Vietnam CISG Pre-Moot 2021 là một cuộc thi tranh tụng trọng tài giả định do Trường Đại học Ngoại thương (FTU) hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Hội luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) và Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế (VBLC) tổ chức.
Với sứ mệnh tạo cơ hội, môi trường cho các sinh viên yêu thích Luật nói chung và mong muốn tham gia Vis Moot quốc tế nói riêng có thể thử sức và lấy kinh nghiệm, CISG Pre - Moot 2021 tiếp tục trở lại với chủ đề “nCoVaccine - tranh chấp bản quyền sản xuất vaccine bệnh hô hấp” trên nền tảng trực tuyến, mang đến những thách thức và trải nghiệm mới lạ. Các đội thi - các bạn sinh viên ở vị trí các luật sư đại diện cho các bên tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tham dự cuộc thi phải viết đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ cho các bên, tranh tụng bằng tiếng Anh trước Hội đồng trọng tài là các chuyên gia có uy tín, các luật sư, các trọng tài viên về thương mại quốc tế đang làm việc tại Anh, Úc, Singapore và Việt Nam. Các đội thi phải bảo vệ các lập luận của mình, phản biện lại lập luận của đội đối thủ, trả lời các câu hỏi của Hội đồng trọng tài bằng tiếng Anh.
Điều đặc biệt là cuộc thi đã diễn ra hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến Zoom Pro, thu hút sự tham gia của hơn 40 đội thi là sinh viên đến từ 15 cơ sở đào tạo luật ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Số lượng các đội thi và số các trường đại học có sinh viên tham dự cuộc thi đã tăng lên so với năm ngoái. Sau hơn hai tháng triển khai, cuộc thi đã tìm ra được 20 đội thi xuất sắc nhất đến từ 9 trường đại học trên toàn quốc gồm Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện ngoại giao, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Vòng tranh tụng của Cuộc thi diễn ra trong vòng ba ngày 12,13 và 14 tháng 03 năm 2021, trong đó 20 đội chơi được chia thành 04 bảng và thi đấu vòng tròn tính điểm. Tám đội xuất sắc nhất tiếp tục thi đấu vòng tứ kết để chọn ra bốn đội vào vòng bán kết, và sau đó chọn ra hai đội xuất sắc nhất vào Chung kết.
Trải qua Vòng Sơ loại, Tứ kết và Bán kết đầy kịch tính, vào 14h ngày 14/03, Vòng Chung kết Cuộc thi Vietnam CISG Pre-moot năm 2021 (được phát trực tiếp trên fanpage Vietnam CISG Pre – Moot) đã diễn ra với phần trình bày và phản biện sôi nổi từ thí sinh đến từ hai đội Heilen và Hawk Eyes. Sau hơn hai tiếng làm việc và tranh luận căng thẳng, phần thể hiện xuất sắc của các thí sinh không chỉ thu hút số lượng lớn người xem mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ cho Hội đồng trọng tài trong nước cũng như nước ngoài. Một hành trình nữa lại kết thúc, quán quân của mùa ba đã gọi tên Heilen, nhưng những dư vị, cảm xúc thì vẫn còn mãi.
Thách thức lớn nhất là trận Chung kết giữa hai đội xuất sắc nhất cần phải được livestream trên phòng Zoom online mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh, chất lượng âm thanh và đường truyền ổn định, liên tục xuyên suốt phiên trọng tài giả định. Giải pháp kỹ thuật đã được xây dựng, với 1 phòng Zoom gồm 12 thành viên, 2 đội nhất, nhì, 4 trọng tài viên, Ban thư ký, Ban kỹ thuật, và máy quay cho MC. Với màn trình diễn tuyệt vời của 2 đội thi, trận chung kết đã diễn ra sôi nổi và kịch tích, và vô cùng chuyên nghiệp, hấp dẫn với số lượng người theo dõi đạt gần 6k views. Đó là phần thưởng ngọt ngào cho sự nỗ lực của tất cả các thành viên BTC, các thầy cô, các trọng tài cũng như các thí sinh.
Sân chơi tạo “vườn ươm” các luật sư tranh tụng quốc tế trong tương lai Với mô hình này, các thí sinh năm nay được trải nghiệm một phiên trọng tài trực tuyến với chất lượng tốt, tiệm cận với xu hướng ODR (online disputes resolution) hiện nay đang được phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Sứ mệnh của cuộc thi là sân là tạo cơ hội cho các bạn sinh viên nâng cao khả năng tranh tụng bằng tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng giải quyết tình huống tranh chấp, kỹ năng viết, kỹ năng tranh tụng, khả năng phản biện. Cuộc thi đã trở thành “vườn ươm” tài năng – nơi phát triển và góp phần tạo ra thế hệ các trọng tài viên, luật sư, chuyên gia có khả năng tham gia tranh tụng quốc tế, từ đó, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.