...

Hiểu cho đúng về “Made in Vietnam”

29 Tháng 10, 2019

LS Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, hiện nay chúng ta đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm là "Made in Vietnam" và "Origin of Vietnam".

- Ông có thể giải thích rõ hơn về sự khác biệt giữa hai khái niệm "Made in Vietnam" và "Origin of Vietnam"?

Hai khái niệm này thể hiện một là hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và khái niệm còn lại chỉ tiêu chuẩn của hàng hóa, đây là hai khái niệm khác nhau, nhưng lại có sự giao thoa, liên hệ mật thiết với nhau và không phải ai cũng có thể hiểu hết được về vấn đề này.

Origin of Vietnam (xuất xứ hàng hóa Việt Nam) là một khái niệm đã được Luật hóa cụ thể. Để được chứng nhận là Origin of Vietnam thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và được các cơ quan có thẩm quyền chứng thực hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất có hay không đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam, bên cạnh việc một số doanh nghiệp cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của mình nếu đáp ứng điều kiện pháp luật cho phép.

Còn đối với Made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam), mọi người vẫn hiểu nó là một công đoạn sản xuất tại Việt Nam. Nhưng theo tôi, hiện nay Made in Vietnam đang có nhiều điều để nói. Thứ nhất là nó chưa được luật hóa bằng những văn bản trong hệ thống các văn bản pháp luật. Thứ hai là khái niệm Made in Vietnam hiện nay cần phải được thu hẹp lại, tức là doanh nghiệp phải vượt qua được điều kiện sản xuất, gia công, chế biến cơ bản nhất thì mới được gọi là Made in Vietnam và đủ điều kiện cần để có thể chứng nhận xuất xứ Việt Nam

- Các phương pháp xác định xuất xứ Việt Nam hiện nay cũng đang gây nhiều tranh cãi, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Đúng là đang có sự nhầm lẫn giữa phương pháp tính Giá trị và phương pháp tính Số lượng của các sản phẩm có tỷ lệ nhập khẩu và nội địa để khẳng định rằng sản phẩm đó có được gọi là sản xuất tại Việt Nam hay không? Theo cách tính trị giá gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa do Bộ Công Thương quy định khi doanh nghiệp đề nghị cấp C/O form B tại Phòng Thương mại và Công nhiệp Việt Nam – VCCI thì được xác định theo tiêu chí “Tỷ lệ phần trăm giá trị” (LVC) cho hàng hóa xuất xứ Việt Nam không ưu đãi. Còn đối với các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O theo các hiệp định FTA tại Bộ Công Thương thì được tính theo tiêu chí “Hàm lượng giá trị khu vực” (RVC).

Made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam) và Origin of Vietnam (xuất xứ hàng hóa Việt Nam) là hai khái niệm khác nhau, nhưng lại có sự giao thoa, liên hệ mật thiết với nhau

Theo tôi, khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến trị giá gia tăng, doanh nghiệp có quyền nhập bán thành phẩm hoặc là nguyên liệu từ nước ngoài về nước để sản xuất và phải tính được nguyên liệu nhập về chiếm bao nhiêu % giá trị của hàng hóa xuất khẩu. Đối với một số sản phẩm, giá trị nguyên liệu xuất xứ Việt Nam trong sản phẩm có nguyên phụ liệu nhập khẩu để đạt được xuất xứ Việt Nam thì tỷ lệ này nguyên phụ liệu Việt Nam tối thiểu phải là 30%.

Tuy nhiên, hiện nay đang có sự hiểu nhầm về cách tính tỷ lệ nội địa hóa, thay vì phải tính theo phương pháp giá trị thì lại được hiểu theo phương pháp số lượng. Ví dụ, với một sản phẩm có 5 bộ phận để hoàn chỉnh mà doanh nhiệp nhập khẩu về 04 bộ phận, chỉ có 01 bộ phận được sản xuất ở trong nước. Nếu nhìn vào tỷ lệ này thì đánh giá đây không phải là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam mà là của nước ngoài. Tuy nhiên, nếu theo phương pháp giá trị, 01 bộ phận được sản xuất ở trong nước lại có giá trị tối thiểu 30% giá trị sản phẩm thì theo quy định, sản phẩm này phải được công nhận là xuất xứ Việt Nam.

Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đăng ngày 08/08/2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI