Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).
Tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam và Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược quan trọng của nhau trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế.
Trong năm 2019, Nhật Bản là đối tác lớn thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại, với khoảng 4.400 dự án đầu tư tại Việt Nam, tương đương tổng số vốn lên đến gần 60 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 40 tỷ USD. Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện có khoảng hơn 4.300 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam và khoảng 64% đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Điều này chứng minh mối quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai nước và tiềm năm phát triển lớn trong tương lai.
Năm 2020, nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đều đã có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh/ và hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì nền kinh tế. Hiện tại, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và thiết lập “trạng tái bình thường mới” để phát triển kinh tế với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực. Theo đó, mức đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định.
Những nỗ lực kể trên của chính phủ hai nước để duy trì nền kinh tế được đánh giá là rất hiệu quả, tuy vậy, không thể phủ nhận rằng hoạt động kinh doanh thương mại hiện vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19.
“Cụ thể, ở góc độ vi mô – quan hệ giao dịch giữa các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng, tiêu thụ bị đứt gãy, dẫn tới nhiều giao dịch không được thực hiện hoặc chi phí thực hiện giao dịch bị tăng lên rất cao, đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước các rủi ro pháp lý như đình chỉ hợp đồng, huỷ bỏ hợp đồng hoặc thậm chí là vi phạm hợp đồng, có thể dẫn tới tranh chấp và kiện tụng”, ông Dương nhấn mạnh.
Từ thực tiễn, nhu cầu giải quyết tranh chấp tại Việt Nam và Nhật Bản, VIAC cùng các tổ chức giải quyết tranh chấp tư tại Nhật Bản đã trao đổi và đi đến đề xuất thành lập nhóm liên kết về tranh chấp thương mại tại Việt Nam – Nhật Bản (Hòa giải và Trọng tài).
Về vấn đề này, ông Dương nhấn mạnh các tổ chức trong nhóm liên kết sẽ triển khai các hoạt động hợp tác theo nhiều mức độ khác nhau, đó là: Hợp tác trong Mạng lưới để tổ chức các sự kiện xúc tiến sử dụng trọng tài và hòa giải trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản; Hợp tác trong bổ sung nguồn chuyên gia chất lượng cao, có uy tín vào danh sách các trọng tài viên, hòa giải viên, đề cử thành viên Ban giải quyết tranh chấp, đề cử chuyên gia ...; Nghiên cứu tiền khả thi về việc thành lập Trung tâm giải quyết tranh chấp thương mại Việt Nam – Nhật Bản với tham vọng cộng hợp sức mạnh và uy tín của các tổ chức và phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản.
Đồng tình với các đề xuất của ông Dương, ông Kazuki Bando, Chủ tịch JCAA cũng đã đưa ra ý kiến đề xuất về sự hợp tác cùng cung cấp các thủ tục giải quyết tranh chấp lựa chọn giữa JCAA và VMC/VIAC. Ông Shiro Muto, Trưởng nhóm pháp chế JCCI và Bà Nguyễn Thu Trang, Phó Ban Pháp chế VCCI cũng đã có ý kiến ủng hộ sự chủ động, sáng tạo của VIAC, VMC, JIMC, JCAA, JIDRC – những tổ chức ADRs nổi bật nhất của Việt Nam và Nhật Bản trong việc kết nối để tận dụng được ưu thế của nhau, bổ sung cho nhau, cùng phục vụ tốt nhất cho Doanh nghiệp. Cả hai đại diện đến từ Cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đồng ý sẽ hết sức giúp đỡ việc hợp tác nói trên.
Theo Huyền Trang, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đăng ngày 18/06/2020.