...

Khóa đào tạo “Thanh toán quốc tế - Tranh chấp phát sinh & Cơ hội phục hồi kinh tế sau Covid-19”

24 Tháng 7, 2020

Trong phiên học thứ nhất, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Đại học Ngoại thương Cơ sở II TP. Hồ Chí Minh bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Tài chính Ngân hàng – nhận định rằng: Tình hình kinh tế tại Việt Nam không quá ảm đạm so với thế giới, con số thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam vẫn xuất siêu được 4,48 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu thặng dư tập trung ở hai ngành hàng: dệt may và máy tính - linh kiện điện tử. Tuy nhiên hầu hết đóng góp vào sức tăng trưởng đến từ các doanh nghiệp FDI nên mặc dù giá trị gia tăng thực chất không lớn nhưng xét về con số tuyệt đối thì cũng đã tạo ra thặng dư thương mại cho hoạt động thương mại của Việt Nam.

 

(Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Đại học Ngoại thương Cơ sở II TP. Hồ Chí Minh bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Tài chính Ngân hàng)

Tiếp đó, Tiến sĩ trao đổi về các phương thức thanh toán hiện có như: Chuyển tiền, Ghi sổ, Nhờ thu và Tín dụng chứng từ (L/C) và các khía cạnh xoay quanh nó như: quy trình thực hiện, vai trò của các nhà Xuất/Nhập khẩu, Ngân hàng trung gian. Bà cung cấp cái nhìn toàn diện về các phương thức thanh toán quốc tế; những rủi ro và quản lý rủi ro; quy trình dòng tiền, dòng hàng và dòng chứng từ vận hành trong thanh toán quốc tế; các ưu, nhược điểm của từng phương thức thanh toán để các Doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với từng từng tình huống cụ thể. Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga cũng nhấn mạnh những khó khăn, rủi ro trong thanh toán quốc tế nói chung và trong bối cảnh hậu Covid-19 nói riêng, có thể bắt nguồn do đối tác thiếu tính thanh khoản, do sự thay đổi chính sách từ Chính phủ, do những quan điểm mâu thuẫn về sự bất hợp lệ chứng từ trong quá trình xuất trình L/C,… Khi thanh toán bằng L/C thì Ngân hàng chỉ kiểm tra các chứng từ được liệt kê trong L/C, tuy nhiên, cần lưu ý khi L/C đưa ra một điều khoản nhưng không đề cập là phải có một chứng nhận về điều khoản đó thì Ngân hàng có thể chấp nhận chứng từ không ghi rõ điều kiện đó với điều kiện không xuất hiện một chứng cứ chứng minh đó là hàng từ một nước khác. Ví dụ: L/C yêu cầu hàng hóa có Invoice từ Mỹ, không yêu cầu C/O thì khi xuất trình chứng từ yêu cầu phải có Invoice và Invoice đó sẽ được Ngân hàng chấp nhận khi ghi xuất xứ từ Mỹ hoặc thậm chí là không ghi xuất xứ trong điều kiện không có chứng cứ chứng minh hàng hóa đó có xuất xứ từ nơi khác.

Buổi tập huấn thứ hai tiếp diễn vào buổi chiều với sự trao đổi của ThS. Nguyễn Trọng Thùy Nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Khác với phiên học thứ nhất, ThS. Nguyễn Trọng Thùy mang đến một phương thức thanh toán mới – Phương thức thanh toán BPO (Bank Payment Obligation).

(ThS. Nguyễn Trọng Thùy – Nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC))

Ông cho rằng những quan điểm về bất hợp lệ chứng từ trong xuất trình L/C là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên mua không thanh toán vì cho rằng chứng từ bất hợp lệ, bên bán khẳng định chứng từ hợp lệ và yêu cầu thanh toán dẫn đến sự chậm trễ trong thanh toán thậm chí phải giải quyết bằng con đường Tòa án hoặc Trọng tài. Sự ra đời của BPO có thể khắc phục tình trạng trên. BPO đáp ứng được công nghệ 4.0, dữ liệu hóa nội dung chứng từ không có sự can thiệp của con người từ đó không mất thời gian diễn giải về sự bất hợp lệ chứng từ, giảm bớt chi phí cho nhà xuất/nhập khẩu, tạo tính kịp thời cho người mua hàng có chứng từ để nhận hàng, tạo cho người xuất khẩu thu tiền về nhanh, ngay sau khi ngân hàng so khớp dữ liệu. Đối với BPO có hai vấn đề cần phải lưu ý: Thứ nhất, Ngân hàng phải thực hiện thanh toán khi dữ liệu được so khớp chuẩn mực. Thứ hai, nếu như có trục trặc, bất hợp lệ trong so khớp dữ liệu thì Ngân hàng được miễn trách.

Bất cứ phương thức thanh toán nào cũng có rủi ro, đối với BPO, rủi ro có thể xuất phát từ sự bất cẩn trong chuyển hóa dữ liệu, nhập dữ liệu vào BPO để mã hóa, rủi ro bị lợi dụng hay gian lận lừa đảo. Tuy nhiên, BPO chưa được áp dụng nhiều vì cần phải đồng bộ về thực hành và pháp luật: tất cả các Ngân hàng đại lý, khách hàng là nhà Xuất nhập khẩu phải áp dụng BPO và cơ quan liên quan phải hiểu và chấp nhận BPO,… Như vậy, để có thể áp dụng và đưa BPO trở thành phương thức thanh toán phổ biến cần một quá trình dài hạn để xây dựng cơ sở hạ tầng, và chuỗi đội ngũ vận hành chuyên nghiệp.

Th.S Nguyễn Trọng Thùy cũng lưu ý: Đối với các Doanh nghiệp, khi thiết lập hợp đồng có giá trị lớn, với đối tác mới chưa có niềm tin, trong quá trình soạn thảo hợp đồng nên đưa L/C chi tiết vào điều khoản thanh toán như: thanh toán 100% L/C trả tiền ngay, xuất trình chứng từ hợp lệ, cho phép đòi tiền khi xuất trình các chứng từ cụ thể (chất lượng, bảo hiểm, chủ thể có thẩm quyền cấp,…) để đảm bảo mức độ an toàn cho việc thanh toán nói riêng và quá trình thực hiện hợp đồng nói chung. Đối với Ngân hàng cần chú trọng khi thiết lập L/C, cho vay, điều khoản thanh toán cũng như thư bảo lãnh (nếu có) phải đảm bảo thực hiện tài trợ theo chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp để phù hợp với quy định của pháp luật và thương mại quốc tế.

Thông qua lớp tập huấn, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn các Doanh nghiệp, Ngân hàng tham dự sẽ có những góc tiếp cận mới và tiếp cận sâu hơn về Thanh toán quốc tế, từ đó thu về được những kinh nghiệp quý giá giúp ích trong quá trình xây dựng và thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI