Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ-thông tin, thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một nhân tố cạnh tranh trong thời đại công nghệ 4.0. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ cùng với các biện pháp ứng phó (như giãn cách xã hội, phong tỏa, đóng cửa biên giới, tạm dừng hoạt động nhà máy, cửa hàng, v.v.), các hoạt động thương mại, kể cả thương mại qua biên giới, đã chuyển dần theo hướng dựa nhiều hơn vào các nền tảng trực tuyến.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, số lượng tranh chấp phát sinh có xu hướng gia tăng. Mặc dù cơ chế xử lý tranh chấp được thiết lập trực tiếp trong các sàn thương mại điện tử, cơ chế này có thể chưa đủ hữu hiệu để xử lý tranh chấp phức tạp giữa các bên. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm gia tăng tranh chấp trong hoạt động thương mại truyền thống, kể cả thương mại qua biên giới, mà khả năng các bên trực tiếp gặp nhau và/hoặc gặp bên thứ ba (trọng tài, hòa giải viên, v.v.) trở nên hạn chế, thậm chí không khả thi. Giải quyết những tranh chấp càng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những thực tế đó đã dẫn đến nhu cầu cấp bách phát triển nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến đủ rộng, đủ hữu hiệu để áp dụng được trong cả môi trường thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Trong khung khổ Chương trình Hỗ trợ thương mại do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ nhằm phát triển thương mại điện tử cho các nước ASEAN, do Công ty DT Global quản lý, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện Dự án “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong Thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng”. Hoạt động đầu tiên của Dự án là xây dựng Báo cáo nghiên cứu, trong đó tập trung vào: (i) Rà soát các khái niệm liên quan đến giải quyết tranh chấp, giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng (ADR) và giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR); (ii) Xác định các yêu cầu đối với ứng dụng ODR ở Việt Nam, tập trung vào các yêu cầu về kinh tế, pháp lý, cơ sở hạ tầng thông tin, và nguồn nhân lực; (iii) Đánh giá khả năng áp dụng ODR cho Việt Nam trên cơ sở khảo sát doanh nghiệp; và (v) Các khuyến nghị cụ thể để thúc đẩy ODR tại Việt Nam.
Hội thảo đã nhìn nhận tiềm năng phát triển của thương mại điện tử và những cơ hội mới được tạo ra cho tăng trưởng thương mại và kinh tế toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là có thị trường thương mại điện tử phát triển tương đối năng động, với số lượng người sử dụng Internet đạt tới 400 triệu và quy mô thương mại điện tử đạt tới 105 tỷ USD vào năm 2020 (Google, Temasek và Bain). Các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Các hiệp định thương mại tự do mới, kể cả RCEP, cũng có Chương thương mại điện tử.
Trong những thập niên vừa qua, cải cách thể chế kinh tế đã góp phần quan trọng để Việt Nam đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, v.v. Ngay cả khi hứng chịu nhiều tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19 và những biện pháp ứng phó đại dịch ở nhiều thị trường năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, đạt hơn 2,9% trong năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại trong nước hầu như được mở rộng liên tục. Cùng với việc cải thiện thu nhập, gia tăng tầng lớp có thu nhập trung bình, và sự phát triển của công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam trở thành một xu hướng tất yếu. Được đánh giá là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tăng từ 3 tỷ USD năm 2015 lên 12 tỷ USD năm 2019, với tốc độ tăng trung bình là 38%. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng trong bối cảnh COVID-19, nhưng thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng tới 16%, quy mô thị trường đạt 14 tỷ USD. Google, Temasek và Bain dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020-2025 là 29%.
Hội thảo cũng nhìn nhận xu hướng gia tăng số vụ tranh chấp trên môi trường thương mại điện tử. Ngay cả với thị trường truyền thống với hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh hơn, giải quyết những tranh chấp này có thể không nhanh, thậm chí không dễ dàng. Trên môi trường Internet, việc giải quyết những vấn đề như vậy càng trở phức tạp hơn. Đối với những quan ngại về các hành vi gian lận về hàng giả, thông tin, dữ liệu thanh toán và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến, cách tiếp cận chính sách phổ biến hiện nay là gia tăng hiệu quả quản lý đối với thương mại điện tử và các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử. Trong khi đó, cách tiếp cận thông qua đơn giản hóa, giảm thời gian và/hoặc chi phí cho xử lý tranh chấp giữa các bên tham gia thương mại điện tử ít được lưu tâm hơn.
Hội thảo nhìn nhận 4 phương thức giải quyết tranh chấp ở Việt Nam, bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Trong đó, thương lượng, hòa giải và trọng tài là các phương pháp giải quyết tranh chấp chấp ngoài tố tụng. Thuật ngữ “giải quyết tranh chấp” đã trở nên quen thuộc hơn với Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nội dung về giải quyết tranh chấp. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các doanh nghiệp và cá nhân thường lựa chọn phương pháp thương lượng (57,8%), tòa án (46,8%) để giải quyết tranh chấp, hòa giải (22,8%) và trọng tài (16,9%) do các vấn đề liên quan đến cơ chế ràng buộc thực thi.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang dần chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến để đàm phán, sửa đổi và ký hợp đồng, nhu cầu về giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) cũng ngày càng cao, nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đơn giản và tốn ít chi phí hơn. Ủy ban Kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) đã bắt đầu thảo luận về các ý tưởng và khuôn khổ thúc đẩy ODR từ năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam ít nhiều đã có những thảo luận về mức độ phù hợp của ODR. Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra một giải pháp là nghiên cứu, xem xét áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các tổ chức của Việt Nam cũng nhanh chóng tiếp cận và đưa ODR vào vận hành. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hà Nội đã khởi động Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến từ tháng 6/2020. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã ra mắt nền tảng hòa giải thương mại trực tuyến (Medup) vào cuối tháng 3/2021.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các điều kiện để phổ biến ODR và ứng dụng ODR hữu hiệu hơn trong cả hoạt động thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Trên cơ sở nghiên cứu, kết quả khảo sát doanh nghiệp Việt Nam, Hội thảo đã thảo luận một số kiến nghị liên quan. Các kiến nghị chung bao gồm:
Bên cạnh đó, Hội thảo tập trung vào một số kiến nghị cụ thể để cải thiện hạ tầng kinh tế và pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao nguồn nhân lực; và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.