...

Hội thảo trực tuyến: Chuyển đổi số - Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh hiện tại

27 Tháng 8, 2020

Mở đầu hội thảo là phần khai mạc của Luật sư Châu Việt Bắc – Phó tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Ông nhận định EU là một thị trường rất tiềm năng nếu doanh nghiệp Việt Nam biết cách tiếp cận, có chiến lược phù hợp, một trong số những công cụ có thể giúp doanh nghiệp khai thác tốt thị trường mới này chính là “chuyển đổi số”. Đây sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt khó những khó khăn ở hiện tại. Từ đó, ông nêu lên mục đích của buổi hội thảo và giới thiệu sự có mặt của các diễn giả cũng như nội dung chính của chương trình.

Bắt đầu phần tham luận, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) trình bày về việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA nhằm tiếp cận thị trường EVFTA, phần trình bày bao gồm 2 phần: ý nghĩa của EVFTA có hiệu lực thi hành trong bối cảnh hiện nay và kết nối hiệu quả với thị trường EU thông qua chuyển đổi số. Theo ông, tình hình chung của thế giới trong năm 2020 rất đặc biệt. Diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế xã hội của các quốc gia, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại đầu tư. Theo Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), trong 6 tháng đầu năm qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta giảm 2.1% so với cùng kì năm trước. Ông nhận định rằng Hiệp định EVFTA có hiệu lực thi hành trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ tạo ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giúp tăng cường kim ngạch xuất khẩu và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, Hiệp định cũng tạo ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện chặt chẽ các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quy định về lao động, các yêu cầu về môi trường,.. Thêm vào đó, ông đưa ra những lợi thế về mặt kinh tế trong tầm nhìn 10 năm, 15 năm và 20 năm cũng như các lợi thế khác như quan hệ quốc tế, tầm ảnh hưởng của Việt Nam và sự tăng trưởng của thương mại nước nhà.

Đồng thời, ông cũng nêu lên thực trạng về sự kết nối giữa Việt Nam với thị trường EU thông qua chuyển đổi số. Hiện nay, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang sử dụng nền tảng số ngày càng phổ biến, doanh nghiệp đang quan tâm, đầu tư và phát triển rộng rãi hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý nhiều vấn đề để kết nối hiệu quả thị trường EU thông qua chuyển đổi số để nắm bắt kịp thời xu thế mới của chuyển đổi số và kinh tế số để tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ số và phát triển bền vững.

Tiếp nối phần trình bày trên của Ông Trần Phú Lữ, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Viện Kinh tế Xanh, Chuyên gia tư vấn giải pháp Công nghệ thông tin, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có bài tham luận với chủ đề Chuyển đổi số: Những thay đổi trong đại dịch – Quá trình tất yếu nhưng chưa triệt để. Bài tham luận gồm 3 phần: (i) Đánh giá thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số và yêu cầu từ EVFTA, (ii) Chuyển đổi số với những cơ hội tìm kiếm mô hình hoạt động linh hoạt và (iii) Đề xuất cách tiếp cận chuyển đổi số hiệu quả. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các DN nước ta. Tuy nhiên, cơ hội đó chỉ đến đối với các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được ghi rõ trong Thông tư 11/2020/TT-BCT về Quy tắc xuất xứ hàng hóa Hiệp định Thương mại Việt Nam và EU của Bộ Công Thương ban hành ngày 15/6/2020. Thông tư này quy định chi tiết về quy tắc xuất xứ hàng hóa mà các doanh nghiệp sản xuất hàng cung cấp cho thị trường EU cần tuân thủ.

Yêu cầu đầu tiên của Hiệp định EVFTA đối với doanh nghiệp là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cụ thể là nguyên liệu đầu vào của sản phẩm, phải từ Việt Nam hoặc các quốc gia được EU chấp nhận. Tiếp theo là quá trình sản xuất ra sao; đảm bảo chất lượng, tính đồng đều, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, an toàn thực phẩm, đặc biệt hàng hóa phải được tổ chức hay cơ quan có thẩm quyền chứng nhận quá trình trên. Cuối cùng là yêu cầu về năng lực số: giao dịch số, hợp đồng số, thành toán số, hậu mãi số, giải quyết tranh chấp số… doanh nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ tập quán số, văn hóa số của nền kinh tế số. Theo ông, để đáp ứng được ba yêu cầu trên, doanh nghiệp phải thực hiện kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số. Để làm rõ nền kinh tế tuần hoàn mà thế giới hướng tới, ông đưa ra so sánh giữa nền kinh tế tuần hoàn với nền kinh tế truyền thống (hay còn gọi là nền kinh tế tuyến tính) đang được thực hiện phổ biến. Như vậy, chỉ có cách thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp mới có thể hình thành nền kinh tế số. Từ đó, ông đề xuất cho các doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa của từng doanh nghiệp dựa trên công nghệ số để phù hợp với việc kiểm soát sự lưu thông hàng hóa tại EU. Ông cũng thông tin, đã đến lúc các doanh nghiệp cần thay đổi triệt để để phù hợp với xu thế và tình hình kinh tế hiện tại.

Với vấn đề pháp lý trong thực hiện giao dịch điện tử, Luật sư Đinh Quang Thuận - Luật sư thành viên công ty luật TNHH Global Vietnam Lawyers, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã có những bình luận, đồng thời đưa ra những lưu ý pháp lý quan trọng để giảm thiểu rủi ro khi giao thương. Ông cho biết phương thức giao kết điện tử để thay thế phương thức giao kết văn bản, đã được quy định trong Nghị định 130/2018. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhận thấy bất lợi của hình thức này nên vẫn chưa áp dụng phổ biến, chưa nhận thấy được sự cần thiết. Mặc dù tiềm tàng nhiều rủi ro nhưng để phát triển, doanh nghiệp cần sự đầu tư, đổi mới toàn bộ để đồng bộ về mọi mặt. Ông cho hay việc giao kết hợp đồng điện tử tại châu Âu đem lại nhiều thách thức: khoảng cách về kỹ thuật số, chưa sẵn sàng về an ninh mạng và thiếu hụt sự đầu tư. Từ thực trạng và thách thức nêu trên, ông đúc kết những vấn đề pháp lý quan trọng khi thực hiện giao kết hợp đồng điện tử về hình thức của hợp đồng và ký hợp đồng điện tử như thế nào để phù hợp với quy định của pháp luật. Việc này được quy định trong điều 22.1 và 22.2 Luật giao địch điện tử. Bên cạnh đó, ông còn phân tích rõ rủi ro của hợp đồng bán – bán (phương thức ký kết và luân chuyển tập pdf hoặc tệp hình ảnh của hợp đồng) cùng các phương án để giảm thiểu các rủi ro trên.

Cuối cùng là phần trình bày của Luật sư Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên độc lập, thành viên Tiểu Ban tư vấn pháp luật Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) về thực trạng chuyển đổi số trong ngành Logistics của Việt Nam. Ông cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp Logistics đang áp dụng những ứng dụng độc lập, phần mềm riêng biệt để quản lý các dịch vụ khác nhau, dẫn đến không thể kết nối để có hiệu quả tối ưu, lãng phí thời gian, nhiều hoạt động liên kết dịch vụ trong chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Từ đó, ông đưa ra những lưu ý đáng quý dành cho doanh nghiệp, có thể kể đến đó là doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hạn; lựa chọn quy trình, nhà cung cấp phù hợp với khả năng tài chính để tạo nên 1 hệ thống liên hoàn, sử dụng số liệu chung, cùng chuẩn mực. Bên cạnh đó là những rủi ro khi yêu cầu chuyển tiền bằng văn bản điện tử, như vậy, để phòng tránh, cần quy định địa chỉ email của hai bên, số tài khoản chuyển tiền trong hợp đồng. Khi có thay đổi, doanh nghiệp phải hỏi lại bằng điện thoại hoặc email khác để xác nhận trước khi chuyển tiền. Ông đề xuất với các doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thương lượng, hòa giải. Trong đó, hòa giải là một hình thức các doanh nghiệp nên tham khảo thực hiện vì tạo ra cách giải quyết không có bên nào thắng hay thua mà hai bên cùng nhượng bộ để có lợi. Một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp Logistics đều ký kết hợp đồng bằng tiếng Anh, vì vậy giải quyết bằng trọng tài sẽ giúp doanh nghiệp không cần dịch nội dung tranh chấp qua tiếng Việt, tạo điều kiện và thuận tiện hơn cho doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian. Cuối cùng là phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án với mức chi phí thấp nhưng thời gian xử lý tranh chấp lâu.

Tiếp đến là phần hỏi đáp và thảo luận, chương trình nhận được rất nhiều câu hỏi và sự quan tâm của các doanh nghiệp, đại biểu đang theo dõi trực tuyến hội thảo thông qua Zoom và Facebook. Với sự điều phối của Luật sư Châu Việt Bắc, các chuyên gia đã có những bình luận, giải đáp đối với câu hỏi mà doanh nghiệp đặt ra và gửi trực tiếp về cho Ban Tổ chức. Mặc dù thời lượng hội thảo không nhiều, nhưng qua đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) mong muốn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, thông tin kịp thời về tình hình kinh tế dưới tác động của Covid-19, cũng như phương pháp tiếp cận, áp dụng EVFTA hiệu quả để giảm thiểu khó khăn.

 

Xem lại hội thảo trực tuyến: Tại đây

Tham khảo tài liệu hội thảo trực tuyến: Tại đây

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI