Sáng ngày 16/06/2020, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN) cùng tổ chức hội thảo “Hành trình 10 năm của Luật Trọng tài thương mại: Cơ hội và thách thức”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).
Hội thảo “Hành trình 10 năm của Luật Trọng tài thương mại: Cơ hội và thách thức” thu hút sự quan tâm của rất nhiều diễn giả, chuyên gia, và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh 10 thực thi Luật Trọng tài Thương mại thực thi không phải là thời gian quá ngắn nhưng cũng không quá dài.
“Nếu so với quá trình hội nhập của đất nước 10 năm Luật Trọng tài Thương mại là thời gian tương đối dài. Trong khoảng thời gian 10 năm ấy chúng ta đã có hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực trọng với đầy đủ các hướng dẫn. Trong khoảng thời gian ấy, chúng ta có gần 30 trung tâm trọng tài với hàng nghìn trọng tài viên có chất lượng”, ông Huỳnh nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam
Vẫn theo ông Huỳnh, so với hệ thống pháp luật hiện hành thì khoảng thời gian 10 năm thi hành luật trọng tài lại là một khoảng thời gian tương đối ngắn nhưng trong quá trình thực thi Luật Trọng tài Thương mại là hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực trọng tài.
"Qua 10 năm áp dụng Luật Trọng tài Thương mại cho thấy Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và hoạt động trọng tài ngày càng được cộng đồng quan tâm và đón nhận nhiều hơn. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế áp dụng đạo luật này cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập vào hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Úc cũng khẳng định Luật Trọng tài Thương mại cũng tương đối thích hợp với các chuẩn mực quốc tế về Trọng tài (Luật mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế - UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration 1985; sửa đổi bổ sung năm 2006).
Với VIAC, trong những năm gần đây, tranh chấp xây dựng đưa đến giải quyết tại VIAC đang ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm chiếm khoảng 10% tranh chấp được giải quyết tại VIAC và cũng là những vụ có trị giá cũng như độ phức tạp cao nhất. Với đội ngũ trọng tài viên là những chuyên gia hàng đầu về xây dựng và pháp luật xây dựng tại Việt Nam, VIAC đã từng giải quyết nhiều vụ tranh chấp lớn với trị giá lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2019, VIAC đã giải quyết 1.259 vụ tranh chấp, tăng 336% so với giai đoạn 2003-2010. Các bên tranh chấp đến từ trên 60 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới. Chất lượng giải quyết tranh chấp ngày càng được cải thiện. Các Trọng tài viên được tập huấn và trao đổi kinh nghiệm giải quyết tranh chấp. Quy trình giải quyết tranh chấp ngày càng được cải tiến và hoàn thiện. Thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn.
VIAC cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo tiêu chí linh hoạt và thuận tiện của trọng tài như việc tổ chức các phiên họp qua hình thức trực tuyến, teleconference, video conference, giúp các bên tranh chấp tiết kiệm thời gian và chi phí khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Theo Huyền Trang, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 17/06/2020.