Công ước Viên 1980 đã thể hiện rõ tính ưu việt trong hệ thống pháp luật thương mại quốc tế, trên cả phương diện thương mại, kinh tế và pháp lý. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc giúp giảm chi phí giao dịch và các tranh chấp phát sinh cho doanh nghiệp.
Ngày 24/11/2016, Đại học Ngoại thương phối hợp với Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Hài hòa hóa pháp luật thương mại và triển vọng trong khu vực ASEAN".
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương cho biết, trong những năm gần đây Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều công ước quốc tế song phương và đa phương.
“Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc (CISG) là một trong những công ước quốc tế đa phương về thương mại được phổ biến và áp dụng rộng rãi nhất, với hơn 80 quốc gia thành viên trên thế giới. Hiện nay, hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là thành viên của Công ước này. Việt Nam đã gia nhập CISG vào cuối tháng 12/2015 và Công ước này sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đã đem lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, gồm cả lợi ích kinh tế và lợi ích pháp lý”, ông Tân cho biết.
Ông Tân cho biết thêm, Công ước Viên 1980 đã thể hiện rõ tính ưu việt trong hệ thống pháp luật thương mại quốc tế, trên cả phương diện thương mại, kinh tế và pháp lý. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc giúp giảm chi phí giao dịch và các tranh chấp phát sinh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội cạnh tranh công bằng và tăng cường hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia phù hợp với xu thế chung của luật pháp quốc tế.
“Việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên 1980 có tác động không nhỏ về mặt pháp lý với hoạt động hàng hóa quốc tế, nếu chúng ta không có những bước chuẩn bị tốt sẽ có nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để công ước có hiệu quả cần nhận thức đầy đủ của cộng đồng, giúp doanh nghiệp khi thực thi áp dụng”, ông Tân cho hay.
Hội thảo có sự góp mặt của hơn 20 diễn giả và 150 đại biểu gồm các chuyên gia quốc tế và khu vực. Thông qua các phiên thảo luận, các doanh nghiệp, các luật sư, các chuyên gia pháp lý Việt Nam đã được giới thiệu về CISG, các lợi ích từ việc Việt Nam tham gia CISG cũng như lợi ích của việc áp dụng CISG cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà doanh nghiệp Việt Nam ký kết và các lưu ý khi áp dụng CISG./.