...

Đại diện VIAC tham gia làm việc và chia sẻ tại hội thảo cùng Liên đoàn Luật sư Cộng hòa Liên bang Đức (BRAK), Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), Viện Trọng tài Đức (DIS) và Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF)

25 Tháng 12, 2024
Gặp mặt và làm việc cùng Liên đoàn Luật sư Cộng hòa Liên bang Đức (BRAK), Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK); Viện Trọng tài Đức (DIS)
 
Ngày 12 tháng 12 năm 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tiếp đón và làm việc cùng các đại diện đến từ Liên đoàn Luật sư Cộng hòa Liên bang Đức (BRAK), Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cùng Viện Trọng tài Đức (DIS).
 
 
 
Tham dự buổi làm việc, về phía VIAC có LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC, LS. Bùi Thị Yến Trinh, Phó Trưởng phòng Ban Xúc tiến và Đào tạo VIAC.  Về phía đoàn khách quốc tế, buổi trao đổi có sự tham gia của Tiến sĩ Ulrich Wessels - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Liên bang Đức và TS. Stephan F. Wernicke - Trưởng Ban Pháp chế, Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cùng các luật sư nước ngoài.
 
Tại buổi làm việc, hai bên đã có nhiều trao đổi về thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam và Đức. Đại diện Liên đoàn Luật sư Liên bang Đức và Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến quy trình tố tụng trọng tài tại Việt Nam và vai trò của VIAC trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quốc tế giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, minh bạch. Được biết, hiện nay, cũng như Việt Nam, Đức đang trong quá trình cải cách luật trọng tài, vì vậy, các đại diện và luật sư đánh giá cao trao đổi từ VIAC về thực tiễn và các thuận lợi, khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Qua các trao đổi, hai bên kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp hữu ích trong tiến trình hoàn thiện khung pháp lý trọng tài của quốc gia; đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của trọng tài và ADRs trong thời gian tới.
 
Từ góc độ tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cũng có những chia sẻ về nhu cầu của doanh nghiệp Đức trong việc hỗ trợ về pháp lý, cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp luật và giải quyết tranh chấp thời gian gần đây. TS. Stephan F. Wernicke nhận định các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, luôn cần sự trợ giúp từ các tổ chức, các cơ quan để tránh được các rủi ro về pháp lý và có một môi trường kinh doanh ổn định. Chính vì lý do đó, đại diện DIHK mong muốn có thể có cơ hội hợp tác, kết nối nhiều hơn với các tổ chức hỗ trợ pháp lý, tổ chức giải quyết tranh chấp để tư vấn, hướng dẫn xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp Đức nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung một cách hiệu quả.
 
Hội thảo “Quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật về trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức”
 
Tiếp nối buổi làm việc, ngày 13/12/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện VIAC - LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cùng các Trọng tài viên VIAC gồm: TS.LS. Phan Trung Hoài, LS. Đinh Ánh Tuyết, LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, TS.LS. Châu Huy Quang và  LS. Nguyễn Chính đã tham gia với tư cách là điều phối viên, diễn giả trong Hội thảo với chủ đề “Quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật về trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức”. Sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, Liên đoàn Luật sư Liên bang Đức, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) dưới sự chủ trì của TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF).
 
 
Tại Hội thảo, ông Bắc đã có những chia sẻ về sự gia tăng đáng kể của số lượng tranh chấp giải quyết tại VIAC trong năm 2024. Theo đó, tính đến tháng 12/2024, tổng số vụ VIAC tiếp nhận đạt đến gần 500 tranh chấp. Đây là con số ấn tượng và là mức cao nhất được ghi nhận so với cùng kỳ các năm trước. Qua đây, ông Bắc đánh giá cao và kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của trọng tài tại Việt Nam trong tương lai. Tuy vậy, ông cũng cho rằng, khi việc lựa chọn trọng tài trở nên phổ biến hơn, khung pháp lý cũng cần hoàn thiện hơn để thuận lợi hóa và tránh các rủi ro khi áp dụng. 
 
Ngoài ra, qua số liệu của VIAC, ông Bắc cũng nhận định, Đức hiện là quốc gia quốc gia đứng thứ năm trong số các quốc gia có các bên tranh chấp tại VIAC. Do đó, việc triển khai các hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các luật sư Việt Nam và Đức đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giúp cộng đồng doanh nghiệp, luật sư Đức hiểu hơn về hoạt động trọng tài nói riêng và ADRs nói chung tại Việt Nam. Đồng thời, các buổi trao đổi cũng là cơ hội để VIAC lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các luật sư nước ngoài, qua đó, cải thiện quy trình và nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp. 
 
Bên cạnh hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, VIAC cũng có nhiều đóng góp, hỗ trợ thiết thực cho chính quyền, doanh nghiệp, luật sư thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến, hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo. Các hoạt động được tổ chức bởi VIAC và các đối tác không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của ADRs, mà còn góp phần cải thiện cơ chế, chính sách, tạo nên môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp.
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI