Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn trong thời gian dài bởi dịch bệnh hoành hành. Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã gây nên tác động tiêu cực trên toàn bộ các ngành nghề, lĩnh vực. Việt Nam mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình khắc phục ảnh hưởng của Covid-19 nhưng vẫn khó có thể dự đoán tốc độ hồi phục sau dịch. |
Với chủ đề “Vận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do trong bối cảnh hiện nay” bà Cao Thị Phi Vân đã đưa ra những nhận định cụ thể về sự phát triển của Việt Nam nhờ việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia tích cực các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc tham gia các FTA không chỉ là xu hướng đương thời, mà hơn hết, đó còn là cơ hội giúp thuận lợi hóa hơn hoạt động kinh doanh, kích cầu nền kinh tế. Như vậy, để có thể tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thị trường cũng như quy định pháp luật. Hiện nay, khung pháp luật Việt Nam đã có những thay đổi nhất định để “nội hóa” một số nguyên tắc từ Hiệp định, tuy nhiên, điều này sẽ không loại trừ việc doanh nghiệp phải liên tục cập nhật và hiểu rõ điều khoản trong các Hiệp định thương mại tự do để việc áp dụng được chặt chẽ, phù hợp. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế liên tục chuyển mình, bà Vân tin rằng ITPC sẽ là đơn vị đồng hành, lắng nghe để hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề, những bất cập trong việc áp dụng hiệp định, cũng như đưa ra phương án, định hướng phù hợp, lâu dài.
Từ góc tiếp cận về vấn đề pháp lý, Luật sư Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần tham luận về những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi tiến hành các phương án mới nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh. Thời gian vừa qua, dưới áp lực của dịch bệnh, việc viện dẫn yếu tố bất khả kháng nhằm trì hoãn thực hiện hợp đồng trở thành hiện tượng phổ biến, gây trở ngại cho không ít doanh nghiệp. Sau đại dịch, các doanh nghiệp đều đang nỗ lực “tìm lối thoát”, khắc phục thiệt hại; lúc này, vấn đề hoãn thực hiện, điều chỉnh hay chấm dứt hợp đồng là câu hỏi mà đa phần doanh nghiệp quan tâm. Nhằm giải đáp các vướng mắc, tại bài trình bày, Luật sư Kính đã chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như các lưu ý cần thiết giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục hợp đồng với các đối tác cũ và thiết lập hợp đồng với đối tác mới. Bên cạnh đó, thời điểm dịch bệnh bùng phát và kéo dài, thực thi chính sách giãn cách xã hội, đã tạo cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của các công cụ trực tuyến. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận tính hiệu quả nhanh chóng mà việc kinh doanh, hoạt động trực tuyến mang lại, đặc biệt là trong giai đoạn đặc biệt như Covid-19; tuy vậy, song song với lợi ích đó, rủi ro pháp lý từ phương thức kinh doanh 4.0 này cũng phát sinh khá nhiều do quy định pháp luật chưa điều chỉnh một cách đầy đủ. Luật sư Kính nhận định, để việc sử dụng hình thức online thực sự an toàn, hiệu quả, doanh nghiệp cần phải cân nhắc, hiểu đúng và đủ các điều khoản điều chỉnh để hạn chế tối đa được các thiệt hai không đáng có xảy ra.
Tiếp nối phần tham luận của Luật sư Lê Thành Kính, Luật sư Lương Văn Lý – Cố vấn cao cấp Global Lawyers – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đưa ra nhận định về một số dạng tranh chấp phát sinh nhiều trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 và vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp. Theo Luật sư Lý, với những thay đổi đột ngột và khó kiểm soát của dịch bệnh, tranh chấp từ hoạt động kinh doanh phát sinh nhiều hơn. Đa phần các tranh chấp tập trung vào vấn đề hoãn, hủy hợp đồng liên quan đến yếu tố sự kiện bất khả kháng. Nhìn chung, không ai dự kiến được dịch bệnh Covid-19 kéo dài bao lâu hoặc khi tạm qua thì có trở lại hay không, các doanh nghiệp trở nên “mơ hồ” với các hướng đi cũng như “loay hoay” tìm kiếm phương pháp khắc phục khó khăn. Thực tế tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, trong và sau đại dịch, doanh nghiệp đều gặp rắc rối với bạn hàng, phát sinh mâu thuẫn và cần định hướng phương pháp giải quyết nhanh chóng, phù hợp. Luật sư Lý cho rằng, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong việc giải quyết tranh chấp tùy vào thiện chí của các bên. Doanh nghiệp có thể giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải trước; trường hợp các phương án này không đạt được hiệu quả, phương thức trọng tài hoặc Tòa án sẽ là con đường tiếp theo. Với một số ưu điểm nổi trội, hiện nay, trọng tài, hòa giải đang dần trở thành xu hướng giải quyết tranh chấp ở hầu hết các quốc gia. Tuy vậy, cần lưu ý rằng, để sử dụng các phương thức này, doanh nghiêp phải thỏa thuận xây dựng điều khoản về giải quyết tranh chấp một cách chặt chẽ với đối tác để tránh trường hợp khó áp dụng khi mâu thuẫn xảy ra.
Bước vào phần hỏi đáp, với sự điều phối của bà Cao Thị Phi Vân và nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp, đã mang lại những hiệu quả nhất định. Từ đó giúp các doanh nghiệp xác định rõ cách thức áp dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do cũng như vấn đề pháp lý cần được quan tâm khi thương thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng.