũng chiếm tỉ lệ tương đối cao, xếp thứ 5 trong tổng số các quốc gia, khu vực đầu tư vào Việt Nam. Với nhiều tín hiệu tích cực trong quan hệ hợp tác, Hồng Kông được đánh giá là một trong những đối tác tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới. Đi cùng với đó, theo các số liệu tại VIAC, tranh chấp có sự tham gia của một bên là Trung Quốc (bao gồm Đài Loan và Hồng Kông) chiếm tỷ lệ rất cao. Ông Hạnh cho rằng, với thực tiễn này, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến vấn đề hạn chế rủi ro pháp lý, giải quyết tranh chấp nên được chú trọng hơn.

Về kế hoạch phối hợp giữa phía Việt Nam và Hồng Kông trong thời gian tới, ông nhấn mạnh sự quan tâm vào vấn đề pháp lý nói chung và ADRs nói riêng nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp được triển khai hiệu quả. Ông Hạnh đánh giá, việc xây dựng các hoạt động trao đổi, giao lưu cho cộng đồng thực hành ADRs cũng như doanh nghiệp hai bên là ý tưởng có giá trị thực tiễn cao. Đó sẽ không chỉ là cơ hội để những người hành nghề luật từ phía Việt Nam có thể trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và các thông tin về hoạt động trọng tài tại Hồng Kông, mà còn hướng mới mục đích nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả thông qua các cơ chế ngoài Tòa án.

 
Ông Paul TK Lam - Cục trưởng Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (trái) và GS. TS. Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (phải)
 
Chủ tịch VIAC GS. TS. Lê Hồng Hạnh chân thành cảm ơn ông Paul Lam và đoàn công tác Hồng Kông đã dành thời gian tiếp đón và trao đổi với lãnh đạo và các Trọng tài viên VIAC. Kết thúc buổi làm việc, cả hai đoàn công tác đều bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng rằng, với tiềm năng hợp tác sẵn có, mối quan hệ giữa VIAC và các tổ chức pháp lý, trọng tài tại Hồng Kông sẽ ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp tại khu vực.
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI