...

Đại diện VIAC tham gia Tọa đàm “Pháp lý & Thị trường Bất động sản trong chu kỳ mới”

05 Tháng 6, 2024

Chiều ngày 30/05/2024 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HREC) đã tổ chức Tọa đàm “Pháp lý & Thị trường Bất động sản trong chu kỳ mới”. Đây là một sự kiện quan trọng, thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên trách, các chuyên gia pháp lý, kinh tế và các nhà hoạt động thực tiễn về lĩnh vực bất động sản. Thông qua hình thức cập nhật thông tin, chia sẻ giải pháp, ghi nhận thắc mắc và giải đáp từ quan điểm của những chuyên gia đầu ngành, buổi tọa đàm đã cung cấp cho người tham dự một bức tranh toàn cảnh về các xu hướng pháp lý lẫn bối cảnh thị trường bất động sản trong giai đoạn có nhiều thay đổi.

Tham gia trình bày tại Tọa đàm, LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những đánh giá liên quan tới xu hướng tranh chấp bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới. Theo thống kê từ VIAC, trong năm 2023, số vụ tranh chấp lên tới 424 vụ, ghi nhận mức tăng kỷ lục so với số lượng vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC các năm trước đó. Trong tổng số 424 vụ tranh chấp thì có tới 111 vụ tranh chấp liên quan tới bất động sản, chiếm tới 26%. Như vậy, có thể thấy rằng, việc kinh doanh, đầu tư trong bất động sản rất phổ biến, tồn tại rủi ro cao, giá trị tranh chấp cũng lớn. Ông Bắc chỉ ra 04 dạng tranh chấp phổ biến về bất động sản trong thời gian qua.

Thứ nhất, tranh chấp về mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, khi chưa đủ điều kiện kinh doanh.

Thứ hai, tranh chấp hợp đồng đặt cọc trong mua bán bất động sản.

Thứ ba, tranh chấp về hợp tác kinh doanh bất động sản.

Thứ tư, một số dạng tranh chấp khác liên quan đến việc thuê, thực hiện dịch vụ tư vấn, mua bán và sáp nhập bất động sản...

Dưới tác động của nhiều quy định mới, ông Bắc tin tưởng rằng các giao dịch bất động sản trong chu kỳ mới được kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc việt trong các giao dịch mua bán bất động sản, từ đó, quyền lợi của bên yếu thế - bên mua sẽ được bảo vệ tối ưu hơn. Bên cạnh đó, sự thay đổi quy định pháp luật sẽ tăng lượng đầu tư, từ đó gia tăng tỷ lệ các giao dịch bất động sản.

Một số quy định mới đáng lưu tâm:

Luật Đất đai 2024 bổ sung quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất (Điều 30) và quyền cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất (Điều 34).

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định đưa việc công khai thông tin bất động sản vào kinh doanh được quy định chặt chẽ hơn và bổ sung các hành vi bị cấm (Điều 6), nhằm hạn chế các nhầm lẫn, tranh chấp liên quan đến tính pháp lý của các dự án bất động sản. Quy định về việc chuyển nhượng dự án bất động sản được quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn. Ví dụ thông qua các mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Luật Nhà ở 2023 bổ sung thẩm quyền của trọng tài thương mại và quy định cụ thể hơn đối với nhà ở xã hội.

___________________________

* Các sự kiện sắp diễn ra liên quan đến lĩnh vực Bất động sản:

  1. Ngày 11/7/2024: Hội thảo "Pháp lý và tài chính trong giao dịch M&A bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới", trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh
    >>> Đăng ký tham dự tại đây
  2. Ngày 12/7/2024: Tọa đàm về một số vấn đề trong giải quyết tranh chấp bất động sản, trực tuyến qua Zoom
    >>> Đăng ký tham dự tại đây
  3. Ngày 18/7/2024: Hội thảo "Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới", trực tiếp tại TP. Nha Trang - Khánh Hòa
    >>> Đăng ký tham dự tại đây

Các chương trình trên nằm trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện về Quản trị Pháp lý Doanh nghiệp 2024 - Legal Management Series 2024 (LMS 2024) do VIAC và các đối tác phối hợp triển khai. Vui lòng theo dõi thông tin cập nhật về LMS 2024 tại đây.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI