...

Hội thảo “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng"

29 Tháng 4, 2021

Tại hội thảo "Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong Thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu của CIEM nhận định, số vụ tranh chấp trên môi trường thương mại điện tử xu hướng gia tăng. Ngay cả với thị trường truyền thống với hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh hơn, nhưng tốc độ giải quyết những tranh chấp này cũng không nhanh, thậm chí không dễ dàng. Trên môi trường trực tuyến, việc giải quyết những vấn đề tranh chấp càng trở phức tạp.

Đối với những quan ngại về các hành vi gian lận về hàng giả, thông tin, dữ liệu thanh toán và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến, thì "đối sách" phổ biến hiện nay là tăng cường hiệu quả quản lý đối với thương mại điện tử và các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử. Trong khi đó, việc làm sao để đơn giản hóa, giảm thời gian và/hoặc chi phí cho xử lý tranh chấp giữa các bên tham gia thương mại điện tử lại ít được lưu tâm.

 
 

Tranh chấp trên thương mại điện tử gia tăng

Theo Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình 38% trong 5 năm trở lại đây  và dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng, số vụ tranh chấp phát sinh trên môi trường thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng như một hệ quả tất yếu. Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM Nguyễn Anh Dương cho biết, mặc dù cơ chế xử lý tranh chấp được thiết lập trực tiếp trong các sàn thương mại điện tử nhưng chưa đủ hữu hiệu để xử lý các vụ việc phức tạp giữa các bên.

Bên cạnh đó, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng như làm gia tăng tranh chấp trong các hoạt động thương mại. Khả năng các bên trực tiếp gặp nhau để hòa giải cũng hạn chế hơn. Việc giải quyết những tranh chấp càng khó khăn hơn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Những thực tế kể trên dẫn đến nhu cầu cấp bách phát triển nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến đủ rộng, đủ hữu hiệu để áp dụng được trong cả môi trường thương mại điện tử và thương mại truyền thống.

Trong những phương thức giải quyết tranh chấp hiện nay, có tới 57,8% các doanh nghiệp và cá nhân thường lựa chọn thương lượng và toà án chiếm 46,8%. Phương thức hoà giải (22,8%) và trọng tài (16,9%) ít phổ biến hơn do các vấn đề liên quan đến cơ chế ràng buộc thực thi. Trong khi đó, hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) được coi là sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp thì lại chưa được nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết đến và sử dụng. Đáng chú ý, kết quả khảo sát của CIEM với gần 400 doanh nghiệp cho biết, chỉ 25% trong số đó đã từng nghe đến ODR và 32,2% doanh nghiệp cho rằng ODR có thể áp dụng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương chỉ rõ, ưu điểm của ODR là tính khả thi về kinh tế, hiệu quả, nhanh chóng và linh hoạt nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các bên sẽ giao tiếp nhiều và thuận tiện hơn, cho phép tiếp cận vấn đề trung lập tốt hơn. Phương pháp này cũng không bị giới hạn về phạm vi lãnh thổ, tạo điều kiện lưu trữ hồ sơ, dữ liệu cũng như quản lý, tìm kiếm tài liệu dễ dàng hơn.

Cần đồng bộ hệ thống chính sách

Trên cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia của CIEM cũng cho biết, nhược điểm của ODR là yêu cầu về kỹ năng sử dụng máy tính, công nghệ thông tin của những người tham gia. Tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng cho ODR chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Nếu là tranh chấp xuyên bên giới thì các bên có thể sẽ gặp rào cản về ngôn ngữ.

Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bổ sung, Việt Nam hiện nay nằm trong số 20 nước có số người sử dụng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới. Tuy thương mại điện tử đang có những bước tiến vượt trội nhưng thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, có tới 72% số người dùng phản ánh chất lượng sản phẩm thấp hơn những thông tin quảng cáo. Như vậy tỷ lệ người tiêu dùng không hài lòng với chất lượng hàng hóa cũng như với nhà cung cấp là rất cao. Cùng với đó, những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng ngày càng phổ biến như người bán không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm; không chịu trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hóa;… Do đó, cần có một cơ chế thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng và phải đạt tiêu chí đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp, dễ dàng tiếp cận. Hiện nay, VIAC đã cung cấp dịch vụ hòa giải trực tuyến tuy nhiên điều kiện về hệ thống cơ sở pháp lý và các nền tảng hạ tầng trong nước chưa đồng đều.

Từ những thực trạng trên, ông Joe Al-Khayat, Đồng sáng lập Công ty Giải quyết tranh chấp trực tuyến (RDO) cho rằng, các giao dịch trên không gian mạng trong nước và xuyên biên giới ngày càng nhiều. Điều này đặt ra thách thức cho Chính phủ trong việc xây dựng hạ tầng để hỗ trợ cho giải quyết tranh chấp trực tuyến. Phát triển công nghệ chữ ký số cũng là một trong những giải pháp giúp giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng và giảm thiểu thủ tục.

Đồng thời, các chuyên gia tại hội thảo kiến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các điều kiện để phổ biến ODR và ứng dụng ODR hữu hiệu hơn trong cả hoạt động thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Trên cơ sở nghiên cứu, kết quả khảo sát doanh nghiệp Việt Nam, nhóm nghiên cứu CIEM đã có một số đề xuất chung như cần xác định và hướng dẫn chuyển đổi mô hình kinh tế, tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển khu vực tư nhân. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI