...

Hội nghị "Hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thích ứng trong điều kiện kinh doanh mới"

17 Tháng 12, 2021
 
Ngày 17 tháng 12 năm 2021, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức buổi hội nghị với chủ đề “Hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thích ứng trong điều kiện kinh doanh mới”. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, để hỗ trợ doanh nghiệp có thể theo dõi cũng như dễ dàng trao đổi cùng các diễn giả, chương trình được tổ chức với 2 hình thức là trực tuyến (qua các nền tảng Zoom, Facbook và Youtube) và trực tiếp tại Khách sạn REX, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Chương trình diễn ra với tham dự trực tiếp của hơn 40 đại biểu là đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI, các đơn vị truyền thông và hơn 500 đại biểu tham dự trên các kênh truyền thông của VIAC.
 
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đưa ra một số nhận định về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 10 năm 2021 vừa qua, cũng như tình trạng của doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với những nỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước với gần 49 tỷ USD, con số này khá cao khi chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư trên cả nước. Tiếp nối, Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng có đôi lời phát biểu chào mừng tại Hội nghị. Ông nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới đã được đưa ra. Đây là tín hiệu tốt, tạo cơ sở cho sự phục hồi dần của các doanh nghiệp, kéo theo đó, dự kiến vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022.
 
Mở đầu Hội nghị là phần chia sẻ về bức tranh hoạt động đầu tư trong giai đoạn “bình thường mới” và kịch bản cho nhà đầu tư nước ngoài năm 2022. Ông Tharabodee Serng Adichaiwit – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) bà Catherine Tran – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leonglee đã có những chia sẻ chân thực về hậu quả của đại dịch Covid-19. Bà Catherine Tran cho biết doanh nghiệp hiện đang gặp phải muôn vàn khó khăn như: phí logistics tăng mạnh, thủ tục hải quan mất nhiều thời gian để hoàn thành, hạn chế đi lại ở một số tỉnh thành… Từ những bất lợi này, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đã đưa ra kế hoạch hành động thích hợp, đó là nhanh chóng trở lại với giai đoạn “bình thường mới”, bằng cách duy trì kế hoạch phòng ngừa và dự phòng cho Covid-19; tối ưu hóa khả năng làm việc và quy trình hoạt động của Công ty; đảm bảo 100% nhân viên trở lại làm việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ ban hành về phòng dịch. Đồng thời, bà cho rằng doanh nghiệp cần khám phá các cơ hội kinh doanh tiềm năng và lập kế hoạch kinh doanh dài hạn để luôn trong trạng thái “sẵn sàng thay đổi”, ứng phó nhanh nhạy với các diễn biến đại dịch.  Đại diện doanh nghiệp ông Frank Van Oojien – CEO Công ty TNHH Cleandye Vietnam nêu lên tình trạng của doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh Covid-19, đặc biệt ở giai đoạn lock-down, đã gây ra thiệt hại nặng nề, trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn thu của doanh nghiệp. Việc áp dụng chính sách “3 tại chỗ” do Chính phủ ban hành tiêu tốn một khoản chi phí lớn để đảm bảo việc thực thi đáp ứng đủ các yêu cầu nghiêm ngặt. Thế nhưng, nhờ vào sự hỗ trợ của công tác y tế địa phương và chính sách tiêm chủng kịp thời của Nhà nước đã giúp doanh nghiệp dần phục hồi và có những tín hiệu tăng trưởng mới đáng mừng.
 
Tiếp nối phần chia sẻ của đại diện các đơn vị/ doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) đã vẽ ra bức tranh kinh tế khái quát của năm 2021 với nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời đưa ra những định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong năm tới. Theo đó, ông cho rằng triển vọng phục hồi kinh tế sau Covid-19 liên quan mật thiết tới đà phục hồi của cả mạng lưới sản xuất khu vực Châu Á. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ Hiệp định thế hệ mới RCEP trong tiến trình cũng như chiến dịch đầu tư dài hạn. Cuối cùng, ông đưa ra những gợi mở về các phương án phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài thích ứng với bối cảnh mới, cụ thể như: học hỏi tư duy mới về xúc tiến đầu tư; xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực y tế và các lĩnh vực liên quan thông qua nền tảng số.
 
Sau phần trình bày của ông Nguyễn Anh Dương, từ góc độ pháp lý, ông Frederick R. Burke – Cố vấn cấp cao Baker & McKenzie (Vietnam) LTD, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đưa ra một số kiến nghị về giải pháp pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời kỳ Covid-19. Ông nhận định rằng với tình hình dịch bất ổn như hiện nay, thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai tới. Với sự tập trung vào “khả năng phục hồi” ở các thị trường xuất khẩu khi các nước đang muốn đẩy mạnh việc mang hoạt động sản xuất về lại nước mình, các doanh nghiệp sẽ khó có thể thu hút được nguồn FDI dồi dào như trước. Bên cạnh đó, những mắt xích yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự thiếu hụt các điểm đến đầu tư tin cậy hay mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe cộng đồng với nền kinh tế đều là những quan ngại mà các nước đang phải đối mặt. Ông kiến nghị các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ càng về các quyền và biện pháp khắc phục trước khi đề xuất một kế hoạch đầu tư, cụ thể là các biện pháp bảo vệ theo hợp đồng và giấy phép; các biện pháp bảo hiểm đầu tư; các vấn đề liên quan đến phá sản và kiện tụng. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra phương thức giải quyết tranh chấp là Trọng tài và lưu ý doanh nghiệp ở một số điểm chính như lựa chọn phương thức phù hợp, phạm vi của điều khoản trọng tài, xác định trước rủi ro, xem xét khuôn khổ các Điều ước quốc tế.
 
Phần thảo luận, giải đáp thắc mắc với sự điều phối của ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) diễn ra sôi nổi với sự tham gia tích cực và nhiều đóng góp từ phía các doanh nghiệp tham dự.
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI