(Ông Vũ Xuân Phong - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu khai mạc Hội thảo)
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Vũ Xuân Phong - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tính đến năm 2019, số lượng tranh chấp khởi kiện tại trọng tài của VIAC là 274 vụ, tăng gấp nhiều lần so với số vụ của năm 1993 - giai đoạn đầu trong lịch sử của pháp luật trọng tài. Con số này đã phản ánh phần nào bước nhảy vọt cũng như xu thế của cơ chế xét xử bằng trọng tài trong thời gian qua. Tranh chấp ngày càng tăng đòi hỏi pháp luật cần phải có khung điều chỉnh chặt chẽ, cùng với đó là sự cải tiến, hoàn thiện dần quy trình của các trung tâm trọng tài. Việc Luật TTTM ra đời và không ngừng được hoàn thiện trong thời gian qua là nền tảng vững chắc giúp quy trình tố tụng trọng tài diễn ra an toàn, hiệu quả. Thêm vào đó, sự quan tâm, khuyến khích phát triển trọng tài của cơ quan nhà nước, các tổ chức cũng góp phần nhân rộng, đưa phương thức trọng tài đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, một trong số những chính sách đó là Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh”. Đề án trọng tài với những tiêu chí cùng hành động cụ thể đã thúc đẩy hơn sự phát triển của phương thức trọng tài thương mại. Trong quá trình thực hiện đề án, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói riêng và các trung tâm trọng tài, tổ chức khác nói chung đã có nhiều đóng góp, nỗ lực triển khai đa dạng các hoạt động nhằm cung cấp các thông tin hữu ích về pháp luật trọng tài đồng thời khẳng định ưu thế của phương thức trọng tài đối với doanh nghiệp.
(Bà Mai Thị Tuyết Hạnh - Phó phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh báo cáo quá trình thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh”)
Mở đầu Hội thảo, bà Mai Thị Tuyết Hạnh - Phó phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành báo cáo chi tiết về quá trình thực hiện cũng như các kết quả đáng ghi nhận của Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh”. Từ góc độ cơ quan nhà nước, bà Hạnh nhận định, phần lớn các tổ chức trọng tài thương mại đã quan tâm xây dựng mô hình hoạt động dần đi vào ổn định và ngày một hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với năng lực kinh nghiệm, chuyên môn. Trọng tài thương mại là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng vẫn chưa được biết đến nhiều như Tòa án, chính bởi vậy, việc phổ biến, nhân rộng kiến thức, thông tin về trọng tài thương mại là điều rất cần thiết. Với sự triển khai sát sao, tích cực của các tổ chức trọng tài cũng như các đơn vị hỗ trợ, qua hơn 4 năm thực hiện đề án hoạt động trọng tài thương mại trên địa bàn Thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng; nhận thức của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ về vị trí, vai trò của trọng tài thương mại ngày càng được nâng cao, việc lựa chọn phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại ngày càng phổ biến. Lĩnh vực hoạt động của các tổ chức trọng tài thương mại ngày càng mở rộng để tiếp nhận và giải quyết tốt các tranh chấp thương mại có yếu tố quốc tế, góp phần hỗ trợ tòa án giảm tải giải quyết các tranh chấp thương mại.
(Ông Nguyễn Văn On - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP. Hồ Chí Minh (TRACENT) có phần tham luận về vai trò của tổ chức trọng tài trong quá trình thực hiện đề án)
Tiếp nối phần trình bày của đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, từ góc độ thực tiễn, ông Nguyễn Văn On - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP. Hồ Chí Minh (TRACENT), đã có phần tham luận về vai trò của tổ chức trọng tài trong quá trình thực hiện đề án, cùng các đề nghị phát triển đề án vào các năm tới. Trong khuôn khổ Đề án trọng tài thương mại, Trung tâm Trọng tài Thương mại TP. Hồ Chí Minh (TRACENT) đã vạch ra phương hướng rõ ràng, chủ động phối hợp với các đơn vị, Hiệp hội nhằm nâng cao nhận thức về giải quyết tranh chấp trọng tài cho doanh nghiệp. Theo ông On, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện tại; tuy nhiên, khách quan mà nói, doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn có niềm tin, mặn mà sử dụng trọng tài thay cho Tòa án. Để nhân rộng và cung cấp trọn vẹn ưu điểm của trọng tài thương mại, thiết nghĩ, đề án phát triển trọng tài thương mại cần được tiếp tục, cùng với đó, các tổ chức trọng tài cũng cần hoàn thiện hơn quy trình tố tụng, đào tạo trọng tài viên, cán bộ… và hơn hết là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị khác, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng trọng tài trong giải quyết tranh chấp.
(PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần trao đổi về quá trình 10 năm phát triển của pháp luật trọng tài)
Sau phần chia sẻ của đại diện TRACENT, đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần trao đổi về quá trình 10 năm phát triển của pháp luật trọng tài thông qua việc đánh giá, nhận định thực tiễn áp dụng pháp luật. Với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình giải quyết tranh chấp, chuyên gia đã nêu lên những điểm mới cùng với đó là thành tựu nổi bật của Luật TTTM so với Pháp lệnh trọng tài thương mại trước đó. Luật TTTM 2010 đã tạo ra khung pháp lý khá thuận lợi cho trọng tài thương mại tại Việt Nam khi khắc phục được hạn chế của luật cũ và tiếp thu nhiều nguyên tắc quan trọng, có ý nghĩa của luật trọng tài quốc tế. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng, bản thân Luật TTTM, vì chưa thực sự hoàn thiện, cũng phát sinh một số hạn chế trong quá trình áp dụng khiến quy trình giải quyết tranh chấp gặp một số trở ngại nhất định. Từ việc phân tích thực tiễn và đánh giá khách quan, chuyên gia đã chỉ ra một số điểm thuận lợi và bất lợi khi vận dụng điều khoản của Luật TTTM; cùng với đó, một số kiến nghị, đề xuất cũng được đưa ra nhằm hoàn thiện hơn quy định pháp luật, thuận lợi hóa quá trình xét xử thông qua hình thức trọng tài thương mại.
Ở phần thảo luận với sự điều phối của ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và giải đáp thắc mắc của các diễn giả, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, đại biểu tham dự cũng có những chia sẻ cụ thể về các vướng mắc liên quan đến pháp luật trọng tài.
Thông qua phần trao đổi, nhiều định hướng, đề nghị được đưa ra, đóng góp tích cực vào việc mở rộng và phát triển hơn nữa hoạt động giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại.