Chuyển đổi số là một trong những xu hướng phát triển chung của hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Riêng ở Việt Nam, công nghệ số đã được nhiều doanh nghiệp vào hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, kinh doanh của tổ chức.
Với mục tiêu cung cấp các thông tin cần thiết về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, từ đó đưa ra một số lưu ý quan trọng về thị trường và pháp lý trong quá trình chuyển đổi số, ngày 23 tháng 4 năm 2021, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Hội thảo “Bứt phá chuyển đổi số - Giải đáp về thị trường và pháp lý” với 100 đại biểu tham dự là đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC)
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhận định “chuyển đổi số” đã trở thành xu thế phát triển tất yếu trong đời sống xã hội cũng như hoạt động kinh tế. Thời gian vừa qua, vấn đề chuyển đổi số luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan nhà nước. Theo đó, nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhanh chóng, toàn diện, chẳng hạn Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình chuyển đổi số và phấn đấu đến năm 2030 thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản toàn diện của chính quyền và doanh nghiệp; cùng với đó trong nội bộ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà nước cũng khuyến khích có các chính sách tự thay đổi, tự chuyển hóa để tiếp cận gần hơn với nền kinh tế hiện đại. Qua những biểu hiện này, có thể thấy, chuyển đổi số đang có tác động to lớn đến cuộc sống hiện tại cũng như tương lai, do đó, bản thân doanh nghiệp cần phải có sự quan tâm đúng mực đến vấn đề này để có được các chiến lược hợp lý, từ đó thích nghi kịp thời và đáp ứng xu hướng hiện tại.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM)
Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã có phần trình bày về “Kinh tế số năm 2020 và 2021: Sự bùng bổ của chuyển đổi số và thách thức trên thị trường mới”. Thông qua số liệu thống kê cụ thể về sự tăng trường GDP và tăng trưởng CPI của Việt Nam trong năm 2020, ông Dũng đánh giá cao cũng như nhận định đầy tích cực về sự phát triển của ngành thương mại điện tử thời gian vừa qua cũng như sắp tới. ÔNg cho rằng làn sóng tiêu dùng Go Online đang rất lớn và doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng này. Thương mại điện tử ngày càng phổ biến hơn là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn về việc đảm bảo chất lượng hàng hóa và trải nghiệm mua sắm. Từ việc đánh giá thực tiễn cũng như phản hồi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, diễn giả nhấn mạnh để có một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại thì hòa giải trực tuyến là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa – Chuyên gia Công ngệ thông tin, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Tiếp nối phần trình bày của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa – Chuyên gia Công ngệ thông tin, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã có phần trình bày về bản chất của chuyển đổi số, thực tiễn và những yêu cầu để thuận lợi hóa quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Theo đó, thông qua việc làm rõ sự cần thiết của chuyển đổi số trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là việc ứng dụng công cụ công nghệ thông tin mà còn phải chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, sang kinh tế chia sẻ và hơn cả là kinh tế số. Từ những khái niệm trên, chuyên gia đã có những phân tích cụ thể các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Ngoài ra, ông cũng đưa ra những ví dụ cụ thể cho quá trình chuyển đổi số ở từng lĩnh vực, ngành nghề như trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, môi trường, y tế, … Cuối cùng, chuyên gia nhận định quá trình chuyển đổi số luôn cần đến sự kiên kết, hợp tác. Kết quả chuyển đổi số sẽ là sự thanh lọc, chỉ những doanh nghiệp giỏi hay các chuỗi liên kết có sức mạnh cạnh tranh cao mới có thể tồn tại và phát triển ổn định.
Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC
Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Tuấn Hoa, từ góc độ pháp lý, ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC đã có phần trình bày liên quan đến những thay đổi quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quản trị rủi ro và giải quyết tranh chấp trực tuyến tại Việt Nam hiện nay. Báo cáo viên đã đưa ra những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong giao dịch thương mại điện tử và có một số đánh giá chi tiết về mối quan hệ 3 bên giữa nhà cung cấp – sàn – người tiêu dùng. Về phương thức giải quyết tranh chấp, diễn giả đã nêu và làm rõ những điều kiện chung trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, cùng với đó là cập nhập xu hướng giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Từ đó có những đúc kết cụ thể về trường hợp nào nên áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp nào để doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong khắc phục, hạn chế rủi ro, cũng như xử lý tranh chấp khi tham gia giao dịch trong bối cảnh kinh tế số. Bên cạnh đó, báo cáo viên đã có phần giới thiệu và trình bày về nền tảng giải quyết tranh chấp ODR, được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án sử dụng trên nền tảng trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin. Theo đó, nắm bắt được tính cần thiết về giải quyết tranh chấp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện tại, ngày 31/3/2021 Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chính thức giới thiệu về MedUp - nền tảng hòa giải trực tuyến được phát triển bởi trung tâm với hy vọng có thể cung cấp giải pháp công nghệ đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua hòa giải trực tuyến.
Sau phần trình bày của các diễn giả là phần thảo luận, giải đáp thắc mắc với sự tham gia tích cực và nhiều đóng góp từ phía các doanh nghiệp tham dự. Với hình thức hội thảo mới lạ, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi trực tiếp không chỉ với các báo cáo viên mà còn với các doanh nghiệp bạn.